Muốn lớn mạnh doanh nghiệp phải minh bạch trong quản trị
08:39 | 28/08/2019
Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
(DNVN) - Việc áp dụng cơ chế kiểm soát nội bộ và quy tắc ứng xử trong kinh doanh không chỉ mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp, mà còn nâng cao năng lực quản lý rủi ro và ứng phó với khủng hoảng, hình ảnh công ty được cải thiện, quyền lợi của nhà đầu tư và cổ đông được đảm bảo.
Đó là nhận định chung được các chuyên gia và doanh nghiệp đồng thuận sau chương trình tham vấn lấy ý kiến các bên nhằm hoàn thiện Dự thảo “Cẩm nang áp dụng cơ chế kiểm soát nội bộ và bộ quy tắc ứng xử trong kinh doanh”, do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc tại Việt Nam (UNDP Việt Nam) tổ chức.
Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Nguyễn Quang Vinh, Tổng Thư ký VCCI, bày tỏ, từ năm 2005, Chính phủ đã có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp về công tác quản trị, trong đó thúc đẩy sự minh bạch trong quản trị doanh nghiệp. Thực hiện bộ quy tắc ứng xử và cơ chế kiểm soát nội bộ trong kinh doanh yêu cầu mọi thành viên trong công ty tuân thủ nội quy, quy chế, quy trình hoạt động của doanh nghiệp cũng như các quy định của luật pháp, đồng thời đề cao các giá trị cốt lõi về tính chính trực, hành vi đạo đức và tính trách nhiệm… Điều này sẽ tạo nên văn hóa doanh nghiệp và thúc đẩy toàn công ty cùng hướng tới mục tiêu đề ra.
Đồng quan điểm, bà Sitara Syed, Phó trưởng đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam cho biết, Luật Phòng chống tham nhũng năm 2018 khuyến khích các doanh nghiệp ban hành thực hiện quy tắc ứng xử, cơ chế kiểm soát nội bộ nhằm phòng ngừa tham nhũng và xây dựng văn hóa kinh doanh lành mạnh.
Bên cạnh đó, theo kết quả khảo sát của VCCI, trong thời gian qua, chi phí phi chính thức chiếm từ 20-30% tổng chi phí của doanh nghiệp. Đặc biệt, trong những năm gần đây, chi phí phi chính thức này không có xu hướng giảm. Nguyên nhân được chỉ ra là do doanh nghiệp không biết cách để tuân thủ pháp luật và chưa có một bộ phận chuyên trách theo dõi về sự thay đổi của pháp luật. Theo đó, qua điều tra khảo sát, đa số các doanh nghiệp đều cho rằng, nếu có hệ thống kiểm soát nội bộ tốt, sẽ giảm được chi phí phi chính thức.
Nói về vấn đề này, đại diện nhóm nghiên cứu - TS. Vũ Thị Phương Liên, Chuyên gia tư vấn, Công ty TNHH Tư vấn và Hội nhập (TDI) chia sẻ, nhận thức của các doanh nghiệp về kiểm soát nội bộ cũng như các biện pháp phòng ngừa, hạn chế rủi ro còn rất hạn chế. Chỉ có 60% các doanh nghiệp hiểu về cơ chế kiểm soát nội bộ; dưới 50% doanh nghiệp nhận diện được bộ quy tắc ứng xử…Vì vậy, nếu các doanh nghiệp tuân thủ bộ quy tắc ứng xử, tuân thủ pháp luật thì vi phạm trong kinh doanh và chi phí không chính thức sẽ giảm đáng kể.
Còn theo ông Stephen Taylo, Trưởng bộ phận Chính trị Đại sứ quán Anh tại Hà Nội, cho biết, trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng như hiện nay, tiêu chí đánh giá sự thành công của doanh nghiệp không chỉ dựa trên kết quả hoạt động kinh doanh, mà nó còn được đánh giá dự trên các yếu tố minh bạch, liêm chính và thực hiện quản trị công ty theo những tiêu chuẩn phù hợp với trình độ trong nước, và tuân thủ tiêu chuẩn quốc tế.
Tuy nhiên, theo chia sẻ của một số doanh nghiệp, việc thực hiện cẩm nang bộ quy tắc ứng xử và cơ chế kiểm soát nội bộ trong kinh doanh vẫn còn gặp nhiều thách thức, như doanh nghiệp phải bỏ thêm chi phí, nhân lực cho hoạt động này.
Bên cạnh đó, mặc dù, bộ quy tắc đã được thiết kế một cách chi tiết để phù hợp với các doanh nghiệp, tuy nhiên, theo chia sẻ của ông Nguyễn Xuân Anh, Giám đốc Tuân thủ - Khu vực Việt Nam và Indonesia Sanofi Aventis: "Về nguyên tắc cơ bản, hệ thống kiểm soát nội bộ dành cho doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa rất đầy đủ và chi tiết, tuy nhiên, nếu sử dụng nhưng thông tin áp dụng cho doanh nghiệp lớn thì rất khó và ngược lại".
Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng cho rằng, yếu tố quyết định đến việc áp dụng thành công của cơ chế kiểm soát nội bộ và bộ quy tắc ứng xử đó là nhận thức của người chủ doanh nghiệp, người đứng đầu doanh nghiệp. Vì vậy, trước tiên cần phải nâng cao nhận thức của họ.
Chính vì vậy, trong thời gian tới, để hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp UNDP Việt Nam sẽ phối hợp chặt chẽ với VCCI áp dụng bộ quy tắc ứng xử và cơ chế kiểm soát nội bộ thông qua cung cấp các khóa đào tạo, các bộ công cụ và hỗ trợ kỹ thuật cho những doanh nghiệp có mong muốn triển khai áp dung tại doanh nghiệp.