MobiFone: Tái lập vị thế trụ cột ngành viễn thông, đặt mục tiêu 31.000 tỷ năm 2021

15:00 | 12/05/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Sau một thời gian khó khăn, ảnh hưởng từ dịch bệnh COVID-19, Tổng công ty Viễn thông MobiFone đang từng bước đẩy mạnh quá trình phát triển bền vững.

Lịch sử hình thành Tổng công ty Viễn thông MobiFone

Tổng công ty Viễn thông MobiFone có tên tiếng Anh là Vietnam Mobile Telecom Services One Member Limited Liability Company, thường được gọi tắt là MobiFone.

Công ty được thành lập vào ngày 16 tháng 4 năm 1993, có tiền thân là Công ty Thông tin Di động Việt Nam (Vietnam Mobile Telecom Services Company - VMS), trụ sở công ty tại Khu Đô thị Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội với Giám đốc công ty là ông Đinh Văn Phước.

MobiFone: Tái lập vị thế trụ cột ngành viễn thông, đặt mục tiêu 31.000 tỷ năm 2021 - ảnh 1

MobiFone là một trong những đơn vị cung cấp mạng thông tin di động hàng đầu tại Việt Nam.

Đây là doanh nghiệp đầu tiên tại Việt Nam khai thác dịch vụ thông tin di động GSM 900/1800 với thương hiệu MobiFone, là tổng công ty trực thuộc Bộ Thông tin - Truyền thông (trước 01/07/2014 thuộc về Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam - VNPT).

Năm 1994, Trung tâm Thông tin di động Khu vực I & II được thành lập.

Năm 1995, doanh nghiệp thành lập Trung tâm Thông tin di động Khu vực III sau khi ký Hợp đồng hợp tác kinh doanh (BCC) với Tập đoàn Kinnevik/Comvik (Thụy Điển).

Năm 2005, việc cổ phần hoá Công ty Thông tin di động đã có quyết định chính thức bởi Nhà nước và Bộ Bưu chính Viễn thông (nay là Bộ Thông tin và Truyền thông). Công ty Thông tin di động ký thanh lý Hợp đồng hợp tác kinh doanh (BCC) với Tập đoàn Kinnevik/Comvik.

Cùng năm, ông Đinh Văn Phước về nghỉ hưu và ông Lê Ngọc Minh lên làm Giám đốc Công ty Thông tin di động.

Trong các năm tiếp theo, Trung tâm thông tin di động Khu vực IV và Khu vực V, Trung tâm Dịch vụ Giá trị Gia tăng lần lượt được thành lập, đánh dấu những bước đi chiếm lĩnh vị trí số 1 về thị phần thuê bao di động tại Việt Nam của MobiFone.

Tới năm 2009, MobiFone thành lập Trung tâm Tính cước và Thanh khoản, chính thức cung cấp dịch vụ 3G và vinh dự được Bộ Thông tin và Truyền thông trao tặng giải Mạng di động xuất sắc nhất năm 2008.

Giai đoạn năm 2005-2008, tại Lễ trao giải Vietnam Mobile Awards do tạp chí Echip Mobile tổ chức, MobiFone là nhà cung cấp mạng thông tin di động đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam được khách hàng yêu mến, bình chọn cho giải thưởng mạng thông tin di động tốt nhất trong năm.

Năm 2010, công ty chuyển đổi thành Công ty TNHH 1 thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu.

Năm 2013, MobiFone đón nhận Huân chương Độc lập Hạng Ba vào đúng ngày kỷ niệm 20 năm thành lập Công ty Thông tin di động.

Trong năm 2014, Công ty Thông tin di động có Tân Chủ tịch là ông Mai Văn Bình vào ngày 26/06 và Tân Tổng Giám đốc là ông Lê Nam Trà vào ngày 13/08.

Tới ngày 10/07/2014, thực hiện bàn giao quyền đại diện chủ sở hữu Nhà nước tại Công ty VMS từ Tập đoàn VNPT về Bộ TT&TT.

Ngày 01/12/2014, Tổng công ty Viễn Thông MobiFone được quyết định thành lập trên cơ sở tổ chức lại Công ty TNHH một thành viên Thông tin di động.

