Mỹ đưa hai bộ của Myanmar vào danh sách đen thương mại, chặn quân đội rút 1 tỷ USD

09:29 | 05/03/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Mỹ vừa thêm Bộ Quốc phòng và Bộ Nội vụ của chính phủ quân sự Myanmar, cùng 2 tập đoàn quân đội nước này vào danh sách đen thương mại.Mỹ ngăn quân đội rút số tiền 1 tỷ USD Ngân hàng Dự trữ Liên bang New York.
Mỹ vừa gia tăng trừng phạt với quân đội Myanmar bằng các biện pháp rất thực tế. Trước hết, Bộ Thương mại Mỹ khẳng định Washington sẽ không cho phép quân đội Myanmar hưởng lợi từ việc tiếp cận nhiều mặt hàng.
 
"Chính phủ Mỹ sẽ tiếp tục buộc những người tiến hành vụ chính biến phải chịu trách nhiệm về hành động của họ", Reuters ngày 4/3 dẫn thông báo của bộ này. Mỹ cũng hạn chế xuất khẩu sang Myanmar bất kỳ mặt hàng nào có thể được sử dụng cho mục đích quân sự.
 
Chính phủ Mỹ tiếp tục trừng phạt các công ty thuộc quân đội Myanamr. Mới nhất, hai công ty Myanmar Economic Corporation và Myanmar Economic Holdings Limited - là những tập đoàn hàng đầu của quân đội Myanmar bị thêm vào danh sách đen thương mại của Mỹ. Hai công ty này kiểm soát một phần lớn nền kinh tế đất nước, hoạt động trong các lĩnh vực khác nhau, từ bia, thuốc lá đến viễn thông, săm lốp, khai khoáng và bất động sản.

Trong khi đó, Bộ Nội vụ Myanmar, cơ quan chủ quản của lực lượng cảnh sát, mua công nghệ từ các công ty Mỹ để giám sát mạng xã hội, và dùng trong các mục đích khác.
 
Mỹ áp loạt biện pháp trừng phạt mới với quân đội Myanmar
Quân đội Myanmar nắm chính quyền. Ảnh: AFP

Tuy nhiên, các động thái này của Mỹ được cho không tác động đáng kể tới tình hình bên trong Myanmar. Bởi thực tế Myanmar không phải thị trường xuất khẩu tiềm năng của Mỹ. Các thực thể bị trừng phạt không phải là nhà nhập khẩu lớn.
 
Trong một diễn biến khác, cũng theo Reuters, ba nguồn tin, gồm một quan chức chính phủ Mỹ, hôm 5/3 lần đầu tiết lộ thông tin về việc Mỹ đóng băng một tỷ USD tại Ngân hàng Dự trữ Liên bang New York khi quân đội Myanmar muốn rút khoản tiền này.

Nguồn tin cho hay, giao dịch ngày 4/2 với danh nghĩa Ngân hàng Trung ương Myanmar ban đầu bị chặn do các biện pháp bảo vệ của Ngân hàng Dự trữ Liên bang (Feb) New York. Biện pháp bảo vệ được áp dụng do các giao dịch liên quan Myanmar cần được giám sát kỹ hơn khi quốc gia này năm ngoái bị được đưa vào "danh sách xám" vì lo ngại rửa tiền.
 
Quan chức chính phủ Mỹ sau đó hoãn phê duyệt giao dịch, cho đến khi Tổng thống Joe Biden ký sắc lệnh hành pháp, cấp cho họ quyền hợp pháp để chặn giao dịch vô thời hạn.

Vài ngày sau đảo chính, quân đội Myanmar tìm cách rút 1 tỉ USD sau khi bổ nhiệm thống đốc ngân hàng trung ương mới cũng như bắt giữ hàng loạt quan chức dân sự. Động thái này được cho là nhằm hạn chế tác động từ các lệnh trừng phạt quốc tế hậu đảo chính.
 
Reuters nhận định, Mỹ vẫn chưa triển khai công cụ trừng phạt cứng rắn nhất, đó là đưa ra danh sách các cá nhân bị Bộ Tài chính Mỹ cấm vận. Những người bị đưa vào danh sách này sẽ bị đóng băng tài sản, chặn mọi giao dịch với Mỹ, về cơ bản là bị loại ra khỏi hệ thống ngân hàng Mỹ.

Tháng 2/2021, Tổng thống Mỹ Joe Biden áp đặt lệnh trừng phạt với một số tướng quân đội được cho là chịu trách nhiệm về vụ binh biến ở Myanmar, bao gồm bộ trưởng quốc phòng và ba công ty trong lĩnh vực ngọc bích và đá quý.
 
Ngoại trưởng Antony Blinken cho biết Mỹ đang triển khai các biện pháp mới nhất trước tình trạng bạo lực leo thang, khiến nhiều người biểu tình thiệt mạng ở Myanmar.
 
Ngoài Mỹ, loạt quốc gia phương Tây như Anh, Pháp, Canada... cũng đưa ra loạt biện pháp trừng phạt với quân đội Myanmar kể từ sau xảy ra chính biến. Dù vậy, lực lượng quân đội vẫn tỏ ra không mấy quan tâm trước các lệnh trừng phạt quốc tế.
 
Liên Hợp Quốc cho biết ít nhất 54 người thiệt mạng kể từ khi biểu tình chống đảo chính Myanmar diễn ra. Hơn 1.700 người đã bị bắt, trong đó có 29 nhà báo.
 
 
Hà Ly