Mua hàng trên mạng thật giả lẫn lộn: Làm sao để không còn kiểu mua bán hên xui?

11:20 | 28/09/2020 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Hàng giả, hàng nhái vẫn trà trộn rao bán trên loại hình kinh doanh thương mại điện tử. Cơ quan thuế thì khó lòng thu được thuế từ người bán, còn người tiêu dùng mua phải hàng rởm thì chỉ biết than trời.
Trong tình hình hiện nay, lĩnh vực thương mại điện tử đang đặt ra nhiều thách thức cần giải quyết. Đại dịch Covid-19 chính là phép thử, buộc doanh nghiệp (DN) cũng như nhiều nhà bán hàng kinh doanh dịch vụ chuyển từ hình thức kinh doanh trực tiếp sang gián tiếp (online). Kèm với đó, xu hướng của nhiều người tiêu dùng cũng tiến tới mua hàng qua mạng.

Thay vì trước đây, người mua hàng phải ra chợ thì nay việc mua hàng thường diễn ra rất nhanh, chỉ bằng 1 thao tác click chuột hoặc 1 tin nhắn trên Facebook là có thể hoàn tất giao dịch.

Tốc độ phát triển thương mại điện tử hàng năm của Việt Nam tăng rất nhanh, trên 30% song vấn đề đặt ra là việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng vẫn còn bị coi nhẹ trong lĩnh vực còn khá mới mẻ này ở Việt Nam.

Hơn nữa, như tình trạng thất thu thuế từ các cá nhân kinh doanh trên các sàn thương mại điện tử đã được đề cập trước đây thì trên thực tế, số cá nhân kinh doanh và phát sinh thu nhập từ mạng xã hội là không hề nhỏ.
 
Mua hàng trên mạng thật giả lẫn lộn: Làm sao để không còn kiểu mua bán hên xui? - ảnh 1
Tốc độ phát triển thương mại điện tử hàng năm của Việt Nam tăng rất nhanh. (Ảnh minh họa: TTXVN)

Theo quy định, cá nhân kinh doanh phải khai báo và nộp thuế cho Nhà nước, nhưng rất đông cá nhân thông qua Facebook bán hàng, né được doanh thu. Đồng thời Nhà nước cũng quy định chỉ thu được thuế những cá nhân bán hàng qua mạng xã hội từ 100 triệu đồng/năm trở lên.

Tổng cục Thuế từng cho biết việc thu thuế người kinh doanh qua mạng Facebook cũng rất khó khăn. Lý do là ngành Thuế sẽ không thể vào Facebook của từng người mà thu thuế được vì thiếu bằng chứng, thông tin. Đặc biệt, việc truy soát tài khoản của hàng chục nghìn cá nhân bán hàng qua Facebook để xác định doanh thu trên 100 triệu đồng/năm, từ đó truy thu thuế Thu nhập cá nhân, là điều không khả thi.
 
Theo Báo cáo bán lẻ của Deloitte Việt Nam vừa công bố đầu tháng 7 vừa qua, các DN bán lẻ đã tăng cường tập trung vào gia tăng các tương tác kỹ thuật số thay vì tương tác vật lý, dẫn đến bước tăng trưởng nhảy vọt trong bán hàng đa kênh, với tổng doanh số bán lẻ hàng hóa tăng 1,9 triệu tỷ đồng, tương đương 3,4%, so với 6 tháng đầu năm 2019.

Đặc biệt, tình trạng chung là một lượng hàng giả, hàng nhái hàng kém chất lượng được rao bán trên mạng mà chưa kiểm soát được. Quả thật, không quá khó để đặt hàng mua lọ nước hoa nhãn hiệu Chanel trên Facebook với hàng loạt livestream đại hạ giá chỉ còn giá 189 - 199.000 đồng 1 lọ nước hoa hàng hiệu.
 
Theo như lời của một dân buôn hàng hiệu chuyên đồ Âu - Mỹ có cung cấp hoá đơn và đăng ký mã số thuế với cơ quan thuế khẳng định: 100% nước hoa giảm giá, thanh lý, xả kho trên mạng là hàng không chính hãng. Chính xác là nước lã pha hương liệu, lấy ở Quảng Châu (Trung Quốc) cả lô về bán.
 
Mua hàng trên mạng thật giả lẫn lộn: Làm sao để không còn kiểu mua bán hên xui? - ảnh 2
Một biếm họa cho thấy việc mua bán qua mạng là khó kiểm soát. Ảnh: Đại đoàn kết

Nhiều câu hỏi cũng đã được đặt ra tại một số trang thương mại điện tử, cũng như trang mạng xã hội là việc kiểm soát nguồn gốc hàng hoá như thế nào mà hàng giả, hàng kém chất lượng tràn lan. Tiềm năng của bán hàng trực tuyến đáng lẽ phải tăng vượt trội hơn nữa nếu như dịch vụ bán hàng tại Việt Nam thay đổi.

Thời gian gần đây ngày càng nhiều người phản ánh bị giao hàng kém chất lượng, dù đặt hàng trên các sàn thương mại điện tử lớn. Nhận được đá, gạch trong khi đặt mua ốp điện thoại,... là những trường hợp dở khóc dở cười vừa qua khi đặt hàng trên mạng.

Trong khi đó sàn thương mại điện tử cũng cho biết đã ứng dụng công nghệ trên nền tảng trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn để sàng lọc, phát hiện và loại bỏ các sản phẩm kém chất lượng, nhưng tình trạng người mua hàng bị lừa vẫn liên tục xảy ra.

Bán hàng livestream hút sự quan tâm nhờ hội tụ nhiều yếu tố như tính giải trí, tính thực tế… Nếu như với mua sắm online thông thường, người mua thường e ngại vì không được nhìn tận mắt sản phẩm thì với livestream người mua dường như được quan sát gần hơn, sinh động và thực tế hơn. Tuy nhiên, nhiều người cho biết, việc mua hàng ở hình thức này chỉ là hên xui.

Theo ông Nguyễn Sinh Nhật Tân, Cục trưởng Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương), Chính phủ đã và đang xác định kích cầu tiêu dùng là một trong các mục tiêu chiến lược nhằm đảm bảo phát triển nền kinh tế. Để thực hiện mục tiêu trên, việc phát huy sự tham gia và đóng góp của các chủ thể doanh nghiệp, người tiêu dùng là hết sức cần thiết.
 
Hải Yến
 

ĐỌC NHIỀU