Mất đà tăng, doanh thu của Vĩnh Hoàn (VHC) quay đầu giảm gần 16%
Theo báo cáo kết quả kinh doanh tháng 4 vừa công bố, Vĩnh Hoàn ghi nhận doanh thu 869 tỷ đồng, giảm 47% so với mức nền cao cùng kỳ năm ngoái. Còn so với tháng 3 trước đó, kết quả này giảm gần 16%, đồng thời dứt chuỗi tăng từ đầu năm.
Lũy kế 4 tháng đầu năm, doanh thu của Vĩnh Hoàn đạt 3.121 tỷ đồng, hoàn thành 27% kế hoạch năm.
Ban lãnh đạo Vĩnh Hoàn nhận định, giá thức ăn chăn nuôi tăng cao trong thời gian gần đây sẽ ảnh hưởng tới lợi nhuận giai đoạn 2023 - 2024.
Riêng năm nay, doanh nghiệp dự báo lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ đạt 1.000 tỷ đồng, giảm 43% so với cùng kỳ năm 2022.
Xét theo cơ cấu doanh thu sản phẩm, hầu hết các mảng đều giảm hai chữ số, trong đó cá tra giảm mạnh nhất với 55%, xuống còn 519 tỷ đồng, chiếm 60% doanh thu. Sản phẩm phụ phẩm, bánh phồng tôm cùng sản phẩm giá trị gia tăng cũng giảm lần lượt 34%, 46% và 34%. Điểm sáng duy nhất đến từ sự gia tăng 16% của mì gạo và bánh tráng. Tuy nhiên sự đóng góp của mảng này trong doanh thu không nhiều.
Nếu xét theo thị trường, hầu như tất cả quốc gia nhập khẩu chính của Vĩnh Hoàn đều ghi nhận doanh thu giảm sút, trong đó Mỹ giảm mạnh nhất với 69%. Doanh thu tại thị trường nội địa cũng không khả quan khi chỉ còn 203 tỷ, giảm 24%.
Tại Đại hội đồng cổ đông năm 2023, lãnh đạo Vĩnh Hoàn nhận định doanh thu phi lê cá tra sẽ gặp khó khăn trong giai đoạn 2023-2024. Các thị trường chính của doanh nghiệp tiếp tục là Châu Âu và Mỹ, nơi giá cả vẫn duy trì ổn định. Tại đây, các sản phẩm cá tra đã nổi lên như một sự thay thế khả thi cho các loại cá thịt trắng đắt tiền (như cá minh thái ở thị trường châu Âu). Tuy nhiên, do chi phí kho lạnh cao và các bất ổn kinh tế vĩ mô tại Mỹ, khách hàng của Vĩnh Hoàn vẫn chưa bổ sung đầy đủ hàng tồn kho trong quý I/2023. Do đó, doanh nghiệp kỳ vọng hoạt động tích trữ tại Mỹ sẽ tiếp tục vào quý IV.
Ngoài ra, Vĩnh Hoàn cũng sẽ tập trung vào thị trường Trung Quốc trong trung hạn để nắm bắt nhu cầu mạnh sau khi quốc gia này mở cửa trở lại vào đầu năm 2023. Đồng thời đa dạng hóa danh mục sản phẩm; tham gia vào việc gia công sản xuất phi lê cá hồi và dự định phát triển thêm các sản phẩm liên quan đến hải sản cao cấp hơn trong dài hạn.
Tình hình kinh doanh không mấy khả quan của "nữ hoàng cá tra" nằm trong bối cảnh khó khăn chung của toàn ngành thuỷ sản trong những tháng đầu năm. Theo số liệu Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), xuất khẩu thủy sản tháng 4 của Việt Nam tiếp tục sụt giảm 28% so với cùng kỳ năm 2022, xuống 810 triệu USD.
Doanh nghiệp thủy sản vẫn bị áp lực nặng nề vì thị trường tiêu thụ lao dốc, giá xuất khẩu sụt giảm mạnh, trong khi sản xuất, chế biến trong nước bị gánh nặng chi phí sản xuất tăng cao, nhất là thức ăn, con giống và các chi phí cơ bản khác.
Theo VASEP, riêng thị trường Mỹ ngày càng lún sâu vào tình trạng giá thực phẩm tăng, tiêu thụ giảm. Các gia đình Mỹ thắt chặt chi tiêu, không còn mặn mà với thực trạng giá thực phẩm lên quá cao. Giờ đây, người dân Mỹ đã tính tới việc cắt giảm chi tiêu cả những mặt hàng giá trị thấp, họ mua ít hàng tạp hóa không thiết yếu hơn, mua số lượng lớn và các sản phẩm không có thương hiệu và tập trung vào các mặt hàng chủ lực. Một số người thậm chí còn mua và ăn ít hơn. Người tiêu dùng đang tìm cách chỉ chi tiêu cho những hàng hóa mà họ thực sự cần.
Tình trạng này khiến cho xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang Mỹ duy trì mức giảm sâu 51% trong tháng 4, khiến Mỹ rớt xuống vị trí thứ 3 trong các thị trường nhập khẩu thủy sản, sau Nhật Bản và Trung Quốc.
Xuất khẩu sang Trung Quốc dù có tín hiệu tốt hơn, nhưng vẫn chưa ghi nhận được tăng trưởng dương so với cùng kỳ năm 2022. Nguyên nhân chính là do xuất khẩu cá tra sang thị trường này chưa hồi phục vì giá trung bình xuất khẩu giảm. Hơn nữa, nhu cầu tiêu thụ của thị trường này hồi phục chậm hơn so với dự đoán. Tính đến hết tháng 4, xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang Trung Quốc ước đạt 435 triệu USD, giảm 37%.