Mưu sinh mùa... “cô vi”, thân phận cá nhân, số phận gia đình

12:20 | 18/06/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Dịch COVID-19 đã khiến hàng triệu lao động mất việc, áp lực “cơm áo, gạo tiền”đè nặng… Có một cuộc chiến khác còn khốc liệt vài dai dẳng hơn cả cuộc chiến chống “cô vi”. Đó là cuộc chiến mưu sinh.

Một câu nói thôi, sao mà khó thế !

Cổng khu công nghiệp Hoằng Long (xã Hoằng Long, thành phố Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa) một ngày giữa tháng 6. Từng đoàn công nhân vội vã ra cổng chính để lấy xe về. Vừa đi, chị Nguyễn Thị Vân (phố Sơn Vạn, phường Đông Hải, TP Thanh Hóa) vừa tranh thủ đọc tin nhắn điện thoại của chồng. Đó là tin nhắn không mong muốn, nội dung của tin nhắn ấy khiến tâm trí chị rối bời: “Anh thất nghiệp rồi. Công ty trả cho nửa tháng lương rồi cho nghỉ”.

Tiếng cười nói thường ngày sau mỗi khi tan ca đã tắt giữa chừng, thay vào đó, là nỗi lo lắng hằn lên gương mặt chị: Tiền đâu để trang trải cuộc sống?!

Mưu sinh mùa... “cô vi”, thân phận cá nhân, số phận gia đình - ảnh 1

Dịch COVID-19 đã tác động rất lớn đến đời sống kinh tế của người dân, đặc biệt là nhóm người yếu thế trong xã hội

Chị Vân và chồng mới hoàn thành xong công việc được xem như quan trọng nhất cuộc đời: Xây nhà. Sự “hoàn thành” ấy, là cả một cố gắng lớn lao, thậm chí có phần mạo hiểm. Tiền xây nhà cho đến khi hoàn thiện hết thảy gần 500 triệu đồng thì hai vợ chồng đã vay đến quá nửa.

“Lúc bắt đầu xây nhà, cứ nghĩ với số tiền 8 triệu đồng mỗi tháng từ tiền công chạy xe ô tô tải chở hàng của chồng cộng với tiền chị đi làm công nhân thì có thể xoay xở được. Ai ngờ…” – chị Vân thở dài ngao ngán.

Chồng chị mất việc, chưa nói đến trả nợ tiền xây nhà, tiền trang trải chi phí sinh hoạt, tiền nuôi 3 đứa con nhỏ lần lượt 12 tuổi, 5 tuổi và 2 tuổi đã thành gánh nặng khó khỏa lấp.

Thời gian tới chị định tính sao khi anh mất việc? - người viết cứ ngập ngừng muốn đặt câu hỏi ấy. 

Chị Vân đang hướng ánh nhìn về phía nhà xe công ty – nơi dòng người đang hối hả lấy xe ra về để tránh cơn mưa dông đang chực chờ ập tới. Nhìn như không nhìn.

Câu trả lời như một tiếng thở dài. Rằng có lẽ chị động viên chồng học thêm nghề sửa xe máy, thu nhập không cao nhưng có thể túc tắc qua ngày. Còn chị phải bám trụ công ty, nếu có thể thì cố gắng kiếm thêm một công việc bán thời gian như làm cộng tác viên bán quần áo, mĩ phẩm chẳng hạn...

“Khó khăn đến mấy thì mình cũng phải thích nghi thôi. Kêu than cũng không giải quyết được gì. Thôi thì coi như hai vợ chồng tìm hướng đi mới, biết đâu ông trời thương lại ban đãi cho một tương lai bớt bấp bênh, đỡ vất vả hơn” – chị Vân gượng cười, và hi vọng.

Mưu sinh mùa... “cô vi”, thân phận cá nhân, số phận gia đình - ảnh 2

Người già và trẻ em có lẽ là đối tượng dễ bị tổn thương nhất trong "cuộc chiến mưu sinh" 

Cũng chung tình trạng thất nghiệp như chồng chị Vân, nhưng éo le hơn, Nguyễn Đình Long, xã Hoằng Quang (TP Thanh Hóa) còn phải mang theo cả những tâm tư khó diễn tả thành lời. Sinh ra trong một gia đình thuần nông nghèo khó, Long trở thành niềm tự hào của gia đình vì đã nỗ lực học tập rồi thi đậu vào Khoa Du Lịch, Trường Đại Học Văn Hóa Hà Nội với số điểm cao ngất ngưỡng.

Thương cha mẹ, sau khi hoàn thành xong chương trình Đại học, Long lao đi xin việc khắp nơi. May mắn mỉm cười, cậu được nhận vào làm hướng dẫn viên du lịch cho một công ty du lịch có tiếng với mức lương khởi điểm lên đến 8 triệu đồng. Từ ngày có việc làm ổn định, mỗi tháng trừ chi phí sinh hoạt, giao lưu bạn bè, Long đều đặn gửi về cho gia đình 4 triệu đồng để trả nợ và trang trải tiền thuốc men cho bố.

