Luật Chứng khoán sửa đổi: Nâng cao tính minh bạch thị trường, NĐT cá nhân được mua trái phiếu riêng lẻ

Xuân Nghĩa 10:15 | 30/11/2024 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Luật Chứng khoán sửa đổi chính thức được thông qua ngày 29/11. Đây là bước tiến quan trọng nhằm nâng cao tính minh bạch, hiệu quả trong hoạt động phát hành, chào bán chứng khoán... qua đó hướng đến mục tiêu nâng hạng thị trường.

Theo Cổng thông tin điện tử Quốc hội, chiều 29/11, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Quản lý thuế và Luật Dự trữ quốc gia.

Việc thông qua Luật Chứng khoán sửa đổi là bước tiến quan trọng nhằm nâng cao tính minh bạch, hiệu quả trong hoạt động phát hành, chào bán chứng khoán, ngăn chặn các hành vi gian lận, lừa đảo trong lĩnh vực chứng khoán và thúc đẩy sự phát triển của thị trường chứng khoán, hướng đến mục tiêu nâng hạng lên thị trường mới nổi.

Lãnh đạo Quốc hội bấm nút thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 9 luật. (Ảnh: Quốc hội).

Luật Chứng khoán sửa đổi bổ sung thêm quy định nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp gồm nhà đầu tư nước ngoài là cá nhân có quốc tịch nước ngoài, tổ chức thành lập theo pháp luật nước ngoài thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh tại Việt Nam; bổ sung thêm quy định nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp tham gia mua, giao dịch, chuyển nhượng trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ là tổ chức và nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là cá nhân được tham gia trong một số trường hợp cụ thể.

Tại khoản 4, Điều 1, Luật đã bổ sung Điều 11a vào sau Điều 11 về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân liên quan đến hồ sơ, tài liệu báo cáo. Đồng thời, Luật cụ thể quy định trách nhiệm của cơ quan, tổ chức tiếp nhận hồ sơ, tổ chức tư vấn hồ sơ, tổ chức kiểm toán, kiểm toán viên được chấp thuận, các tổ chức, cá nhân ký xác nhận… liên quan đến hồ sơ, tài liệu báo cáo trong hoạt động về chứng khoán và thị trường chứng khoán.

Việc sửa đổi nhằm hướng tới hoàn thiện các quy định để tăng cường công tác giám sát và xử lý nghiêm các hành vi gian lận, lừa đảo trong hoạt động phát hành, chào bán chứng khoán. Trên cơ sở đó, Luật quy định rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan, bảo đảm hiệu quả phòng ngừa, xử lý vi phạm.

Về hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động chứng khoán và TTCK (TTCK), Luật bổ sung thao túng TTCK là hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động về chứng khoán và TTCK quy định tại Điều 12 của Luật hiện hành.

Thực hiện hành vi thao túng TTCK, gồm một, một số hoặc tất cả các hành vi dưới đây. Thứ nhất là sử dụng một hoặc nhiều tài khoản giao dịch của mình hoặc của người khác hoặc thông đồng liên tục mua, bán chứng khoán nhằm tạo ra cung, cầu giả tạo.

Thứ hai là đặt lệnh mua và bán cùng loại chứng khoán trong cùng ngày giao dịch hoặc thông đồng với nhau giao dịch mua, bán chứng khoán mà không dẫn đến chuyển nhượng thực sự quyền sở hữu hoặc quyền sở hữu chỉ luân chuyển giữa các thành viên trong nhóm nhằm tạo giá chứng khoán, cung cầu giả tạo.

Thứ ba là liên tục mua hoặc bán chứng khoán với khối lượng chi phối vào thời điểm mở cửa hoặc đóng cửa thị trường nhằm tạo ra mức giá đóng cửa hoặc giá mở cửa mới cho loại chứng khoán đó trên thị trường.

Thứ 4 là giao dịch chứng khoán bằng hình thức cấu kết, lôi kéo người khác liên tục đặt lệnh mua, bán chứng khoán gây ảnh hưởng lớn đến cung cầu và giá chứng khoán, thao túng giá chứng khoán.

Thứ 5 là đưa ra ý kiến một cách trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua phương tiện thông tin đại chúng về một loại chứng khoán, về tổ chức phát hành chứng khoán nhằm tạo ảnh hưởng đến giá của loại chứng khoán đó sau khi đã thực hiện giao dịch và nắm giữ vị thế đối với loại chứng khoán đó.

Cuối cùng là sử dụng các phương thức hoặc thực hiện các hành vi giao dịch khác hoặc kết hợp tung tin đồn sai sự thật, cung cấp thông tin sai lệch ra công chúng để tạo cung cầu giả tạo, thao túng giá chứng khoán.