MobiFone: Tái lập vị thế trụ cột ngành viễn thông, đặt mục tiêu 31.000 tỷ năm 2021 - ảnh 2

MobiFone đã đi qua nhiều cột mốc quan trọng trong suốt quá trình hình thành và phát triển

Hiện nay, MobiFone có gần 50 triệu thuê bao với gần 30.000 trạm 2G và 20.000 trạm 3G, khẳng định vị thế là một trong ba mạng di động lớn nhất với hơn 30% thị phần tại Việt Nam, được bình chọn là thương hiệu được khách hàng yêu thích trong 6 năm liền. Đây là nhà cung cấp mạng thông tin di động đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam đạt được thành tựu này.

Tổng công ty Viễn thông MobiFone hiện đang được điều hành và lãnh đạo bởi hai người cầm chèo cốt cán trong ngành viễn thông là ông Nguyễn Mạnh Thắng - Chủ tịch Hội đồng Thành viên và ông Tô Mạnh Cường - Tổng giám đốc Tổng công ty.

Thương vụ bê bối mua lại VAG

Năm 2016, Tổng công ty Viễn thông MobiFone hoàn thành việc mua lại 95% cổ phần AVG với số tiền lên đến 8.900 tỉ đồng, trong đó, truyền hình An Viên của AVG sau đó đổi tên thành MobiTV phục vụ mục đích nâng giá trị thương hiệu của họ khi cổ phần hóa khi bước chân vào mảng truyền hình trả tiền, đồng thời đa dạng dịch vụ cung cấp cho khách hàng.

Thương vụ khiến nhiều người đặt ra nghi vấn khi cho rằng, đó là mức giá cao gấp gần 9 lần giá trị thực sự của AVG. Vụ việc được Thủ tướng giao Thanh tra Chính phủ khẩn trương tiến hành thanh tra toàn diện và Tổng bí thư yêu cầu Ban chỉ đạo trung ương về phòng, chống tham nhũng phải kết luận rõ trách nhiệm.

Sau quá trình thanh tra, nhiều sai phạm đặc biệt nghiêm trọng được chỉ ra cho thấy đã có vi phạm từ việc đề xuất đầu tư, đánh giá thực trạng tài chính kinh doanh của công ty AVG trong thương vụ này.

Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, giá trị ròng của AVG chỉ khoảng 1.900 tỷ đồng, vì vậy Mobifone làm thất thoát ngân sách khoảng 7.000 tỷ đồng trong đó thiệt hại do mua nợ phải trả của AVG 1.134 tỉ đồng.

Một loạt lãnh đạo của MobiFone lúc bấy giờ đã bị thi hành kỷ luật, khởi tố, tạm giam trong đó có ông Lê Nam Trà (nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên MobiFone), Cao Duy Hải (cựu tổng giám đốc MobiFone), cùng với nhiều đối tượng liên quan khác là ông Phạm Nhật Vũ - Nguyên chủ tịch Hội đồng quản trị công ty Nghe nhìn Toàn cầu (AVG), ông Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn cùng là Nguyên bộ trưởng Bộ Thông tin truyền thông, ông Võ Văn Mạnh - Giám đốc và ông Hoàng Duy Quang - Nhân viên ty TNHH tư vấn đầu tư và thẩm định AMAX.

MobiFone: Tái lập vị thế trụ cột ngành viễn thông, đặt mục tiêu 31.000 tỷ năm 2021 - ảnh 3

MobiFone từng đối mặt với không ít nguy cơ để đi tới vị trí ngày hôm nay

MobiFone vượt qua thời kỳ khó khăn để gây dựng lại uy tín và vị thế

Mới đây, Mobifone là một trong ba doanh nghiệp, cùng Viettel và EVN, được Bộ Kế hoạch và Đầu tư chọn để đề xuất Chính phủ cho thí điểm chính sách riêng, trở thành "sếu đầu đàn" trong lĩnh vực viễn thông.

Có thể thấy, Mobifone đã trở lại với đường đua cạnh tranh “ngôi vương” trên thị trường, tìm lại uy tín và vị thế của mình.

Dù đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng toàn diện, sâu rộng đến tất cả quốc gia trên thế giới, MobiFone cũng phải đối mặt với không ít khó khăn nhưng vẫn đạt được 32.073 tỷ đồng doanh thu hợp nhất, trong đó doanh thu phát sinh toàn Tổng công ty ước đạt 30.881 tỷ đồng.

