Mất lợi thế về giá, lợi nhuận từ đầu năm của Vinachem giảm sâu
Cụ thể, sản lượng tiêu thụ DAP quý III là 71.600 tấn, tăng 96% so với cùng kỳ, tuy nhiên doanh thu lại chỉ tăng 11% do giá bán giảm đến 8,5 triệu đồng/tấn, tương ứng giảm 43%. Theo thông tin từ doanh nghiệp, sau 4 lần điều chỉnh, giá bán bình quân đã trừ chiết khấu kỳ này là 11,3 triệu đồng/tấn.
Các hoạt động còn lại như bán axit, bán điện, nước, cho thuê kho bãi, cầu cảng… chiếm tỷ trọng không đáng kể, chỉ khoảng 1% doanh thu. Trong khi đó, giá vốn lại tăng tới 18% khiến biên lợi nhuận gộp của DDV giảm 6 điểm phần trăm về 8%.
Dù doanh thu tài chính tăng gần gấp đôi lên mức 20 tỷ đồng (chủ yếu là lãi tiền gửi/cho vay và chênh lệch tỷ giá) song chi phí hoạt động tăng mạnh hơn, trong đó chi phí bán hàng (phát sinh chi phí liên quan đến công tác tiêu thụ sản phẩm như phí ủy thác xuất khẩu và chi phí vận chuyển, bốc xếp, lưu kho) gấp hơn 3 lần cùng kỳ lên mức 49 tỷ khiến lợi nhuận công ty bị bào mòn đáng kể.
Sau thuế, doanh nghiệp báo lãi giảm 88%, xuống còn 6,8 tỷ đồng.
Lũy kế 9 tháng đầu năm, doanh thu thuần đạt 2.374 tỷ đồng, giảm 4% so với cùng kỳ; lợi nhuận trước thuế và sau thuế lần lượt 11 tỷ và 8 tỷ đồng, cùng giảm trên 97%. Trước đó, ĐHĐCĐ thường niên 2023 đã thông qua kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2023 với 3.244 tỷ đồng doanh thu thuần và 115 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. Như vậy, DDV đã thực hiện lần lượt 73% kế hoạch doanh thu và 10% mục tiêu lợi nhuận năm nay.
Trong cơ cấu tài sản của DDV có hơn 442 tỷ đồng đầu tư tài chính ngắn hạn, chiếm 23% tổng tài sản, tất cả đều là các khoản tiền gửi tiết kiệm kỳ hạn dưới 12 tháng, lãi suất từ 4,7%/năm đến 7,8%/năm. Chiếm phần lớn là các khoản tiết kiệm 295 tỷ tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn - chi nhánh Đông Hải Phòng. Ngoài ra, hàng tồn kho cũng chiếm tỷ trọng khá cao, khoảng 19% tổng tài sản, ở mức hơn 382 tỷ đồng.
Về nguồn vốn, DDV không vay nợ nhiều, chỉ khoảng 67 tỷ đồng, chiếm 3% tổng nguồn vốn, tất cả đều là vay ngắn hạn. Vốn chủ sở hữu cuối quý III giảm về mức 1.638 tỷ.