Luật PPP tránh tình trạng “vay mượn” quy định của các pháp luật khác

06:25 | 12/07/2020 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
(DNVN) - Đây là khẳng định của Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầi tư Vũ Đại Thắng tại buổi Họp báo giới thiệu Luật Doanh nghiệp 2020, Luật Đầu tư 2020 và Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), chiều 10/7.

Sau 10 năm chờ đợi, kể từ khi Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 71/2020/QĐ-TTg ban hành Quy chế thí điểm đầu tư theo hình thức PPP, các quy định pháp luật về phương thức đầu PPP đã chính thức được luật hóa.

Luật PPP gồm 11 chương và 101 điều, là luật thống nhất điều chỉnh hoạt động đầu tư, thu hút khu vực tư nhân tham gia đầu tư một số lĩnh vực hạ tầng quan trọng, thiết yếu theo phương thức đối tác công - tư.

Luật này áp dụng đối với các bên trong hợp đồng đầu tư theo phương thức đối tác công tư, cơ quan quản lý nhà nước và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động đầu tư theo phương thức đối tác công tư.

Luật PPP tránh tình trạng “vay mượn” quy định của các pháp luật khác - ảnh 1
Ảnh minh họa. 
Phát biểu tại cuộc Họp báo, Thứ trưởng Vũ Đại Thắng nhấn mạnh: Luật PPP là luật mới hoàn toàn, đã kế thừa những quy định tốt đã và đang thực hiện, đồng thời bổ sung các nội dung mới, quan trọng, bảo đảm tính đặc thù của đầu tư PPP, tạo môi trường pháp lý ổn định hơn cho các dự án PPP trong thời gian tới.

“Ban hành một luật riêng để đảm bảo tính đặc thù của đầu tư PPP sẽ tạo môi trường pháp lý ổn định hơn cho doanh nghiệp, tránh tình trạng “vay mượn” quy định của các pháp luật khác”, ông Thắng nói.

Cụ thể, việc xây dựng khung pháp lý có hiệu lực cao hơn, ổn định hơn thông qua Luật PPP giúp tránh được các rủi ro cho nhà đầu tư trong trường hợp thay đổi chính sách.

Hợp đồng dự án PPP thường kéo dài từ 20-30 năm, nhà đầu tư cũng như các bên cho vay thường yêu cầu bền vững của các quy định pháp luật điều chỉnh hợp đồng. Luật PPP được ban hành là cơ sở cho việc hoàn thiện môi trường đầu tư, phát triển cơ sở hạ tầng một cách bền vững, lâu dài.

Luật PPP cũng hoàn thiện cơ chế tổng thể bao gồm các hình thức hỗ trợ, ưu đãi và bảo đảm đầu tư từ phía Nhà nước cho nhà đầu tư để tăng tính hấp dẫn của dự án, thu hút đầu tư mạnh mẽ cũng như bảo đảm việc thực hiện dự án thành công.

Đây là chính sách then chốt của Luật PPP, được nhiều nhà đầu tư, tổ chức quốc tế quan tâm và đánh giá là bước tiến trong chính sách thu hút đầu tư qua PPP tại Việt Nam.

Luật PPP tránh tình trạng “vay mượn” quy định của các pháp luật khác - ảnh 2
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TPHCM chia sẻ tại cuộc Họp báo. Ảnh: DNVN/Đức Tân
 Đại diện cho phía doanh nghiệp tại cuộc Họp báo, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM đánh giá cao Luật PPP, đặc biệt là cơ chế chia sẻ phần tăng, giảm doanh thu tại Luật PPP, quy định cơ chế chia sẻ được áp dụng cho tất cả các dự án PPP với tỷ lệ cố định 50% - 50% cho hai bên và trên cơ sở kiểm soát định kỳ doanh thu hàng năm.

Việc chia sẻ phần giảm doanh thu khi doanh thu thực tế chỉ đạt 75% doanh thu trong phương án tài chính chỉ được áp dụng khi đã thực hiện đầy đủ các biện pháp điều chỉnh mức giá, phí sản phẩm, dịch vụ công hoặc thời hạn hợp đồng và phải được Kiểm toán Nhà nước thực hiện kiểm toán phần giảm doanh thu.

Điều này còn có ý nghĩa hơn trong bối cảnh COVID-19 đang tác động nghiêm trọng tới kinh tế toàn cầu.

Luật PPP có hiệu lực thi hành vào ngày 01/01/2021. Chính phủ dự kiến sẽ sớm ban hành 03 nghị định hướng dẫn Luật PPP, trong đó có nghị định hướng dẫn thi hành về lựa chọn nhà đầu tư, về cơ chế tài chính trong đầu tư theo phương thức PPP.