Doanh thu tháng 2 của Vĩnh Hoàn tiếp tục khởi sắc
Cụ thể, Vĩnh Hoàn ghi nhận tổng doanh thu 801 tỷ đồng trong tháng 2, tăng 6% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, kết quả trên lại giảm 13% so với doanh thu 921 tỷ đồng của tháng 1/2022. Luỹ kế 2 tháng đầu năm, VHC đem về 1.722 tỷ đồng, tăng 42% so với cùng kỳ.
Cá tra vẫn là sản phẩm chủ lực của đơn vị này trong tháng 2 khi mang về 417 tỷ đồng, đi ngang so với cùng kỳ. Bún và bánh gạo tăng 137%, sản phẩm khác tăng 50%, bánh phồng tôm tăng 14% và sản phẩm phụ tăng 8%. Trái lại, sản phẩm chăm sóc sức khỏe và sản phẩm giá trị gia tăng lại giảm lần lượt 30% và 15% so với tháng 2/2023.
Mỹ vẫn là thị trường chủ lực của Vĩnh Hoàn với doanh thu 222 tỷ, tăng 13% so với cùng kỳ. Trung Quốc cũng tiếp đà tăng tới 91% lên 134 tỷ đồng. Thị trường nội địa tăng 11%, lên 210 tỷ. Ngược lại, Châu Âu giảm 29%, xuống 138 tỷ đồng.
Theo báo cáo mới công bố của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản (VASEP), tháng 2, xuất khẩu thủy sản ước đạt 564 triệu USD, giảm 8% so với cùng kỳ năm ngoái. Lũy kế 2 tháng đầu năm, xuất khẩu thủy sản đạt trên 1,3 tỷ USD, tăng 23% so với cùng kỳ năm 2023.
Xuất khẩu cá tra Việt Nam rộng cơ hội sang Mỹ và Châu Âu
Hiện nay, một số tổ chức, doanh nghiệp xuất khẩu thuỷ sản tại Việt Nam đang hy vọng những động thái tích cực của nền kinh tế và nhu cầu phục hồi tại Mỹ và Châu Âu - hai thị trường xuất khẩu trọng điểm của cá tra sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho ngành hàng này, đặc biệt là cá tra philê.
Trong báo cáo chiến lược mới phát hành, SSI Research dự báo giá cá tra có thể phục hồi từ nửa cuối năm 2024. Đơn vị này cho rằng giá bán cá tra trung bình phải mất từ 1,5-2 năm để chạm đáy và mất khoảng 4 năm để đi hết chu kỳ. Do đó, nhóm phân tích kỳ vọng giá bán trung bình của cá tra có thể tăng trở lại trong nửa cuối năm 2024 (hai năm từ đỉnh xuống đáy).
Đồng thời, sản lượng xuất sang châu Âu và Trung Quốc dự báo sẽ bù đắp một phần sự sụt giảm sản lượng xuất sang Mỹ trong nửa đầu năm 2024 và nhu cầu từ Mỹ sẽ phục hồi từ nửa cuối năm 2024 (mùa cao điểm).