Ngành viễn thông: Thị trường di động bão hòa, doanh nghiệp chuyển hướng sang dịch vụ số

Trang Nguyễn 14:37 | 03/01/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Trong năm 2022, thị trường ngành viễn thông có xu hướng tăng trưởng chậm. Điều này đã tạo nên áp lực cho các doanh nghiệp trong việc chuyển hướng kinh doanh sang dịch vụ số trong năm 2023.

Theo Báo cáo tổng kết ngành của Bộ Thông tin và Truyền thông, năm 2022, doanh thu lĩnh vực viễn thông ước đạt 138.000 tỷ đồng, chỉ tăng 1,6% so với năm 2021. Lợi nhuận sau thuế năm 2022 ước đạt 44.500 tỷ đồng, tăng 3,8% so với năm 2021. Thuê bao điện thoại di động sử dụng smartphone ước đạt 75,80%, tăng 1,4% so với năm 2021.

Tổng kết cả năm 2022, doanh thu ngành viễn thông ước tính đóng góp 76.452 tỷ đồng vào GDP.

Theo báo cáo được Ernst & Young (EY) công bố năm 2020, thị trường di động Việt Nam có tính cạnh tranh cao, nhưng đang ngày càng trở nên bão hòa với tỷ lệ sử dụng SIM đạt 137% vào năm 2020. Cạnh tranh xoay quanh giá cả và mức giá cước thấp đã khiến ngành di động Việt Nam giảm khả năng sinh lời. Hơn nữa, sự phụ thuộc vào các dịch vụ trả trước gây áp lực mạnh lên doanh thu trung bình trên mỗi người dùng (ARPU). Dịch vụ cơ bản như SMS, thoại giảm sút, chỉ còn đóng góp 60% vào doanh thu dịch vụ di động…

Tốc độ tăng trưởng chung của thị trường chậm lại do có quá nhiều nhà khai thác, cạnh tranh giữa các nhà mạng ngày càng quyết liệt hơn khi thị phần di động Việt Nam đa số thuộc sở hữu của 3 nhà mạng lớn nhất gồm MobiFone, Viettel, VinaPhone chiếm trên 90%. Xu hướng tiêu dùng data bùng nổ cùng với sự phát triển công nghệ di động 4G/5G, tạo áp lực lớn lên các nhà mạng trong việc cân bằng giữa mục tiêu đầu tư phát triển vùng phủ sóng/gánh nặng đáp ứng nguồn vốn, tài chính với các mục tiêu tăng trưởng (doanh thu, lợi nhuận hàng năm).

Bên cạnh đó, báo cáo từ các doanh nghiệp viễn thông lớn cũng cho thấy sự sụt giảm của dịch vụ viễn thông truyền thống. Theo Sách trắng Công nghệ Thông tin và Truyền thông Việt Nam, năm 2021, Viettel dẫn đầu thị phần thuê bao di động với 52,52%, VNPT xếp thứ 2 với 23,79% và Mobifone đứng thứ 3 với 18,54%.

Với Viettel, tính đến hết quý III/2022, tổng doanh thu hợp nhất của Tập đoàn đạt 121.000 tỷ đồng, hoàn thành 102,2% kế hoạch 9 tháng, tăng trưởng 8,8%. Tuy nhiên, doanh thu dịch vụ viễn thông trong nước chỉ tăng trưởng 3,8%.

Tại MobiFone, năm 2022 chỉ hoàn thành 94,43% kế hoạch doanh thu của năm. Trong kế hoạch năm 2023, MobiFone đặt mục tiêu tập trung đẩy mạnh kinh doanh data để bù đắp cho sự sụt giảm doanh thu các dịch vụ viễn thông di động.

Với VNPT, năm 2022, tổng doanh thu tập đoàn này chỉ tăng 2% so với năm 2021, đạt 97,5% kế hoạch.

Dịch vụ số - hướng đi mới cho các doanh nghiệp

Với sự bùng nổ các dịch vụ số, các doanh nghiệp viễn thông có cơ hội tham gia cung cấp hạ tầng, kết nối và gia nhập chuỗi cung ứng dịch vụ số cho xã hội. Theo dự báo của EY, các doanh nghiệp viễn thông toàn cầu đã gia tăng doanh thu từ lĩnh vực dịch vụ số 10,2%/năm và dự báo tăng trưởng bình quân 15,2%/năm đến năm 2025. Xu hướng lĩnh vực công nghệ thông tin Việt Nam được dự báo có sự tăng trưởng mạnh về quy mô: từ 4,9 tỷ USD năm 2016 lên 7,0 tỷ USD năm 2020 (tăng bình quân 7,4%/năm), dự báo đến năm 2025 đạt 11,8 tỷ USD (tăng trưởng bình quân 16,5%) và ước năm 2030 đạt 16,5 tỷ USD (tăng bình quân 6,9%/năm).

Tại Việt Nam, các cơ quan quản lý nhà nước đã và đang triển khai hàng loại chính sách lành mạnh hóa thị trường di động như: siết chặt việc quản lý thông tin người dùng, triển khai áp dụng chuyển mạng giữ số, điều chỉnh chính sách kết nối, khởi động thúc đẩy triển khai 5G, Mobile Money, M2M, IoT…, buộc các doanh nghiệp viễn thông phải thay đổi hướng đi, tập trung xây dựng và củng cố nền tảng công nghệ sau để có thể chuyển đổi thành doanh nghiệp số.

