Mức lương lãnh đạo Vietnam Airlines tăng đều theo sự phục hồi của doanh nghiệp

Thùy Dương 15:37 | 08/08/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2023 mới đây từ Tổng Công ty Hàng không Việt Nam - CTCP (HOSE: HVN) cho biết tiền lương bình quân của ban lãnh đạo công ty trong 6 tháng đầu năm nay đạt 72,8 triệu đồng/người/tháng. So với cùng kỳ năm trước, tổng thu nhập của tất cả thành viên trong ban lãnh đạo đều tăng đáng kể. Mức thù lao cao nhất là vị trí của ông Lê Hồng Hà, Tổng Giám đốc Vietnam Airlines.

Theo đó, xét về tổng thu nhập gồm tiền lương và thù lao, ông Lê Hồng Hà đang là lãnh đạo có mức thu nhập cao nhất nửa đầu năm nay với hơn 561 triệu đồng, tương đương hơn 93 triệu đồng/tháng, tiếp đến là Chủ tịch HĐQT Đặng Ngọc Hòa với hơn 500 triệu đồng, tương đương xấp xỉ 85 triệu đồng/tháng. So với cùng kỳ 6 tháng đầu năm 2022, thù lao của cả ông Hà và ông Hòa đã tăng thêm khoảng 95 triệu đồng.

 

Cũng ở giai đoạn này, lương của các thành viên còn lại trong HĐQT, Ban Kiểm soát và Ban Điều hành đều tăng xấp xỉ 20 - 100 triệu đồng.

Đội ngũ cán bộ lãnh đạo của doanh nghiệp thay đổi không đáng kể, chỉ ghi nhận 1 trường hợp từ nhiệm của thành viên HĐQT người Nhật Bản là ông Tomoji Ishii vì lý do liên quan đến vấn đề marketing theo quy định trong Luật chống độc quyền của Nhật Bản.

Về kết quả kinh doanh, trong quý II,  HVN ghi nhận doanh thu thuần 20.565 tỷ đồng, tăng 12% so với cùng kỳ (svck) năm ngoái, nhờ sản lượng vận chuyển tăng 23,6% do thị trường khu vực châu Âu, Úc và Mỹ phục hồi tốt. Doanh thu tăng phản ánh xu thế hồi phục của thị trường hàng không sau dịch. Trừ giá vốn, công ty cũng có lãi gộp 929 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ gộp 368 tỷ đồng.

Trong kỳ, HVN ghi nhận chi phí tài chính giảm 37% svck, còn 723 tỷ đồng. Tuy nhiên, chi phí bán hàng tăng 45% và chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 7%, lên tương ứng 959 tỷ đồng và 497 tỷ đồng. Kết quả, công ty lỗ ròng 1.294,6 tỷ đồng, đánh dấu quý lỗ thứ 14 liên tiếp.

Theo giải trình, ban lãnh đạo cho biết do tính mùa vụ cũng như các yếu tố rủi ro tài chính (tỷ giá, lãi suất) và chi phí đầu vào như giá nhiên liệu gia tăng,... nên tổng công ty vẫn chưa có lãi. Ngoài ra, do tính mùa vụ, quý II là quý thấp điểm trong hoạt động sản xuất kinh doanh nên kết quả không khả quan bằng quý I.

Bên cạnh đó, hoạt động kinh doanh vận tải vẫn chưa cân bằng được thu chi do thị trường quốc tế chưa phục hồi hoàn toàn, đặc biệt là các thị trường trọng điểm như Trung Quốc, Nhật Bản, Hồng Kông (TQ), Đài Loan (TQ).

Luỹ kế 6 tháng đầu năm, công ty ghi nhận 44.059 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 47% svck, nhưng lỗ ròng 1.465 tỷ đồng (cùng kỳ năm ngoái lỗ ròng 5.168 tỷ đồng).

Nếu tính cả mức lỗ của quý II vừa qua, tổng lỗ 14 quý liên tiếp của HVN đã lên tới xấp xỉ 36 nghìn tỷ đồng và vốn chủ sở hữu âm 11.598 tỷ đồng. Vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn ở mức 16 nghìn tỷ đồng vào cuối quý II, tăng 2,5 nghìn tỷ đồng so với đầu năm.

 

Mặc dù ghi nhận nhiều quý lỗ liên tiếp, nhưng kể từ quý III/2021, mức lỗ cũng như doanh thu thuần đã dần phục hồi về thời điểm trước đại dịch, tiền lương và thù lao của cán bộ Vietnam Airlines  theo đó cũng tăng đều từ nửa đầu năm 2021 đến nay.

 

Vietnam Airlines vẫn đang bị cảnh báo và hạn chế giao dịch cổ phiếu. Nếu sau kiểm toán, HVN vẫn lỗ trong năm 2022, công ty sẽ chính thức ghi nhận 3 năm liên tiếp thua lỗ và có nguy cơ bị hủy niêm yết trên sàn chứng khoán.

Hãng bay cho biết Công ty Kiểm toán Deloitte Việt Nam đã cơ bản hoàn tất phần lớn các thủ tục kiểm toán liên quan đến sự kiện phát sinh sau ngày khóa sổ và trước ngày phát hành báo cáo tài chính năm 2022.

Công ty Kiểm toán Deloitte Việt Nam và Vietnam Airlines đang khẩn trương hoàn thiện để phát hành báo cáo tài chính kiểm toán năm 2022 trong thời gian tới.