Long tính, với cố gắng tự thân, cộng với việc được tăng lương, cậu sẽ có tiền để lo cho bố mẹ được nhiều hơn. “Em sẽ đón bố mẹ ra Hà Nội để khám bệnh tổng quát ở một bệnh viện lớn, không để bố phải dè xẻn, chi li với chính sức khỏe của bản thân như trước nữa” – Long bồi hồi.

Thế rồi hi vọng ấy tan vỡ, vào phút chót, vì dịch. Mọi chuyện đã hoàn toàn thay đổi kể từ dịp Tết Canh Tý năm 2020 – thời điểm dịch COVID-19 ập đến. Ngành Du lịch rơi vào khủng hoảng, công ty nơi Long làm việc chỉ còn hoạt động cầm chừng, các tour được đặt trước hoặc bị hủy hoặc phải chủ động hủy. Mức lương của Long cứ giảm dần, tới làn sóng dịch COVID-19 thứ 4 ập đến, cậu chính thức thất nghiệp.

Long không dám tâm sự với bố mẹ chuyện cậu đã thất nghiệp. Cậu im lặng. Cố để người ở quê có thể yên lòng. “Nhiều người chọn cách về nhà để tìm nơi nương náu. Về nhà thì ít nhất là không phải đóng tiền nhà trọ, chi phí sinh hoạt, ví không tiền thì cơm vẫn ăn 3 bữa. Nhưng đâu phải ai cũng may mắn được như vậy. Vì thật ra, nhiều người những lúc này còn chẳng có nhà để về. Hoặc là không đủ dũng khí để về. Trưởng thành thật ra cũng là một dạng thoả thuận. Khi muốn mọi người công nhận rằng mình đã đủ vững vàng để sống và quyết định cuộc đời bản thân thì cũng phải chấp nhận rằng dù có đường cùng như nào cũng phải tự mà đương đầu lấy".

Một câu nói “Con mất việc rồi” sao mà nó khó thế !” – Long nói, như hụt hơi.

Mưu sinh mùa... “cô vi”, thân phận cá nhân, số phận gia đình - ảnh 3

Dãy phố Nguyễn Du, TP Thanh Hóa - Địa điểm kinh doanh dịch vụ Kraoke sầm uất ngày nào giờ phải "cửa đóng then cài"

Bao nhiêu là thân phận ?

Chuyện của chị Vân, của Long chỉ như lát cắt nhỏ trong bức tranh đầy nỗi nhọc nhằn, lo toan của người lao động đang rơi vào tình trạng thất nghiệp vì dịch COVID-19.

Đằng sau sự ngưng trệ hay quyết định cắt giảm nhân lực của một công ty, là những lựa chọn “cực chẳng đã” của người chủ doanh nghiệp. Nhưng sau những con số lao động bị cắt giảm, còn là nỗi cay đắng đầy nước mắt của những lao động bị ảnh hưởng. 

Theo Tổng cục thống kê, do ảnh hưởng tiêu cực của dịch COVID-19 bùng phát trở lại vào cuối tháng 1/2021, tỷ lệ tham gia lực lượng lao động giảm 1,1 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thất nghiệp và tỷ lệ thiếu việc làm của lực lượng lao động trong độ tuổi lần lượt là 2,42% và 2,20%, tăng so với quý I/2020.

Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên của cả nước quý 1/2021 ước tính là 51 triệu người, giảm 1,1 triệu người so với quý trước và giảm 180,9 nghìn người so với cùng kỳ năm 2020. Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động quý I/2021 ước tính đạt 68,7%, giảm 1,6 điểm phần trăm so với quý trước và giảm 1,1 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước.

Tính từ đầu năm đến nay, cả nước có 31.800 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 22,3% so với cùng kỳ năm trước; 20.000 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 20,7%; 8.000 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 32,3%. Như vậy, trung bình mỗi tháng có gần 12.000 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

Bởi vậy, mối lo của đất nước giờ đây ngoài việc dập dịch, còn cả những kế hoạch dài hạn để cứu vãn nền kinh tế trong tương lai…

Có thể những lao động thất nghiệp như chồng chị Vân, anh Long, cùng hàng triệu lao động bị thất nghiệp do dịch COVID-19 khác rồi sẽ phải tìm cho mình một công việc mới để mưu sinh, gồng ghánh gia đình vượt qua tao đoạn khó khăn này.

Biết rằng, điều cần làm bây giờ là phải biết “đồng cam cộng khổ”, đoàn kết lại để cùng đẩy lùi dịch COVID-19. Một cách nhìn xuôi, rằng chỉ khi nào đẩy lùi được dịch, người lao động mới có quyền nghĩ về viễn cảnh tương lai tốt đẹp hơn. Nhưng để ổn định trở lại, là cả một chặng đường gian nan, trắc trở. Vậy thì những thân phận nào chờ được tới khi gian nan ấy sẽ hết, khi bản thân cuộc sống đã vốn dĩ thế, mà đâu có chờ tới khi có dịch.

Bài: Nguyễn Trường

Xem thêm: Thanh Hóa: Chấp nhận điều chỉnh chủ trương đầu tư tại “siêu dự án” Bến En