Mục tiêu đưa 90.000 lao động Việt xuất khẩu: Số lượng bắt đầu tăng đột biến
Năm 2021, Việt Nam đặt mục tiêu đưa 90.000 lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài. Số lượng lao động xuất khẩu tháng 1 tăng đột biến.
Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) cho biết, trong 2 tháng đầu năm 2021, có 26.118 lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, tăng 30% so với cùng kỳ năm ngoái.
Số lượng lao động đi làm việc trong tháng 1/2021 tăng đột biến, với khoảng 23.133 lao động, gấp 2,5 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Đáng chú ý số lượng lao động đi làm việc trong tháng 1/2021 tăng đột biến, với khoảng 23.133 lao động, gấp 2,5 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Sang tháng 2, số lượng giảm chỉ còn là 2.985 lao động, gồm các thị trường Nhật Bản 179 lao động, Đài Loan (Trung Quốc) 2.464 lao động, Trung Quốc 77 lao động, Singapore 34 lao động, Rumani 77 lao động.
Tính cả 2 tháng đầu năm, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài đạt 26.118 lao động (tăng 30% so với cùng kỳ năm ngoái), trong đó thị trường: Nhật Bản 18.134 lao động, Đài Loan 7.171 lao động, Hàn Quốc 101 lao động; Rumania 143 lao động, Trung Quốc 238 lao động, Singapore 531 lao động và các thị trường khác.
Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước, trong tháng 1, Nhật Bản mở cửa cho lao động nước ngoài vào làm việc, nên các doanh nghiệp tranh thủ đưa những lao động bị hoãn lịch trong năm 2020 xuất cảnh vào tháng này. Nhưng sau đó dịch COVID-19 tiếp tục bùng phát trở lại khiến Nhật đóng cửa và tuyên bố tình trạng khẩn cấp trên toàn quốc.
Ngày 21/3, sau hơn 2 tháng trong tình trạng này, Nhật Bản tuyên bố dỡ bỏ hoàn toàn tình trạng khẩn cấp. Tuy nhiên, nước này vẫn tiếp tục thực hiện chính sách hạn chế nhập cảnh đối với công dân nước ngoài và vùng lãnh thổ đến Nhật Bản. Theo đó, lao động Việt Nam chưa thể nhập cảnh trong thời gian tới đây.
Năm 2021, Việt Nam đặt mục tiêu đưa 90.000 lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài. Hiện, chỉ có thị trường Đài Loan tiếp nhận chủ yếu lao động Việt Nam đi làm việc.
Tăng cường thanh tra toàn diện
Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã có Quyết định số 225/QĐ-LĐTBXH ban hành kế hoạch thực hiện kết luận thanh tra số 2112/KL-TTCP của Thanh tra Chính phủ về công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Kế hoạch được ban hành với mục đích yêu cầu xử lý và chỉ đạo thực hiện kết luận thanh tra đầy đủ, đúng quy định và kịp thời có các biện pháp khắc phục, hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật được đề cập trong Kết luận thanh tra số 2112/KL-TTCP.
Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội yêu cầu xử lý và chỉ đạo thực hiện kết luận thanh tra đầy đủ, đúng quy định và kịp thời về hoạt động xuất khẩu lao động.
Kế hoạch thực hiện kết luận của Thanh tra Chính phủ bao gồm 3 nội dung chính về xây dựng và hoàn thiện cơ chế chính sách, xử lý trách nhiệm và công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý một số vấn đề còn tồn đọng.
Trong bản kế hoạch, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã giao nhiệm vụ cụ thể cho Cục Quản lý lao động ngoài nước và thanh tra bộ chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan triển khai Kế hoạch thực hiện các kiến nghị trong Kết luận số 2112/KL-TTCP của Thanh tra Chính phủ.
Cục Quản lý lao động ngoài nước cho biết cơ quan này đang tiếp thu và triển khai thực hiện các kiến nghị được nêu tại kết luận thanh tra số 2112/KL-TTCP nhằm đảm bảo hiệu quả của công tác quản lý Nhà nước, xây dựng đội ngũ doanh nghiệp hoạt động dịch vụ có năng lực nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Trước đó, ngay sau khi kết thúc thời điểm thanh tra, đầu năm 2019, lãnh đạo Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đã chỉ đạo Cục Quản lý lao động ngoài nước và thanh tra bộ, thảo luận, làm rõ và đề ra các biện pháp nhằm kịp thời khắc phục những vấn đề còn tồn tại, các khuyết điểm, hạn chế trong công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài mà đoàn thanh tra đã chỉ ra trong quá trình làm việc.
Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước, từ 1/3/2020, toàn bộ đăng ký hợp đồng thị trường Nhật Bản và Đài Loan (chiếm trên 95% tổng số lượt thủ tục hành chính trong lĩnh vực người lao động đi làm việc ở nước ngoài) đã được đưa lên cổng dịch vụ công quốc gia, thực hiện trực tuyến ở mức độ 3.
Các kiến nghị của kết luận thanh tra về cơ chế, chính sách đã được tiếp thu và thể chế hóa vào Luật số 69/2020/QH14 về Người lao động Việt nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, trong đó có nội dung về phí môi giới đã được qui định phù hợp với quy định của các nước tiếp nhận. Các nội dung này sẽ tiếp tục được cụ thể hóa vào các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn luật gồm 1 nghị định, 1 quyết định của Thủ tướng Chính phủ và 2 thông tư dự kiến ban hành trong năm 2021.
Thực hiện kế hoạch, thanh tra bộ và Cục Quản lý lao động ngoài nước sẽ tiến hành thanh tra các doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài. Những doanh nghiệp không đáp ứng điều kiện hoạt động hoặc có vi phạm pháp luật trong lĩnh vực dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài sẽ bị thu hồi giấy phép hoặc xử phạt vi phạm hành chính theo qui định của pháp luật.
Đặc biệt, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội sẽ phối hợp với Ngân hàng Nhà nước để thanh tra toàn diện việc các doanh nghiệp thu và chuyển tiền môi giới ra nước ngoài./
Minh Hoa