Mức tích cực của DN về thủ tục hải quan năm 2018 đã tăng gấp đôi
Cuộc khảo sát do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Tổng cục Hải quan và Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) phối hợp thực hiện đã phần nào phản ánh những đánh giá của cộng đồng DN đối với việc thực hiện thủ tục hành chính hải quan trong năm, cũng như những kỳ vọng của cộng đồng doanh nghiệp đối với ngành hải quan trong thời gian tới.
DN hài lòng hơn
Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế VCCI đánh giá: Thông qua kết quả khảo sát được thực hiện với 3.061 DN trên cả nước, trong đó có 46% từ khu vực DN tư nhân trong nước, 33% thuộc khối DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) và 17% từ khối DN nhà nước với các tiêu chí gồm: Tiếp cận thông tin, thực hiện thủ tục hải quan, sự phục vụ của công chức hải quan, thủ tục quản lý và kiểm tra chuyên ngành…, đã có sự thay đổi tích cực trong cảm nhận của DN về mức độ thuận lợi khi thực hiện các thủ tục hành chính hải quan so với năm 2015.
Tỉ lệ DN đánh giá về mức độ thuận lợi khi thực hiện thủ tục nộp thuế trong thông quan là 50%, cao gấp đôi so với khảo sát năm 2015. Đối với khâu kiểm tra hồ sơ trong thủ tục thông quan, điều tra năm 2018 thì có đến 25% DN đánh giá là rất dễ hoặc dễ trong khi năm 2015 tỉ lệ này chỉ chiếm 10%.
Đáng chú ý, ngay từ tháng 8/2018, Tổng cục Hải quan đã bắt đầu triển khai thí điểm hệ thống quản lý hải quan tự động tại cảng, kho, bãi (VASSCM). Với hệ thống này, việc thực hiện kết nối, trao đổi thông tin bằng phương thức điện tử với cơ quan kinh doanh cảng, kho bãi tại một số đơn vị lớn được thực hiện dễ dàng, thuận tiện.
Tính đến ngày 8/8/2018, hệ thống VASSCM được thực hiện tại Cục Hải quan Hải Phòng, Hà Nội, TPHCM, Bà Rịa-Vũng Tàu, Quảng Ninh với 81 DN kinh doanh kho, bãi, cảng và đến tháng 11/2018, hệ thống VASSCM cũng đã được triển khai tại 25/35 Cục Hải quan tỉnh, thành phố cho 192 DN kinh doanh cảng, kho, bãi.
Ông Hoàng Việt Cường, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan cho hay, kết quả khảo sát hài lòng của DN năm 2018 cho thấy bước tiến tích cực của cơ quan hải quan trong cải cách tạo thuận lợi cho DN trong năm 2018. Tiêu biểu là cơ quan hải quan tiến hành đo thời gian thông quan hàng hóa, thực hiện hệ thống thông quan hàng hóa tự động, áp dụng thu thuế điện tử, rút ngắn thời gian thông quan hàng hóa, góp phần tiến tới đạt mục tiêu ASEAN 4…
Với những nỗ lực trên, 91% DN tham gia trả lời đánh giá thông tin cơ quan hải quan cung cấp là thống nhất, 90% DN đánh giá thông tin thủ tục hành chính sẵn có dễ tìm. So với số liệu năm 2015, 2 tỉ lệ này lần lượt là 77% và 81%.
Đối với việc thực hiện các thủ tục hành chính hải quan, kết quả khảo sát DN năm 2018 cho thấy tỉ lệ DN gặp khó khăn khi thực hiện các thủ tục giảm đáng kể so với năm 2015. Điển hình như thủ tục kiểm tra hồ sơ và kiểm tra thực tế hàng hóa trong thủ tục thông quan, tỉ lệ này là 6% (năm 2015 là 11%) và 14% (năm 2015 là 21%). Tỉ lệ DN đánh giá gặp khó khăn khi thực hiện thủ tục hoàn thuế, không thu thuế là 23% so với năm 2015 là 31%.
Khi gặp khó khăn trong thực hiện thủ tục hành chính hải quan, trong 2.907 DN trả lời thì có tới 85% DN cho biết tìm đến sự hỗ trợ của cơ quan hải quan. Đánh giá của DN là khá tích cực khi có 79% đánh giá sự hỗ trợ của cơ quan hải quan “phần lớn và hoàn toàn” kịp thời. Có tới 84% DN cho biết sự hỗ trợ của cơ quan hải quan là phần lớn hoặc hoàn toàn hiệu quả.