Phát biểu tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023 của Bộ Thông tin và Truyền thông, Thứ trưởng Phạm Đức Long đã đề nghị phải đẩy mạnh sự phát triển của lĩnh vực viễn thông - Internet để tương xứng với vai trò đóng góp cho phát triển đất nước. Về xây dựng các chính sách, quy định của lĩnh vực, các đơn vị cần nghiên cứu, chạy thử rồi ban hành để đảm bảo các chính sách, quy định thực thi được. Bên cạnh đó, việc phát triển lĩnh vực viễn thông - Internet phải phải nắm rõ quan điểm không để ai bị bỏ lại phía sau, nhất là trong công cuộc chuyển đổi số, đảm bảo mọi người dân có thể tiếp cận hạ tầng số.

Thứ trưởng chỉ đạo ba đơn vị quản lý các lĩnh vực viễn thông - Internet phải có đầy đủ dữ liệu của các nội dung của lĩnh vực, có chỉ số đo, dữ liệu trực tuyến (online). Ngành TT&TT là ngành quốc tế hoá cao, cần xây dựng cơ sở dữ liệu về các chính sách quản lý của các nước để tham khảo xây dựng chính sách cho Việt Nam.

Thứ trưởng cũng lưu ý khi giải quyết công tác quản lý các nội dung thuộc lĩnh vực tần số - viễn thông - Internet phải xem xét quan điểm, cách làm. Các mục tiêu phủ hạ tầng băng rộng, phủ cáp quang, chất lượng Internet, dùng chung hạ tầng viễn thông, triển khai 5G, thúc đẩy sử dụng IPv6… phải có cách làm cụ thể để đảm bảo hoàn thành các mục tiêu.

Về nhiệm vụ trọng tâm năm 2023, Thứ trưởng chỉ đạo Cục Tần số Vô tuyến điện cần tập trung mạnh mẽ cho rà soát, quy hoạch các băng tần, tiếp theo là tập trung cho công tác triển khai đấu giá tần số 5G.

Hiện tại, việc triển khai Mobile Money và mạng viễn thông 5G đã và đang có những tác động thay đổi tích cực tới ngành viễn thông trong nước. Triển khai thí điểm từ tháng 11/2021, tính đến cuối tháng 6/2022 đã có 1,7 triệu tài khoản, chiếm 97,3% tổng số khách hàng đăng ký và sử dụng dịch vụ. Đây là nền tảng để các doanh nghiệp viễn thông tham gia tích cực hơn vào nền kinh tế số, góp phần chuyển đổi hình thức thanh toán và giao dịch tại các địa điểm truyền thống như chợ dân sinh và cửa hàng tạp hoá.

Theo GSMA Intelligence, sự phát triển của mạng 5G là động lực phát triển mới cho ngành Công nghệ thông tin - Viễn thông, thúc đẩy chuyển đổi số diễn ra nhanh và hiệu quả trên diện rộng. Việt Nam hiện là một trong số những quốc gia sớm triển khai 5G và thuộc trong nhóm 10 quốc gia có mức độ triển khai địa chỉ Internet thế hệ mới cao nhất toàn cầu. Tốc độ 5G trung bình trong quá trình thử nghiệm tại Việt Nam đạt từ 500-600 Mbps, nhanh hơn gấp 10 lần so với tốc độ truy cập mạng 4G hiện tại. Dự kiến năm 2025 số lượng thuê bao 5G tại Việt Nam sẽ chiếm khoảng 5% tổng số lượng thuê bao di động. Mặt khác, việc triển khai sớm dịch vụ 5G cũng có thể sẽ giúp doanh thu của các nhà mạng di động Việt Nam tăng thêm khoảng 300 triệu USD/năm từ năm 2025.

Với điện toán đám mây (Cloud computing), tốc độ tăng trưởng trung bình của thị trường điện toán đám mây ở Việt Nam được dự báo xấp xỉ 26%/năm - cao nhất khu vực Đông Nam Á và cao hơn 10% so với mức trung bình của thế giới. Hiện nay, ở Việt Nam có 40 nhà cung cấp dịch vụ đám mây, 27 trung tâm dữ liệu của 11 doanh nghiệp; trong đó, các doanh nghiệp Việt chiếm khoảng 20% thị phần. Đây sẽ là thời cơ để các doanh nghiệp nội đầu tư phát triển dịch vụ này.

Một số xu hướng khác như Trí tuệ nhân tạo (AI), Mobile Web hay Internet vạn vật IoT cũng đang được một số doanh nghiệp CNTT-VT áp dụng trong quá trình chuyển đổi số. Đồng thời, những xu hướng này được kỳ vọng sẽ trở thành điểm tựa vững chắc cho đà tăng trưởng của các nhà mạng trong tương lai.

Như vậy, hoà chung xu hướng chuyển đổi số, các doanh nghiệp ngành viễn thông cần nắm bắt các cơ hội từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, cũng như áp dụng những chính sách chuyển dịch mạnh mẽ nhằm hướng đến các sản phẩm và dịch vụ số mới, góp phần thúc đẩy sự phát triển lành mạnh và nhanh chóng của ngành viễn thông tại Việt Nam.