Môi trường kinh doanh của Việt Nam cải cách chậm

19:01 | 28/10/2019 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
(DNVN) - Môi trường kinh doanh ở Việt Nam còn rất nhiều rào cản, gây trở ngại, làm nản lòng các nhà đầu tư. Nhiều bộ, ngành địa phương cải cách theo hình thức chứ không vì doanh nghiệp, sự cải cách không thực chất.

Tại hội thảo Môi trường kinh doanh Việt Nam 2016-2019 qua xếp hạng Doing Business: Kết quả và một số gọi ý cải cách, do Viện Nghiên cứu quản lý Trung ương (CIEM), tổ chức sáng 28/10, bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng Ban Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh CIEM, đã nêu lên một thực tế, có xu hướng các văn bản pháp luật ở Việt Nam thể hiện sự chia phần quản lý giữa các cơ quan quản lý Nhà nước, gây khó khăn cho doanh nghiệp.

Môi trường kinh doanh của Việt Nam cải cách chậm - ảnh 1
 Môi trường kinh doanh của Việt Nam cải cách chậm.
Nêu khảo sát của Ngân hàng Thế giới (WB) về cải cách môi trường kinh doanh tại tại Việt Nam, bà Thảo cho biết, hiện công tác quản lý kiểm tra chuyên ngành còn chậm cải cách, thậm chí có những văn bản mới được ban hành đi ngược với chỉ đạo của Chính phủ, hoặc thể hiện cải cách hình thức, thiếu thực chất. Có tình trạng một số bộ, ngành khai thác yêu cầu về quản lý mặt hàng theo mã HS để mở rộng thêm đối tượng quản lý. Đặc biệt, thanh tra, kiểm tra vẫn là nỗi lo đối với doanh nghiệp; Chi phí không chính thức còn phổ biến ở hầu hết các lĩnh vực.
Dẫn chứng về vấn đề này, bà Thảo cho biết, Trong nhiều trường hợp, các quy chuẩn, quy trình, biểu mẫu… về kiểm định an toàn lao động giống nhau, nhưng các bộ không thừa nhận kết quả của nhau mà vẫn yêu cầu tham gia đào tạo lại để được cấp chứng chỉ. Hay như Bộ Công Thương báo cáo có hàng trăm mặt hàng được cắt bỏ kiểm tra chuyên ngành, nhưng thực chất chỉ thay đổi hình thức kiểm tra trước thông quan và sau thông quan.
Chi phí không chính thức còn phổ biến ở hầu hết các lĩnh vực. Cùng một quy định chính sách, nhưng cách thức thực thi khác nhau. Có tình trạng tùy tiện trong áp dụng pháp luật và phần thua luôn thuộc về doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, môi trường kinh doanh của Việt Nam chỉ đứng thứ 5 trong ASEAN, và còn khoảng cách xa so với Singapore, Malaysia và Thái Lan. Năng lực cạnh tranh của Việt Nam qua xếp hạng của Diễn đàn Kinh tế thế giới tuy có cải thiện, song vẫn còn nhiều thách thức.
Cụ thể, 8/12 trụ cột có thứ hạng thấp hoặc rất thấp, bao gồm chỉ số thể chế, hạ tầng, y tế, kỹ năng, thị trường sản phẩm, thị trường lao động, mức độ năng động trong kinh doanh và năng lực đổi mới sáng tạo, bà Thảo nêu rõ.
Để tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, CIEM đề xuất, cải cách trước hết phải từ tư duy quản lý của các bộ, ngành, địa phương. Do đó, đòi hỏi sự vào cuộc đồng bộ, mạnh mẽ và thực chất.
“Rút ngắn thời gian, giảm chi phí cho doanh nghiệp thông qua thực thi dịch vụ công trực tuyến một cách thực chất, tránh hô hào, hình thức”, bà Thảo nhấn mạnh.
Môi trường kinh doanh của Việt Nam cải cách chậm - ảnh 2
 Chi phí không thức thức còn phổ biến ở hầu hết các lĩnh vực, gây khó khăn cho doanh nghiệp.
Nói về chất lượng môi trường kinh doanh từ góc nhìn doanh nghiệp, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, những lĩnh vực thủ tục hành chính phiền hà nhất là đất đai, thuế và bảo hiểm xã hội.
Thậm chí theo ông Tuấn, ở Việt Nam hiện có một thực tế là không ít doanh nghiệp phải chi tiền “bôi trơn” để nộp thuế.
Cũng qua khảo sát của VCCI, có tới 60% doanh nghiệp cho rằng tiếp cận vốn là khó khăn chính bên cạnh tìm kiếm khách hàng. Có tới 86% doanh nghiệp cho rằng không thể vay vốn nếu không có tài sản thế chấp; 63% lãi suất và các điều kiện cho vay đối với doanh nghiệp tư nhân luôn khó khăn. Đặc biệt, có tới 39% doanh nghiệp cho rằng phải “bồi dưỡng” cho cán bộ ngân hàng để vay được vốn là phổ biến…
Ông Đậu Anh Tuấn cũng cho rằng, thủ tục hải quan đã cải thiện nhưng ngành hải quan cần làm tốt hơn kiểm tra chuyên ngành; đồng thời, cần nâng cao hiệu quả cổng thông tin một cửa quốc gia và cần đặt niềm tin của doanh nghiệp vào hệ thống tư pháp…
 Theo khảo sát của WB, trong giai đoạn 2016-2019, có một số chỉ số cải thiện vượt trội, cụ thể ở lĩnh vực tiếp cận điện năng tăng vượt bậc (tăng 69 bậc); nộp thuế và bảo hiểm xã hội tăng 58 bậc. Nhưng sau 4 năm, chỉ số giải quyết phá sản doanh nghiệp không có cải cách, thời gian kéo dài, tỷ lệ doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh thấp. Trong Asean, xếp hạng chỉ số này của VIệt Nam chỉ đứng trên Lào.