MobiFone nộp ngân sách nhà nước ước đạt 4.324 tỷ đồng, tương ứng đạt 100% kế hoạch trong năm 2020. Tình hình tài chính của Tổng công ty vẫn được đảm bảo lành mạnh với khả năng thanh toán nợ đến hạn lớn hơn 1 và không có nợ quá hạn.

Trong năm 2021, Mobifone xác định nhiệm vụ trọng tâm là chuyển thành công ty công nghệ, cùng với đó là tiếp tục cổ phần hoá theo đúng quy định, nâng cao khả năng dòng tiền, tài chính, an toàn vốn, xác định đẩy mạnh các sản phẩm dịch vụ "Make in MobiFone"...

Với các bước tiến chuyển này, doanh nghiệp đạt mục tiêu tổng doanh thu hợp nhất 31.000 tỷ đồng, lãi gần 5.000 tỷ đồng. Trong đó, doanh thu công ty mẹ hướng tới kỳ vọng hơn 30.000 tỷ đồng, lãi công ty mẹ tăng trưởng hơn 9% so với năm 2020, đạt trên 4.900 tỷ đồng.

Trong TOP 3 doanh nghiệp viễn thông, Bộ Kế hoạch và Đầu tư mới đây cũng đã đề xuất chọn MobiFone là doanh nghiệp làm đại diện nhờ có tình hình tài chính và kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh tốt.

Các thành tựu và giải thưởng của Tổng công ty Viễn thông MobiFone trong giai đoạn gần đây

Năm 2021:

Tập đoàn Dữ liệu quốc tế tại Việt Nam (IDG Việt Nam) phối hợp với Hội Vô tuyến Điện tử Việt Nam (REV), Hội truyền thông số Việt Nam (VDCA) công bố Giải thưởng "Nhà mạng cung cấp dịch vụ viễn thông tiêu biểu về chất lượng chăm sóc khách hàng băng thông rộng di động".

Đề cử Số hóa chương trình Kết nối dài lâu của Giải thưởng quốc tế Stevie Awards thuộc lĩnh vực giải thưởng Đổi mới trong dịch vụ khách hàng ngành viễn thông.

MobiFone: Tái lập vị thế trụ cột ngành viễn thông, đặt mục tiêu 31.000 tỷ năm 2021 - ảnh 4

Liên tục đạt được nhiều thành tựu đáng tự hào

Năm 2020:

Theo công bố của Công ty Cổ phần Báo cáo đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) xếp hạng Top 5 doanh nghiệp uy tín ngành Công nghệ thông tin - Viễn thông năm 2020.

Đoạt 5 giải lớn tại Giải thưởng Kinh doanh quốc tế International Business Awards 2020 (IBA Stevie Awards).

Top 24 doanh nghiệp có lợi nhuận tốt nhất Việt Nam năm 2020 do Công ty cổ phần Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) công bố ngày 10/9/2020.

Top 6 thương hiệu giá trị nhất Việt Nam 2020 (tạp chí Forbes VN xếp hạng).

Tập đoàn Dữ liệu Quốc tế IDG phối hợp với Hội vô tuyến - Điện tử Việt Nam tổ chức, dựa trên kết quả cuộc khảo sát, đánh giá mức độ hài lòng của người tiêu dùng năm 2020 có quy mô toàn quốc, trao Giải thưởng "Nhà mạng di động có dịch vụ chăm sóc khách hàng tốt nhất".

Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) tổ chức) trao Giải Sao Khuê 2020 (giải thưởng trong lĩnh vực phần mềm và CNTT.

Top 100 thương hiệu viễn thông giá trị nhất thế giới năm 2020 - theo báo cáo của Brand Finance.

TOP 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam năm 2020.

3 sản phẩm đạt giải thưởng Vietnam Digital Awards 2020.

Top 10 doanh nghiệp công nghệ thông tin hàng đầu Việt Nam.

Là thương hiệu có sản phẩm đạt thương hiệu quốc gia 2020.

Xem thêm: Viettel Post đặt mục tiêu doanh thu hơn 21.000 tỷ năm 2021 và chuyển giao dịch sang sàn HoSE

Phương Thúy