M&A sẽ tiếp tục tập trung vào lĩnh vực hàng tiêu dùng, bán lẻ, bất động sản
Theo kết quả khảo sát mới nhất của CMAC và MAF Research, giá trị thị trường M&A năm 2019 sẽ ở quy mô 6,7-6,8 tỷ USD, tương đương 90% năm 2018, nhưng vẫn cao hơn so với mức bình quân giai đoạn 2014-2017 với quy mô 5 tỷ USD/năm.
Trong năm 2019 và những năm tiếp theo, các thương vụ M&A sẽ tiếp tục tập trung vào lĩnh vực hàng tiêu dùng, bán lẻ, bất động sản. Ngoài ra, các lĩnh vực viễn thông, năng lượng, hạ tầng, dược phẩm, giáo dục được kỳ vọng sẽ đóng góp giá trị đáng kể cho hoạt động M&A tại Việt Nam trong giai đoạn tới.
Ngành sản xuất hàng tiêu dùng, thực phẩm đồ uống và bán lẻ vẫn là mục tiêu của các nhà đầu tư, bởi tốc độ tăng trưởng và nhu cầu tiêu dùng cao của thị trường gần 100 triệu dân với dân số trẻ. Các thương vụ này có thể bao gồm chuyển nhượng các công ty sở hữu những thương hiệu địa phương lâu đời hoặc mới nổi, kèm theo đó là thị phần đối với một số chủng loại hàng hóa.
Ngành thực phẩm và đồ uống tại Việt Nam với tăng trưởng rất mạnh và có triển vọng lớn, bên cạnh các hoạt động mở rộng và kết hợp để gia tăng chuỗi giá trị trong ngành của các doanh nghiệp nội địa thông qua M&A, những doanh nghiệp đầu ngành như Tổng công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội, Công ty cổ phần Sữa Việt Nam vẫn có chỗ trống cho các nhà đầu tư nước ngoài tham gia góp vốn, mua cổ phần và sẽ trở thành mục tiêu hấp dẫn cho các tập đoàn lớn từ Mỹ, châu Âu, Thái Lan.
Với ngành viễn thông - công nghệ, việc thúc đẩy cổ phần hóa Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam - Công ty mẹ, Tổng công ty Viễn thông MobiFone… đang hứa hẹn kích hoạt các thương vụ M&A lớn.
Cùng với sự phát triển của hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại Việt Nam, các doanh nghiệp nằm trong hệ sinh thái cũng bắt đầu có những bước đột phá, nhận được sự quan tâm của các quỹ đầu tư trong nước lẫn khu vực. Tuy nhiên, giới khởi nghiệp và công nghệ tại Việt Nam sẽ cần có những nỗ lực lớn để có những thương vụ đột phá như các start-up trong khu vực, chẳng hạn Grab, Shopee (Singapore), Go Jek (Indonesia)…
Ngân hàng và dịch vụ tài chính cũng còn tiềm năng lớn cho các thương vụ M&A, vì các nhà đầu tư quan tâm tới tài chính cá nhân, tài chính tiêu dùng, hoạt động thẻ, công nghệ ngân hàng… vốn còn nhiều tiềm năng ở Việt Nam. Còn nhiều cái tên trong tầm ngắm cho các thương vụ M&A lớn, vì cùng với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam năm nay phải cổ phần hóa, nhiều ngân hàng còn room ngoại lớn Nhà nước có định hướng thoái vốn như BIDV...
Nhà đầu tư từ châu Á tiếp tục chiếm ưu thế
Về đối tác, kết quả nghiên cứu của CMAC và MAF Research dự báo, các nhà đầu tư từ châu Á gồm Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan và Singapore sẽ tiếp tục chiếm ưu thế trong các thương vụ M&A sắp tới. Thị trường cũng đang được chứng kiến xu hướng đầu tư từ Hồng Kông và Trung Quốc tại một số ngành, lĩnh vực. Các nhà đầu tư khối nội tuy không tham gia vào các thương vụ có giá trị lớn nhất nhưng đang từng bước chuyển mình để làm chủ các thương vụ M&A lớn nhờ lợi thế về tiếp cận quỹ đất, am hiểu thị trường; nâng cao khả năng cạnh tranh và làm tiền đề để thu hút vốn từ khối ngoại.
Nghiên cứu của CMAC và MAF Research cho biết, trong Top 10 thương vụ M&A có quy mô lớn nhất thì các nhà đầu tư Hàn Quốc đóng vai trò chủ đạo, áp đảo.
Điển hình nhất là SK Group. Tháng 3/2019, SK Group đã chi 1 tỷ USD mua 6,1% cổ phần của Tập đoàn Vingroup. Trước đó, tháng 9/2018, SK đã bỏ ra 470 triệu USD để mua lại gần 110 triệu cổ phiếu quỹ của Masan, tương ứng 9,5% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết của Masan.
Mới đây, SK bày tỏ mong muốn mua thêm cổ phần của Tổng công ty Dầu Việt Nam (PVOIL). Năm ngoái, tập đoàn này đã mua 3,55 triệu cổ phần, tương đương 5% cổ phần, trở thành cổ đông lớn của PVOIL.
Cũng trong năm 2018, Vingroup đã chào bán lượng cổ phiếu ưu đãi trị giá 400 triệu USD cho một nhà đầu tư Hàn Quốc khác là Hanwha. Như vậy, chỉ riêng các thương vụ giữa các nhà đầu tư Hàn Quốc với Vingroup đã lên đến 2,41 tỷ USD, chiếm 25,64% tổng giá trị M&A giai đoạn 7/2018 - 7/2019.
