Mặt trận mới của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung

Thành Nam 12:06 | 17/04/2025 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Các nhà cung cấp Trung Quốc đã tràn ngập mạng xã hội Mỹ, kêu gọi người dùng vượt qua mức thuế cao chưa từng có mà Tổng thống Donald Trump áp lên hàng hóa Trung Quốc bằng cách mua hàng trực tiếp từ các nhà máy của họ.

Kênh CNN của Mỹ ngày 16/4 dẫn tuyên bố của một người dùng TikTok có tên là Wang Sen cho biết anh là nhà sản xuất OEM (thuật ngữ chỉ các nhà sản xuất đứng sau sản xuất sản phẩm để công ty khác bán ra dưới tên thương hiệu của mình) cho phần lớn các thương hiệu xa xỉ, trong khi đứng trước một bức tường chứa đầy túi Birkin – những chiếc túi cực kỳ đắt đỏ của hãng Hermès.

“Tại sao các bạn không liên hệ trực tiếp với chúng tôi và mua hàng từ chúng tôi? Các bạn sẽ không tin nổi mức giá mà chúng tôi đưa ra”, Wang Sen nói trong một đoạn video.

Tuy nhiên, video này sau đó đã bị TikTok gỡ xuống. Dù vậy, trang thương mại điện tử DHgate – nổi tiếng với việc bán hàng nhái các thương hiệu xa xỉ – đã leo lên vị trí số 2 trên App Store của Mỹ. Một ứng dụng khác là Taobao – “ông lớn” thương mại điện tử của Trung Quốc – cũng đứng ở vị trí thứ 7.

Theo nhiều chuyên gia được CNN phỏng vấn, rất khó có khả năng những người này thực sự là nhà cung cấp cho các thương hiệu như Lululemon hay Chanel. Nguyên nhân là do các nhà sản xuất OEM hợp pháp thường phải ký thỏa thuận bảo mật, nên khó có khả năng họ được phép công khai bán hàng như vậy.

Nhưng những video này đã làm nổi bật sự lo lắng mà thuế quan đang gây ra cho người tiêu dùng Mỹ và không chỉ vậy còn cho thấy mức độ phụ thuộc của người mua sắm vào Trung Quốc. Các nhà sáng tạo nội dung Trung Quốc đang truyền tải thông điệp rằng, bất chấp việc Nhà Trắng khẳng định chính sách của họ là “Ưu tiên nước Mỹ”, thì chính những chính sách đó sẽ khiến người tiêu dùng Mỹ mất quyền tiếp cận với sản phẩm ưa thích hoặc phải trả giá cao hơn.

“Đây mới là cách đánh trận thương mại”, một bình luận dưới video quảng cáo nhà cung cấp legging (quần co giãn bó sát) Lululemon – với hơn 1,5 triệu lượt thích – viết.

TikTok đã không trả lời yêu cầu bình luận từ CNN.

Thật ra bạn không thực sự mua trực tiếp từ các thương hiệu đó

Trong một video, một người ảnh hưởng trên TikTok có tên là LunaSourcingChina giới thiệu hai nhà máy tại thành phố Nghĩa Ô – nơi nổi tiếng với chợ bán sỉ – và tuyên bố rằng bộ leggings của thương hiệu đồ thể thao Lululemon giá 98 USD được lấy từ đây (xem video ở trên).

“Tôi đồ rằng hầu hết các bạn đều biết giá của Lululemon hay các thương hiệu lớn khác… và đoán xem, ở hai nhà máy này, bạn có thể mua chỉ với khoảng 5–6 USD”, TikToker LunaSourcingChina nói.

Tuy nhiên, Lululemon nhanh chóng bác bỏ tuyên bố này.

Trong một tuyên bố vào thứ Hai (14/4), Lululemon khẳng định “không hợp tác với các nhà sản xuất được nêu trong các video trên mạng, và chúng tôi khuyến cáo người tiêu dùng nên cẩn trọng với các sản phẩm giả mạo cũng như thông tin sai lệch”.

Hai nhà máy được đề cập trong video TikTok không có trong danh sách nhà cung cấp tháng 4/2025 của Lululemon.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, bất kỳ nhà máy nào cung cấp đơn hàng trực tiếp cho người tiêu dùng Mỹ đều có khả năng không hợp pháp.

