MAS: Rung lắc có thể xuất hiện quanh vùng cản tâm lý cho đến khi VN-Index chinh phục thành công mốc 1.330

Diên Vỹ 11:37 | 12/09/2024 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
MAS cảnh báo rủi ro trong ngắn hạn vẫn đang hiện hữu khi VN-Index sẽ có xu hướng quay về vùng cân bằng sau khi ghi nhận đà tăng kéo dài 3 tuần trước đó và hướng về vùng hỗ trợ kéo dài từ 1.240 điểm đến 1.250 điểm.

 

Kết thúc tháng 8, VN-Index đóng cửa tại 1.283,87 điểm với mức tăng hơn 32 điểm (+2,59% MoM) với chuỗi tăng điểm kéo dài 3 tuần liên tiếp. Đà phục hồi của thị trường chứng khoán Việt Nam phần nào đồng thuận với diễn biến chung trên thị trường thế giới sau khi lo ngại về suy thoái kinh tế tại Mỹ hay rủi ro liên quan đến các hoạt động giao dịch Carry Trade khi Ngân hàng Trung ương Nhật Bản liên tục đưa ra các thông điệp cứng rắn về thắt chặt chính sách tiền tệ.

Cổ phiếu ngân hàng tiếp tục đóng vai trò dẫn dắt thị trường khi đóng góp hơn 13 điểm đối với đà tăng chung của  VN-Index; theo sau là sắc xanh dần lan tỏa đến các nhóm ngành còn lại như Bất động sản, Dịch vụ tài chính và F&B. 

Ở chiều ngược lại, nhóm Nguyên vật liệu (chủ yếu là Thép) và Xây dựng cơ bản lại có phần đuối sức trong diễn biến thăng hoa của thị trường khi khủng hoảng bất động sản tại Trung Quốc dần mang đến tác động kém tích cực đến nhu cầu tiêu thụ thép nói chung, khiến giá thép liên tục sụt giảm kể từ khi tạo đỉnh kể từ tháng 10/2021.

 Ảnh: MAS

Dù vậy, Chứng khoán Mirae Asset (MAS) Việt Nam nhận định rằng có vẻ như tâm lý thận trọng có lẽ vẫn chưa được cải thiện đáng kể trong tháng 8 với giá trị giao dịch khớp lệnh bình quân tiếp tục giảm 3% so với tháng 7, đồng thời ghi nhận mức thấp nhất kể từ tháng 12/2023 với chỉ hơn 14,7 nghìn tỷ đồng một phiên. 

Trong báo cáo triển vọng thị trường gần nhất, MAS nhận định rằng trong tháng 9 và nhìn về các tháng còn lại của năm 2024, thị trường sẽ tiếp tục đón nhận các tin tức trái chiều xoay quanh triển vọng tăng trưởng của các nền kinh tế lớn trong khu vực nói chung và Việt Nam nói riêng.

Tại đây, thị trường sẽ tiếp tục tìm kiếm những câu chuyện mới để dẫn dắt đà tăng trưởng khi câu chuyện về nâng hạng của thị trường Việt Nam có thể sẽ một lần nữa trễ hẹn trong kỳ báo cáo đánh giá của FTSE trong tháng 9/2024 khi các dự thảo hoàn chỉnh về việc sửa đổi các luật liên quan đến giao dịch và môi giới chứng khoán nhằm đáp ứng các tiêu chí còn lại đối với quá trình nâng hạng hiện chỉ vừa được thông qua và vẫn giữ trong diện chờ trước kỳ họp Quốc hội vào tháng 10 sắp tới. 

Với lộ trình sửa đổi ở thời điểm hiện tại, MAS cho rằng kỳ vọng sáng giá nhất đối với cơ hội đánh giá nâng hạng sẽ rơi vào tháng 9/2025 trong bối cảnh quá trình áp dụng và vận hành thực tế sẽ cần thời gian kiểm chứng cũng như đưa ra các thay đổi cần thiết nhằm ghi nhận tính hiệu quả của các thay đổi trong chính sách cũng như việc áp dụng hệ thống giao dịch mới. 

Mặt khác, việc thiếu vắng các động lực tăng trưởng rõ ràng cũng như diễn biến chưa quá lạc quan ở nhiều nhóm cổ phiếu trụ có khả năng sẽ khiến thị trường ghi nhận các phiên giao dịch biến động bất ngờ với tần suất trở nên thường xuyên hơn như những gì chúng ta đã quan sát ở giai đoạn 6 tháng gần nhất với diễn biến chủ yếu vẫn là biến động đi ngang trong biên độ lớn kéo dài từ 1.200 điểm lên đến 1.280 điểm của VN-Index. 

Trong trung và dài hạn, nhóm phân tích cho rằng thị trường vẫn chưa có đủ dữ kiện để đánh giá rằng thị trường sẽ sớm bước sang giai đoạn đảo chiều của xu hướng và VN-Index có khả năng vẫn sẽ hướng về cột mốc tâm lý 1.300 điểm trong bối cảnh định giá theo P/E của VN-Index vẫn duy trì ở mức tương đối hấp dẫn khi giao dịch dưới vùng bình quân 10 năm gần nhất. 

Dù vậy, rung lắc có thể sẽ xuất hiện khi tâm lý chốt lời tăng cao khi VN-Index vượt vùng cản tâm lý và xu hướng này có thể kéo dài đến khi VN-Index chinh phục thành công mốc 1.330 điểm. 

Tuy nhiên, MAS đồng thời cho rằng rủi ro trong ngắn hạn vẫn đang hiện hữu khi VN-Index sẽ có xu hướng quay về vùng cân bằng sau khi ghi nhận đà tăng kéo dài 3 tuần trước đó và hướng về vùng hỗ trợ kéo dài từ 1.240 điểm đến 1.250 điểm.