Đầu năm 2019, Shinhan Card đã mua lại toàn bộ Công ty Tài chính Prudential Việt Nam, với giá trị ước tính 151 triệu USD. Hay như trường hợp Samsung SDS đã cam kết mua 25% cổ phần của CMC, trong khi Công ty Bảo hiểm Nhân thọ Samsung đang đàm phán với Tổng công ty Bảo hiểm Bảo Việt để mua một phần cổ phiếu…
Trong cuộc đua rót vốn năm 2018 - 2019 của các nhà đầu tư ngoại vào Việt Nam, thì Hong Kong là “tân binh” gây đột biến. Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 6 tháng đầu năm 2019, Hong Kong dẫn đầu danh sách vốn đầu tư vào Việt Nam, với 5,3 tỷ USD. Đặc biệt, Beerco Limited (Hong Kong) chi 3,85 tỷ USD mua cổ phần của Công ty TNHH Vietnam Beverage tại Hà Nội (doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài sở hữu trực tiếp hơn 53% vốn của Sabeco).
Ngoài ra, Hồng Kông còn có Dự án Nhà máy chế tạo thiết bị điện tử, phương tiện, thiết bị mạng và các sản phẩm âm thanh đa phương tiện, tổng vốn đầu tư đăng ký 260 triệu USD do Goertek (Hong Kong) Co., Limited đầu tư tại Bắc Ninh; Dự án Công ty TNHH Điện tử Meiko Việt Nam (Hong Kong) điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm 200 triệu USD; Dự án Chế tạo lốp xe Radian toàn thép ACTR với vốn đầu tư đăng ký 280 triệu USD đầu tư tại Tây Ninh; Dự án Công ty TNHH Lốp Advance Việt Nam, tổng vốn đầu tư đăng ký 214,4 triệu USD do Guizhou Advance Type Investment Co., Ltd đầu tư tại Tiền Giang...
Bên cạnh đó, Singapore, Nhật Bản cùng bứt tốc tại Việt Nam trong các thương vụ M&A. Singapore vẫn tiếp tục duy trì vị trí Top 3 trên đường đua, với với tổng giá trị M&A năm 2018 - 2019 đạt mức 1,6 tỷ USD.
Doanh nghiệp cần minh bạch và công bố thông tin tốt hơn
Ðể thị trường M&A sắp tới diễn ra sôi động, nhất là kích hoạt cho nhiều thương vụ lớn diễn ra, vẫn còn nhiều rào cản cần phải dỡ bỏ, CMAC và MAF Research khuyến nghị các cơ quan chức năng cũng như cộng đồng doanh nghiệp cần vượt qua nhiều rào cản.
Ðiểm đáng chú ý là 8/8 yếu tố liên quan đến Nhà nước và doanh nghiệp nhà nước, 6/8 yếu tố liên quan đến khu vực doanh nghiệp tư nhân. Ðiều này đòi hỏi các nhà hoạch định và thực thi chính sách, các nhà quản lý doanh nghiệp, các chủ doanh nghiệp Việt Nam cần suy nghĩ và tìm giải pháp để tháo gỡ các rào cản, khơi thông cho dòng chảy vốn vào thị trường M&A.
Ngoài các công ty nhà nước cổ phần hóa, nơi cổ đông nhà nước vẫn muốn nắm giữ và thoái từng phần hoặc do Nhà nước chưa thực hiện kế hoạch thoái vốn, một lực cản với M&A là nhiều công ty tư nhân lớn vẫn chưa thoát khỏi tâm lý không muốn bán hết doanh nghiệp. Trong khi đó, các nhà đầu tư nước ngoài muốn nắm tỷ lệ chi phối để có thể chủ động trong các hoạt động sản xuất - kinh doanh. Ðiều này làm giảm sức hút của các thương vụ cổ phần hóa, bán vốn.
Hiện nhiều doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn duy trì hai hệ thống sổ sách kế toán. Thông tin tài chính của nhiều doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp cổ phần hóa chưa được công bố minh bạch, hoặc công bố trên website của doanh nghiệp với thông tin không được cập nhật. Ðiều này làm cho các nhà đầu tư e ngại về tính chính xác của các con số tài chính. Ngoài ra, việc tiếp cận thông tin về đối tượng tiềm năng cũng khá khó khăn với các nhà đầu tư nước ngoài. Nhà đầu tư phải mất tương đối nhiều thời gian để thực hiện thương vụ. Trong đó, thời gian chính là tìm hiểu thông tin, rà soát đặc biệt và trao đổi thông tin với đối tác.
Theo nhiều nhà đầu tư nước ngoài, các doanh nghiệp Việt Nam định giá quá cao khi bán, điều này đang ảnh hưởng lớn đến sự thành công của các thương vụ M&A do hai bên khó thống nhất được giá.
Ðể “làm nóng” thị trường M&A thời gian tới, CMAC và MAF Research đưa ra khuyến nghị, cần thoái vốn quyết liệt và mạnh mẽ hơn, doanh nghiệp cần minh bạch và công bố thông tin tốt hơn, chủ động tiếp cận các nhà đầu tư quốc tế, thúc đẩy niêm yết các công ty nhà nước cổ phần hóa, thay đổi và hoàn thiện hệ thống luật pháp, chính sách.