Mỹ dự kiến con đường tới các cuộc đàm phán với Triều Tiên không dễ dàng

15:43 | 04/06/2018 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
(DNVN) - Quan hệ Mỹ-Nhật-Hàn và quan hệ Trung Quốc-Triều Tiên cũng như chiến lược quân sự của Mỹ tại khu vực Đông Bắc Á tiếp tục tác động không nhỏ tới cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên sắp tới - con đường dẫn tới thượng đỉnh không dễ dàng.

Nỗ lực vượt bậc từ hai phía

Các hoạt động ngoại giao con thoi của giới chức Triều Tiên và Mỹ những ngày gần đây nhằm xúc tiến cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên sắp tới cho thấy những nỗ lực vượt bậc từ hai phía, hướng tới một bán đảo phi hạt nhân hóa.

TTXVN dẫn nguồn từ Kyodo ngày 3/6 cho biết: Mỹ đã chọn Sentosa - hòn đảo nghỉ dưỡng nằm ngoài khơi bờ biển phía nam của Singapore, làm nơi tổ chức cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un vào ngày 12/6 tới. Một trong những khách sạn tại Sentosa sẽ được sử dụng cho cuộc gặp thượng đỉnh này.

Mỹ dự kiến con đường tới các cuộc đàm phán với Triều Tiên không dễ dàng - ảnh 1
Cổng vào đảo nghỉ dưỡng Sentosa ở Singapore. (Ảnh: AFP/TTXVN) 
Phía Triều Tiên chưa chấp thuận địa điểm được đề xuất này song nhấn mạnh rằng các cuộc đàm phán liên quan tới hậu cần cho cuộc gặp thượng đỉnh vẫn rất thuận lợi. Sau khi Mỹ quyết định địa điểm, bên còn lại cần đánh giá địa điểm và xem có vừa ý với nhà lãnh đạo Kim hay không.

Theo hãng tin Yonhap của Hàn Quốc được trích dẫn tin trên tờ Asahi của Nhật Bản, Triều Tiên đã thay thế Bộ trưởng Quốc phòng Pak Yong-sik bằng ông No Kwang-chol, một nhân vật ôn hòa hơn, trước cuộc gặp thượng đỉnh với Mỹ. Ông No Kwang-chol, nguyên Trưởng ban Kinh tế thứ hai của Đảng Lao động Triều Tiên, cũng từng đảm nhận chức vụ Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Triều Tiên (KPA). Tờ báo Nhật Bản cũng cho hay có tin đồn ông Ri Myong-su, Tổng Tham mưu trưởng KPA, cũng sẽ bị thay thế.

Mỹ dự kiến con đường tới các cuộc đàm phán với Triều Tiên không dễ dàng - ảnh 2
Ông Pak Yong-sik. (Nguồn: YONHAP/ TTXVN) 

Con đường tới thượng đỉnh không dễ dàng

Phát biểu tại cuộc gặp với ngoại trưởng Hàn Quốc và Nhật Bản bên lề Diễn đàn Shangri-La ở Singapore, ngày 3/6, Ngoại trưởng James Mattis cho biết, Mỹ dự kiến con đường tới các cuộc đàm phán với Triều Tiên sẽ không hề dễ dàng. Ông nhấn mạnh rằng Mỹ sẽ tiếp tục thực hiện tất cả các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đối với Triều Tiên và các lệnh trừng phạt sẽ chỉ được dỡ bỏ khi Triều Tiên có các bước có thể kiểm chứng và không thể đảo ngược hướng tới phi hạt nhân hóa.

Ngoại trưởng Nhật Bản Itsunori Onodera cho rằng, trong khi cần 1 giải pháp ngoại giao cho khủng hoảng hạt nhân Triều Tiên, hợp tác quốc phòng giữa Mỹ và các đồng minh ở châu Á là chìa khóa để đạt được điều này. Ông Onodera cũng cho biết Nhật Bản, Hàn Quốc và Mỹ nhất trí duy trì sức ép đối với Triều Tiên.

Cùng thời điểm với động thái trên của Mỹ, Nhật, Triều Tiên cũng lên án quân đội Hàn Quốc tham gia tập trận chung với Mỹ.

Mỹ dự kiến con đường tới các cuộc đàm phán với Triều Tiên không dễ dàng - ảnh 3
Tàu hải quân Hàn Quốc rời cảng ở Changwon để lên đường tham gia cuộc tập trận RIMPAC ngày 28/5 vừa qua. (Ảnh: Yonhap/TTXVN). 
Tờ Minju Joson, nhật báo chính thức của Triều Tiên, có bài viết cho rằng quân đội Hàn Quốc đã triển khai 3 tàu chiến, máy bay tiêm kích và hơn 700 binh sĩ tham gia cuộc tập trận chung Vành đai Thái Bình Dương (RIMPAC) tại vùng biển ngoài khơi Hawaii từ ngày 27/6 tới. Seoul cũng đã thông báo sẽ tiến hành cuộc tập trận thường niên "Người bảo vệ tự do Ulchi" theo kế hoạch vào tháng 8 tới. Việc tìm cách đối đầu quân sự "đi ngược với nhu cầu chung của tất cả người dân hai miền Triều Tiên và xu thế của thời đại", bài báo nhấn mạnh.

Ngay khi trở về sau chuyến thăm hiếm hoi tới Mỹ để gặp Tổng thống Mỹ Donald Trump, Phó Chủ tịch Đảng Lao động Triều Tiên Kim Yong-chol ngày 3/6 đã tới Bắc Kinh (Trung Quốc) trên một chuyến bay của hãng hàng không Air China. Yonhap cho hay, ông Kim Yong-chol dự kiến sẽ ghé qua Đại sứ quán Triều Tiên ở Bắc Kinh trước khi về nước vào ngày 4/6.

Như vậy, quan hệ Mỹ-Nhật-Hàn và quan hệ Trung Quốc-Triều Tiên cũng như chiến lược quân sự của Mỹ tại khu vực Đông Bắc Á tiếp tục tác động không nhỏ tới cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên sắp tới - con đường dẫn tới thượng đỉnh không dễ dàng.