Đánh giá những nỗ lực cải cách của cơ quan hải quan, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI cho rằng mức độ hài lòng của cộng đồng DN (DN) đối với ngành hải quan đã được cải thiện ở hầu hết các nội dung khảo sát so với năm 2015.
Vẫn còn không ít chi phí ngoài quy định
Kết quả khảo sát nêu rõ: Trong số các DN nhận thấy bị phân biệt đối xử, hình thức phổ biến là kéo dài thời gian làm thủ tục (93%). Ngoài ra, 69% phản hồi cho rằng DN có thể bị gây khó khăn trong lần làm thủ tục sau. Các hình thức phân biệt khác bao gồm: Yêu cầu giấy tờ, chứng từ không theo quy định (48%) và thái độ không văn minh lịch sự (41%)
Đề cập đến hạn chế về thủ tục xuất nhập khẩu, ông Đậu Anh Tuấn chia sẻ, 25% DN được khảo sát, phản ánh mặc dù đã thực hiện thủ tục trên Cổng thông tin một cửa quốc gia nhưng cơ quan chức năng vẫn yêu cầu nộp chứng từ, giấy tờ; hệ thống công nghệ thông tin thường bị lỗi mạng; khó tra cứu kết quả; thủ tục còn chồng chéo.
Mặc dù vậy, kết quả sát còn cho thấy vẫn có 56% DN cho biết đã từng gặp vướng mắc khi tìm hiểu thông tin về thủ tục hành chính xuất nhập khẩu (năm 2015 là 54%); 53% DN gặp khó khăn trong các thủ tục kiểm tra và xác định mã số HS; 30% DN gặp khó khăn khi thực hiện thủ tục kiểm tra, xác định giá trị hải quan và có đến 38% DN từng thực hiện thủ tục quản lý và kiểm tra chuyên ngành trong năm vừa qua.
Khảo sát còn cho thấy, 56% DN cho biết không phải chi phí ngoài quy định; 26% DN lựa chọn phương án không biết, 18% có thừa nhận là có chi phí ngoài quy định…
70% DN mong muốn ngành hải quan và các cơ quan nhà nước có liên quan cần đơn giản hóa thủ tục hành chính; 53% DN cho rằng cần tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính; 48% đề nghị cần tăng cường quan hệ đối tác hải quan–DN; 45% mong muốn tăng cường công khai minh bạch trong quá trình thực hiện thủ tục xuất nhập khẩu…
Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc chỉ rõ: So với cuộc khảo sát gần nhất vào 2015 thì mức độ hài lòng của DN, sự tín nhiệm của người dân tăng gấp đôi nhưng theo xếp hạng của Ngân hàng Thế giới thì thứ hạng của chỉ số thương mại qua biên giới TAB (chỉ số về thủ tục xuất nhập khẩu hàng hoá) của Việt Nam không thay đổi so với báo cáo 2018, tụt 6 bậc so với báo cáo 2017 (từ bậc 94 xuống bậc 100), xếp thứ 5 trong các nước ASEAN, sau các nước Singapore, Malaysia, Thái Lan, Lào, trong khi, mục tiêu đặt ra của Việt Nam là vào Top 4 ASEAN.
Tiếp tục lấy sự hài lòng của DN làm điểm tựa cải cách
Ông Lộc khuyến nghị cơ quan hải quan cần tiếp tục lấy sự hài lòng của DN làm điểm tựa để đẩy mạnh cải cách.
“Phải thực hiện được cắt giảm 50% thủ tục kiểm tra chuyên ngành và cao hơn nữa. Thực hiện quản lý rủi ro trong xuất nhập khẩu, thực hiện mạnh mẽ ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động xuất nhập khẩu… là những giải pháp cần thúc đẩy mạnh hơn nữa”, ông Lộc nói.
Theo ông Đậu Anh Tuấn, cơ quan hải quan cần nỗ lực nhiều hơn trong một số lĩnh vực như hoàn thuế và không thu thuế, kiểm tra sau thông quan vì khi đánh giá việc thực hiện các thủ tục này, tỉ lệ DN cho đây là khâu khó khăn vẫn còn rất lớn.
Cùng với đó, cơ quan hải quan sẽ thực hiện các cuộc khảo sát mức độ hài lòng về thủ tục hành chính hải quan tại từng cục hải quan tỉnh, thành phố, xếp hạng các chi cục trong một cục.