Mỹ nêu điều kiện giảm thuế cho EU, Nhật Bản và Hàn Quốc

Tổng thống Mỹ Donald Trump. (Ảnh: Getty Images).
Các yêu cầu với EU
Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết Liên minh châu Âu (EU) cần cam kết mua 350 tỷ USD năng lượng Mỹ để được cắt giảm thuế quan đối ứng. Khối này đang đối mặt với mức thuế 20%, dự kiến có hiệu lực từ ngày 9/4 theo giờ Mỹ.
Vào ngày 7/4, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen chỉ ra khối kinh tế chung đã đề nghị giảm thuế quan đối với ô tô và hàng hóa công nghiệp nhập khẩu từ Mỹ xuống mức 0.
Cùng ngày, một phóng viên đã hỏi Tổng thống Trump tại cuộc họp báo Nhà Trắng rằng liệu đề xuất đó có đủ để Mỹ “nương tay” về thuế quan với EU không.
Ông Trump trả lời: “Không. Mỹ có thâm hụt thương mại 350 tỷ USD với EU. Một trong những cách để mức thâm hụt biến mất nhanh chóng và dễ dàng là châu Âu mua năng lượng của chúng ta.
Họ có thể mua năng lượng, chúng ta có thể khiến lỗ hổng 350 tỷ USD biến mất chỉ trong một tuần. Họ phải cam kết mua số năng lượng có giá trị tương tự”.
Ý tưởng EU mua các sản phẩm năng lượng từ Mỹ để tránh thuế quan không phải điều mới mẻ. Gần như ngay sau khi ông Trump tái đắc cử, bà Ursula von der Leyen đã gợi ý mở các cuộc đàm phán để EU mua thêm khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) của Mỹ. Song, Politico cho biết khi đó Mỹ không cung cấp thông tin rõ ràng về cách thức thực hiện thỏa thuận.
Cũng trong buổi họp báo, Tổng thống Mỹ ẩn ý rằng ông muốn EU giảm bớt tiêu chuẩn nhằm cho phép thêm nhiều hàng hóa Mỹ thâm nhập vào thị trường khối này. Ông coi các biện pháp an toàn của EU là một loại “thuế quan phi tiền tệ”.
Ông Trump nhận xét: “Những thứ mà EU đặt ra để khiến doanh nghiệp Mỹ không thể bán ô tô ở thị trường của họ cũng chính là thuế quan… EU định ra các tiêu chuẩn và các cuộc thử nghiệm quá khó khăn.
Họ thiết kế các quy tắc và tiêu chuẩn với mục đích khiến chúng ta không thể bán hàng hóa ở những nước đó. Và Mỹ sẽ không cho phép điều này tiếp diễn. Những quy tắc đó chính là rào cản phi tiền tệ”.
Triển vọng về thương vụ lớn với Nhật Bản và Hàn Quốc
Đến ngày 8/4, các quan chức Mỹ cho biết chính quyền ông Trump đang thảo luận một thương vụ lớn về LNG với những đối tác như Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan. Các quan chức ngầm ra hiệu thương vụ này có thể dẫn đến việc Mỹ cắt giảm thuế quan cho ba nền kinh tế đó.
Tuần trước, Nhà Trắng công bố mức thuế quan đối ứng với Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan lần lượt ở mức 24%, 26% và 32%.
Khi trò chuyện với CNBC, Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Scott Bessent cho biết đích thân ông Trump sẽ tham gia vào các cuộc đàm phán để xem xét lại thuế quan cho từng đối tác. Ông cho biết kết quả của các cuộc đàm phán sẽ phụ thuộc vào những gì các đối tác đề xuất.
“Ví dụ, chúng tôi đang bàn bạc về một thương vụ năng lượng lớn ở Alaska, trong đó phía Nhật Bản và có lẽ là Hàn Quốc, Đài Loan sẽ mua rất nhiều sản phẩm và cung cấp nguồn tài trợ cho dự án”, vị bộ trưởng cho hay.
Điều này đồng nghĩa với việc ba nền kinh tế châu Á nói trên sẽ đảm nhận một phần hoặc gần như toàn bộ nguồn tài trợ để xây dựng đường ống từ các mỏ khí ở phía bắc Alaska đến các cảng không có băng ở phía nam, cũng như cam kết mua khí đốt được sản xuất. Tờ Nikkei Asia cho biết ước tính đường ống đó sẽ có chiều dài 1.300 km và tốn 44 tỷ USD để xây dựng.
Ông Bessent nhận xét một thỏa thuận như vậy sẽ tạo ra “rất nhiều” việc làm cho Mỹ, đồng thời thu hẹp thâm hụt thương mại.
Trên mạng xã hội Truth Social, ông Trump thông báo đã có “cuộc gọi tuyệt vời” với quyền Tổng thống Hàn Quốc Han Duck-soo.
Chủ nhân Nhà Trắng viết: “Chúng tôi thảo luận về mức thặng dư thương mại khổng lồ của Hàn Quốc với Mỹ, thuế quan, ngành đóng tàu, việc mua lượng lớn LNG của Mỹ, liên doanh của họ trong một đường ống ở Alaska và khoản thanh toán cho hoạt động bảo vệ quân sự mà chúng ta cung cấp”.
Ông cho biết một phái đoàn đàm phán của Hàn Quốc đang trên máy bay tới Mỹ và nhận xét "mọi thứ có vẻ tốt đẹp". Ông cũng lưu ý các cuộc thảo luận này không chỉ giới hạn về thương mại hay thuế quan mà đề cập đến mọi vấn đề quan trọng khác.
Tổng thống Mỹ nói thêm rằng Trung Quốc cũng đang rất muốn nhanh chóng có một thỏa thuận, “nhưng họ không biết nên bắt đầu như thế nào”. Ông kêu gọi Bắc Kinh liên lạc: “Chúng tôi đang chờ cuộc gọi từ họ”.
Trong bài phát biểu trước Quốc hội Mỹ hồi đầu tháng 3, ông Trump tuyên bố Nhật Bản, Hàn Quốc “và những quốc gia khác” muốn đầu tư hàng nghìn tỷ USD để xây dựng đường ống dẫn khí lớn ở Alaska.