Luật Đầu tư công có hiệu lực thi hành từ đầu năm 2020
22:36 | 13/06/2019
Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
(DNVN) - Sáng 13/6, với 90,7% đại biểu tán thành, Quốc hội đã thông qua Luật Đầu tư công (sửa đổi) trong khuôn khổ chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa 14.
Cụ thể, có 439/450 đại biểu tham gia bấm nút đồng ý thông qua Dự thảo Luật Đầu tư công sửa đổi, tương đương tỉ lệ tán thành là 90,7%. Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2020.
Luật gồm 6 chương, 101 điều, quy định việc quản lý nhà nước về đầu tư công; quản lý và sử dụng vốn đầu tư công; quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động đầu tư công.
Nguyên tắc quản lý đầu tư công, Luật quy định: Tuân thủ các quy định của pháp luật về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công; Phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế-xã hội, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm của đất nước và quy hoạch có liên quan theo quy định của pháp luật về quy hoạch; Thực hiện đúng trách nhiệm và quyền hạn của cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức, cá nhân liên quan đến quản lý và sử dụng vốn đầu tư công; Quản lý việc sử dụng vốn đầu tư công theo đúng quy định đối với từng nguồn vốn; Bảo đảm đầu tư tập trung, đồng bộ, chất lượng, tiết kiệm, hiệu quả và khả năng cân đối nguồn lực; Không để thất thoát, lãng phí; Bảo đảm công khai, minh bạch trong hoạt động đầu tư công.
Một điểm đáng lưu ý nữa là Luật đã được sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện trình tự, thủ tục, phân cấp thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư dự án đầu tư công. Phân cấp triệt để quy trình thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn, trở thành một nội dung của thẩm định báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư, do các bộ, cơ quan trung ương và địa phương thẩm định (trừ chương trình, dự án thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ) trên cơ sở tổng số vốn kế hoạch trung hạn của đơn vị mình được cấp có thẩm quyền phân bổ.
Luật mới cũng sẽ phân cấp mạnh mẽ thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư, vừa đảm bảo thẩm quyền của các cơ quan Quốc hội, Hội đồng nhân dân, vừa tăng tính chủ động, phù hợp với điều kiện thực tế của mỗi địa phương, xử lý được những tình huống phức tạp như dự án sử dụng nhiều nguồn vốn thuộc các cấp ngân sách khác nhau. Điển hình là Hội đồng nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư dự án nhóm A của địa phương sử dụng bất kỳ loại nguồn vốn nào (bao gồm cả hỗ trợ có mục tiêu từ ngân sách trung ương).
Giải trình trước Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết: Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) xin tiếp thu theo kết quả phiếu xin ý kiến của đa số ĐBQH, giữ tiêu chí phân loại dự án như quy định của Luật Đầu tư công hiện hành về tiêu chí phân loại dự án quan trọng quốc gia và phân loại dự án nhóm A, nhóm B, nhóm C thể hiện tại các điều từ Điều 7 đến Điều 10 của dự thảo Luật.
Về thời gian trình và phê duyệt kế hoạch đầu tư công trung hạn (Điều 60, 62), UBTVQH xin tiếp thu theo kết quả phiếu xin ý kiến của đa số Đại biểu Quốc hội (ĐBQH), quy định Quốc hội khóa mới quyết định kế hoạch đầu tư công trung hạn (ĐTCTH) giai đoạn mới.
Về thẩm quyền xem xét, quyết định danh mục dự án kế hoạch đầu tư công trung hạn: UBTVQH xin Quốc hội cho giữ cơ bản như quy định của Luật Đầu tư công hiện hành nhưng chỉnh lý một số chi tiết để đảm bảo đồng bộ với Luật Ngân sách Nhà nước. Cụ thể, Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư đối với: Chương trình mục tiêu quốc gia; Dự án quan trọng quốc gia theo Khoản 1 Điều 17 của Luật Đầu tư công hiện hành và cũng trùng khớp với quy định của dự thảo Luật đã trình Quốc hội.