Mỹ mở ngỏ khả năng trở lại CPTPP

23:33 | 31/01/2018 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
(DNVN) - Tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) được tổ chức vừa qua tại Davos, Thụy Sỹ, Tổng thống Donald Trump tuyên bố Mỹ sẽ cân nhắc quay trở lại Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

Tổng thống Donald Trump đã dành phần lớn bài phát biểu của mình cho các vấn đề thương mại.

"Mỹ đang chuẩn bị đàm phán các hiệp định thương mại song phương cùng có lợi với tất cả các nước", trong đó có các quốc gia "rất quan trọng" trong CPTPP, ông Trump cho biết và nhấn mạnh, Mỹ đã có thỏa thuận với một vài nước thành viên của CPTPP và sẽ cân nhắc đàm phán với các nước còn lại.

Mỹ mở ngỏ khả năng trở lại CPTPP - ảnh 1
Ông Trump phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF). Nguồn: Internet.
Tổng thống Trump cũng đưa ra cảnh báo: Hoa Kỳ sẽ không còn nhắm mắt làm ngơ trước những thực tiễn thương mại không công bằng, bao gồm cả việc đánh cắp tài sản trí tuệ và trợ cấp quá mức của các chính phủ. Những hành vi như vậy đang "bóp méo" thị trường thương mại toàn cầu.

Giới phân tích quốc tế cho rằng sự thay đổi quan điểm về thương mại đa phương này của ông Trump chính là lời cảnh báo nhằm vào Trung Quốc, quốc gia mà Mỹ đang có thâm hụt thương mại lớn. Tham gia CPTPP, Mỹ sẽ cùng với Nhật Bản thiết lập các quy tắc thương mại hiện đại cũng như hạn chế nỗ lực của Trung Quốc trong việc sử dụng sức mạnh kinh tế để xây dựng phạm vi ảnh hưởng rộng lớn hơn, thay vì nguy cơ Mỹ có thể đánh mất chỗ đứng ở châu Á.

Đây cũng được xem là một sự nhượng bộ cần thiết của Tổng thống Trump trước thời điểm diễn ra cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ vào mùa thu năm nay.

Tổng thống Trump đã nói trong cuộc phỏng vấn của CNBC rằng, ông sẽ chỉ sẵn sàng tham gia CPTPP khi Hiệp định này được thay đổi tốt hơn, có lợi hơn đối với Mỹ. Ưu tiên hàng đầu của chính quyền Tổng thống Trump là thu hẹp thâm hụt thương mại hàng hoá vượt quá 700 tỷ USD mỗi năm. Việc đàm phán lại CPTPP có thể gây áp lực lên các quốc gia thành viên trong việc giảm sự mất cân bằng thương mại với Mỹ.

Điều này, nếu được thực hiện thành công, sẽ giúp ông Trump nâng cao uy tín trong mắt người dân Mỹ. Tuy nhiên, các quan chức khác của Mỹ dường như không cùng quan điểm với Trump ở Davos.

Trong khi Nhật Bản hoan nghênh sự trở lại của Mỹ đối với CPTPP, thì các nước thành viên khác đều không muốn đàm phán lại. Bởi vì, việc sửa đổi một phần Hiệp định có thể dẫn đến một loạt những yêu cầu thay đổi khác và có nguy cơ làm sụp đổ thỏa thuận thương mại khổng lồ này.

Kyodo ngày 23/1 dẫn một nguồn tin Nhật Bản cho biết CPTPP sẽ được ký kết vào tháng 3 tới tại Chile.

Minh Hoa