Giảng viên cao cấp về quản lý dự án và vận hành Hao Dong tại Đại học Southampton nói với CNN rằng các nhà sản xuất cho các thương hiệu lớn thường bị ràng buộc bởi các hợp đồng nghiêm ngặt, cấm tiết lộ mối quan hệ hợp tác. Họ chắc chắn sẽ không công khai bán sản phẩm mang thương hiệu lớn trên mạng.

Các sản phẩm xuất hiện trong video TikTok có thể là hàng nhái chất lượng cao hoặc hàng giả, thứ mà Lululemon từng cố gắng chống lại trước đây.

Sự thật đằng sau hàng xa xỉ

Vậy túi xách hay đồng hồ đắt tiền được dán nhãn “sản xuất tại Italy” hoặc “Thụy Sĩ” thực sự có được làm ở Trung Quốc không?

Chia sẻ với CNN, Giáo sư Regina Frei tại Đại học Nghệ thuật London cho biết câu trả lời là “vừa có, vừa không”.

Nhiều thương hiệu xa xỉ sẽ thực hiện khâu tiền ráp nối một số bộ phận tại Trung Quốc như linh kiện phức tạp của đồng hồ hoặc bao bì túi xách – trước khi khớp nối hoàn thiện tại Pháp hoặc Italy. Nhưng vì chuỗi cung ứng của ngành hàng xa xỉ rất khó xác định, cho nên, theo Giáo sư Frei, không ai có thể biết chính xác toàn bộ quy trình. Ngay cả các nhà máy nằm tại Italy hoặc quốc gia khác cũng có thể có liên hệ với Trung Quốc, như sở hữu hoặc điều hành bởi người Trung Quốc.

“Nếu bạn nói đến túi xách cực kỳ đắt tiền, đòi hỏi nhiều công đoạn thủ công, thì nhiều khả năng chúng được tiền ráp nối ở nơi nào đó, rồi mới hoàn tất tại Pháp”, Giáo sư Frei cho biết.

Do đó, ngay cả khi một số bộ phận của sản phẩm xa xỉ có xuất xứ từ Trung Quốc, thì việc mua trực tiếp từ các nhà kho trên TikTok không đảm bảo chất lượng hay an toàn. Ngoài ra, cũng không có bảo hành hay chính sách hoàn trả.

Chưa kể, cũng không rõ những sản phẩm này dù mua trực tiếp từ nhà sản xuất Trung Quốc có thể tránh được mức thuế cao chưa từng có của chính quyền Trump hay không. Các chuyên gia dự đoán ngay cả hàng hóa mua từ các nền tảng như Temu hay AliExpress cũng sẽ tăng giá, khi Mỹ sắp chấm dứt quy định miễn thuế cho các gói hàng giá trị dưới 800 USD (de minimis).

Đối mặt với chủ nghĩa tiêu dùng

Khi những video từ các nhà sản xuất Trung Quốc lan truyền mạnh mẽ, sự phụ thuộc của nước Mỹ vào chuỗi cung ứng toàn cầu, đặc biệt là Trung Quốc, đang bị soi chiếu.

Sự minh bạch này buộc một số người tiêu dùng Mỹ phải đối mặt với câu hỏi mà từ lâu họ đã bỏ qua: “Sản phẩm ưa thích của tôi thực sự đến từ đâu?”

“Nếu Trung Quốc ngừng sản xuất, các cửa hàng của chúng ta sẽ trống rỗng”, Giáo sư Frei nói.

Tuy nhiên, sự chú ý này cũng làm nổi bật tác động môi trường từ việc đặt hàng hàng loạt từ Trung Quốc – một xu hướng bùng nổ cùng với sự phát triển của các nền tảng như Shein và Temu, vốn hưởng lợi từ quy định miễn thuế (de minimis) sắp bị xóa bỏ.

Việc vận chuyển từng kiện hàng nhỏ đi khắp thế giới là một “thảm họa môi trường”, Giáo sư Frei cảnh báo.

Những kiện hàng này thường được bọc trong túi nhựa riêng lẻ, vận chuyển bằng máy bay hoặc tàu thủy khắp thế giới, tạo ra lượng khí thải carbon khổng lồ. Và phần lớn những món hàng giá rẻ này sớm muộn cũng trở thành rác thải.

“Phải chăng chúng ta đang chứng kiến cái chết của chủ nghĩa tư bản?” một người dùng hài hước bình luận trên TikTok.