Lý giải nguyên nhân bão số 13 tăng cấp: Bão thu nhỏ phạm vi nên gió mạnh lên

14:20 | 14/11/2020 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Bão số 13 đã tăng 2 cấp vào đêm ngày 13/11 và mạnh hơn so với dự báo trước đó. Kể từ trưa 14/11, đất liền sẽ bắt đầu chịu ảnh hưởng của bão số 13.
Lý giải nguyên nhân bão số 13 tăng liên tục 2 cấp, ông Dư Đức Tiến - Trưởng phòng Dự báo Số trị Viễn thám (Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia) cho biết: Theo số liệu quan trắc, các điều kiện về nhiệt bề mặt biển, thông lượng nhiệt không thay đổi nhiều nhưng do dòng ra trên cao mạnh lên khiến kích cỡ bão nhỏ lại tạo điều kiện tiềm năng cho bão nhỏ lại với cường độ mạnh lên. 

Hiểu một cách đơn giản, khi phạm vi ảnh hưởng của bão thu hiệp lại thì đồng nghĩa với việc sức gió sẽ mạnh lên. Vùng tâm bão chịu ảnh hưởng nặng nề của những cơn cuồng phong này. 
 
Vì sao bão số 13 tăng 2 cấp?
Đường đi của bão số 13

Ông Tiến cũng cho biết, lúc này bão đã bắt đầu đi vào khu vực biển lạnh, có dấu hiệu tương tác với không khí lạnh nên bão có khả năng bắt đầu suy giảm cường độ trong 3 - 6 giờ tới. Khi tiến gần đến đảo Lý Sơn, Cồn Cỏ, Cù Lao Chàm gió mạnh cấp 10 - 11, giật cấp 14. Các tàu thuyền, lồng bè nuôi thủy sản từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi có thể chịu ảnh hưởng.

Kể từ trưa nay (14/11), trên đất liền từ Nam Nghệ An đến Quảng Ngãi  gió mạnh dần lên cấp 6 - 7, sau tăng lên cấp 8 - 9, vùng ven biển có nơi cấp 10, giật cấp 12. Kể từ chiều 14/11 đến 16/11, từ phía nam Nghệ An đến Quảng Nam có mưa to đến rất to; ở Thanh Hóa, phía Bắc Nghệ An và Quảng Ngãi có mưa to với lượng mưa từ 50 - 150mm/đợt.

Theo dự báo trên, tất cả các hoạt động trên đất liền và ven biển có nguy cơ rất cao chịu ảnh hưởng của mưa bão và gió mạnh từ trưa và chiều ngày hôm nay. Các tỉnh ở khu vực Bắc và Trung Trung Bộ từ phía Nam Nghệ An đến Quảng Ngãi có thể chịu ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 13, trong đó vùng trọng tâm là Quảng Bình đến Quảng Nam.
 
Vì sao bão số 13 tăng 2 cấp?
Người dân đang chằng chống nhà cửa để ứng phó với bão số 13

Trước diễn biến phức tạp của bão số 13, Thủ tướng Chính phủ vừa có Công điện 1601/CĐ-TTg chỉ đạo tập trung ứng phó khẩn cấp bão số 13.

Công điện gửi UBND các tỉnh, thành phố Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi; Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai; Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm Cứu nạn; các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Quốc phòng, Công an, Tài nguyên và Môi trường, Ngoại giao, Công Thương, Giao thông Vận tải, Xây dựng, Thông tin và Truyền thông, Giáo dục và Đào tạo, Y tế, Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Công điện nhấn mạnh, bão số 13 là cơn bão rất mạnh, dự báo ảnh hưởng trực tiếp đến khu vực ven biển và đất liền các tỉnh khu vực Bắc và Trung Trung Bộ từ hôm nay 14/11 đến ngày 15/11.

Thủ tướng yêu cầu Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn, các Bộ, ngành, địa phương liên quan dừng các cuộc họp không thật sự cần thiết, tiếp tục triển khai các biện pháp ứng phó với bão theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 1597/CĐ-TTg ngày 12-11, tập trung chỉ đạo, triển khai quyết liệt các nhiệm vụ sau: Rà soát, yêu cầu tàu thuyền vào nơi cư trú an toàn; sơ tán người ra khỏi khu vực nguy hiểm ở trên biển, ven biển. Tổ chức chằng chống, gia cố nhà cửa, trường học, kho hàng... để hạn chế thiệt hại; Sơ tán người dân trong vùng nguy hiểm đến nơi an toàn; triển khai phương án bảo vệ các công trình công cộng; Bộ, ngành, địa phương tăng cường lực lượng, phương tiện, trang thiết bị sẵn sàng ứng phó với các tình huống có thể xảy ra.
 
Hình ảnh đầu tiên của bão Vamco càn quét Philippines


Hương Quỳnh