Mở cửa thị trường tài chính: Tránh chiến tranh tiền tệ, ổn định kinh tế vĩ mô
Yêu cầu tất yếu của quá trình hội nhập
Phát biểu tại Tọa đàm "Thương chiến Mỹ - Trung Quốc và tác động đối với Việt Nam" vừa diễn ra tại Hà Nội, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, Học viện Tài chính cho rằng việc Chính phủ Trung Quốc tuyên bố sẽ mở cửa khu vực tài chính cho dòng vốn đầu tư nước ngoài, các nhà đầu tư nước ngoài có thể mua cổ phần hoặc kiểm soát các định chế tài chính bao gồm bộ phận quản lý tài sản của các ngân hàng thương mại, các quỹ hưu trí và các công ty môi giới tiền tệ…là xuất phát từ nhu cầu nội tại của nền kinh tế Trung Quốc.
Trung Quốc muốn mở cửa khu vực tài chính để đáp ứng nhu cầu về vốn và để lĩnh vực này trở nên thanh sạch hơn, an toàn hơn. Đây cũng là một trong những yêu cầu tất yếu của quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của nhiều nước hiện nay. Tài chính là lĩnh vực nhạy cảm không chỉ riêng Trung Quốc, mà nhiều quốc gia trên thế giới, đặc biệt là những quốc gia đang trong quá trình chuyển đổi từ nền kinh tế chỉ huy của Nhà nước sang nền kinh tế thị trường đều đắn đo, cẩn trọng trong việc mở cửa.
Theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, Trung Quốc đã có luật đầu tư mới với việc chủ động có các yêu cầu và cách thức mở cửa cho nhà đầu tư quốc tế tiếp cận nền kinh tế Trung Quốc. Tuy nhiên, lĩnh vực tài chính ngân hàng vốn bị đóng cửa nhiều nhất và kinh tế Trung Quốc đã có một thời gian dài tăng trưởng nóng. Tuyên bố mở cửa thị trường tài chính, Trung Quốc sẽ đẩy mạnh quốc tế hóa đồng nhân dân tệ, làm thị trường Trung Quốc gần gũi hơn với nhà đầu tư nước ngoài, nền kinh tế Trung Quốc mang tính quốc tế hơn.
Ông Thịnh đánh giá cao động thái trên của Trung Quốc: “Mở cửa cũng là để tránh nguy cơ xảy chiến tranh tiền tệ, điều vô cùng nguy hiểm với kinh tế Trung Quốc và kinh tế của toàn cầu nếu xảy ra".
Tuy nhiên, chuyên gia này cũng cho rằng, Trung Quốc sẽ mở cửa từng bước và thận trọng để mọi sự vẫn nằm trong sự kiểm soát của Chính phủ Trung Quốc. Điều này có nghĩa là sự mở cửa thị trường tài chính của Trung Quốc có tác động đến cuộc đàm phán thương mại Mỹ-Trung sắp tới, nhưng không nhiều. Chính Mỹ cũng đã đặt ra những yêu cầu về mở cửa thị trường Trung Quốc, mở cửa quyền tiếp cận của doanh nghiệp Mỹ nói riêng và doanh nghiệp quốc tế với nền kinh tế, tài chính Trung Quốc. Vì thế, tuyên bố của Chính phủ Trung Quốc đã phần nào thể hiện thiện chí của Trung Quốc đối với yêu cầu mà Mỹ đặt ra.
Linh hoạt tỉ giá không chỉ là là câu chuyện xuất khẩu
Trước động thái mở cửa thị trường tài chính tại Trung Quốc, liên hệ với yêu cầu này tại Việt Nam, TS.Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh cho rằng, Việt Nam rất cần và đang hướng tới sự linh hoạt nới lỏng chính sách tiền tệ cho hệ thống tài chính của mình.
TS.Võ Trí Thành đặc biệt nhấn mạnh: Sự linh hoạt nới lỏng chính sách tiền tệ không chỉ dừng lại trong câu chuyện tạo thuận lợi cho hoạt động xuất khẩu, mà phải nhìn xa hơn, đó là ổn định kinh tế vĩ mô.
Ông Thành cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, chính sách tiền tệ và chính sách vĩ mô của Việt Nam khá phức tạp, xuất phát từ một nền kinh tế nhỏ và mức độ mở cửa rất lớn. Chính sách tiền tệ đang phải kham khá nhiều mục tiêu và những mục tiêu ấy trong nhiều trường hợp có thể lại phải đánh đổi. Ví dụ lành mạnh hoá hệ thống ngân hàng phải góp phần hỗ trợ tăng trưởng. Hệ thống tài chính còn một số hạn chế nhất định trong tự do hóa nên phải đặt ra rất nhiều kịch bản, trong đó có cả tình huống xấu.
“Chúng ta có vấn đề về thặng dư quá lớn với Mỹ, Việt Nam cũng nằm trong danh sách có thể thao túng tiền tệ. Làm sao phải thích ứng được một số đòi hỏi của một số nước lớn, chúng ta đang làm tương đối tốt và Việt Nam chưa bị liệt vào dạng để họ phải trả đũa. Ngay cả như vậy, chúng ta phải hiểu tỉ giá không đơn thuần là chính sách xuất khẩu, câu chuyện tăng trưởng mà đây là câu chuyện của ổn định vĩ mô, câu chuyện ứng xử thích hợp với đòi hỏi một số đối tác, đặc biệt là đối tác lớn”, ông Thành nói.