Năm 2020: Hàng trăm doanh nghiệp được NHCSXH giải ngân trả lương cho lao động ngừng việc

09:26 | 14/01/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Tính đến hết 2020, NHCSXH đã thực hiện giải ngân 31,6 tỷ đồng cho 207 doanh nghiệp để trả lương cho 8.529 người lao động bị ngừng việc.
Năm 2020, trong bối cảnh dịch diễn biến phức tạp, NHCSXH nỗ lực để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19 và thực hiện phương án đảm bảo hoạt động liên tục của ngân hàng trong suốt giai đoạn dịch bệnh. Theo đó, đến hết 2020, NHCSXH đã thực hiện giải ngân 31,6 tỷ đồng cho 207 doanh nghiệp để trả lương cho 8.529 người lao động bị ngừng việc.
 
Lãnh đạo Ngân hàng CSXH khẳng định, năm 2020, dù gặp nhiều khó khăn, nhưng nhờ sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Quốc hội và Chính phủ, sự hỗ trợ của các bộ, ban, ngành, cấp ủy, chính quyền địa phương, NHCSXH thực hiện tốt kế hoạch và nhiệm vụ chính trị được giao trong tình hình mới, đảm bảo hoạt động ngân hàng an toàn, hiệu quả và góp phần tích cực vào sự ổn định của nền kinh tế, chính trị - xã hội đất nước.
 
 
Năm 2020: Hàng trăm doanh nghiệp được NHCSXH giải ngân trả lương cho lao động ngừng việc - ảnh 1
 Năm 2020 NHCSXH nỗ lực để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19
 
Cụ thể, trong năm 2020, NHCSXH tăng cường công tác huy động nguồn vốn và tập trung thực hiện tốt kế hoạch tăng trưởng dư nợ. Tổng nguồn vốn tín dụng chính sách đến 31/12/2020 đạt 233.426 tỷ đồng, tăng 21.532 tỷ đồng so với năm 2019; trong đó, vốn nhận ủy thác từ ngân sách địa phương đạt 20.315 tỷ đồng, tăng 4.882 tỷ đồng so với năm 2019.
 
Điển hình một số chi nhánh đạt mức tăng cao như: TP. Hà Nội (+1.154 tỷ đồng), TP. Hồ Chí Minh (+854 tỷ đồng), TP. Đà Nẵng (+368 tỷ đồng), Bình Dương (+263 tỷ đồng), Bà Rịa-Vũng Tàu (+175 tỷ đồng), Đồng Nai (+148 tỷ đồng), Bình Định (+114 tỷ đồng), Quảng Ninh (+112 tỷ đồng), Vĩnh Phúc (+111 tỷ đồng)...
 
Bên cạnh đó, một số đơn vị tuy ngân sách địa phương gặp nhiều khó khăn nhưng vẫn quan tâm, tạo điều kiện, dành một phần ngân sách địa phương để ủy thác sang NHCSXH để cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác như: Hà Giang, Sơn La, Lai Châu, Kon Tum, Đắk Nông...
 
Tổng dư nợ tín dụng chính sách đến hết năm 2020 đạt 226.197 tỷ đồng, tăng 19.391 tỷ đồng (+9,4%) so với cuối năm 2019, trong đó dư nợ các chương trình tín dụng theo kế hoạch tăng trưởng được Thủ tướng Chính phủ giao đạt 194.405 tỷ đồng, tăng 14.400 tỷ đồng (+8%) so với cuối năm 2019, hoàn thành 100% kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao, với hơn 6,4 triệu hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác còn dư nợ.
 
Đặc biệt, năm 2020, trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, NHCSXH nỗ lực để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19 và thực hiện phương án đảm bảo hoạt động liên tục của ngân hàng trong suốt giai đoạn dịch bệnh.
 
NHCSXH cùng NHNN phối hợp với bộ, ngành liên quan nghiên cứu, tham mưu xây dựng các Nghị quyết của Chính phủ và Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch COVID- 19. Từ đó, có cơ sở triển khai cho vay người sử dụng lao động để trả lương ngừng việc đối với người lao động theo quy định. Theo đó, đến hết 2020, NHCSXH đã thực hiện giải ngân 31,6 tỷ đồng cho 207 doanh nghiệp để trả lương cho 8.529 người lao động bị ngừng việc.
 
Bên cạnh đó, NHCSXH gia hạn nợ, điều chỉnh kỳ hạn nợ cho 242.700 khách hàng; cho vay bổ sung 122.900 khách hàng với số tiền 3.112 tỷ đồng, cho vay mới 1.943.000 khách hàng với số tiền 71.585 tỷ đồng.
 
Năm 2020, nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đã hỗ trợ vốn đầu tư sản xuất kinh doanh, tạo việc làm cho hơn 361.000 lao động, giúp hơn 5.200 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài; giúp gần 44.600 học sinh sinh viên (HSSV) có hoàn cảnh khó khăn vay vốn học tập; giúp 207 doanh nghiệp vay vốn để trả lương cho hơn 8.500 người lao động bị ảnh hưởng dịch COVID-19; xây dựng trên 1,3 triệu công trình nước sạch, công trình vệ sinh ở nông thôn; xây dựng trên 17.300 căn nhà ở cho hộ nghèo ổn định cuộc sống; gần 6.200 căn nhà ở xã hội…
 
Trong bối cảnh năm 2021 tới đây diễn biến dịch bệnh còn phức tạp, lãnh đạo NHCSXH xác định luôn đồng hành, sẵn sàng đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn cho người nghèo và các đối tượng chính sách vượt khó trong đại dịch, trong khó khăn.
 
Bên cạnh đó, để hoàn thành nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao năm 2021, NHCSXH sẽ tiếp tục huy động các nguồn vốn, trong đó, đẩy mạnh việc nhận vốn ủy thác từ ngân sách các địa phương, huy động tiền gửi từ các tổ chức, cá nhân trên thị trường, làm tốt công tác thu hồi nợ đến hạn... nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn giải ngân các chương trình tín dụng chính sách, hoàn thành 100% chỉ tiêu kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao và đảm bảo khả năng thanh khoản của toàn hệ thống.
 
Ngân hàng sẽ tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát nội bộ, chú trọng công tác tự kiểm tra trong từng khâu thực hiện quy trình nghiệp vụ. NHCSXH các cấp xây dựng kế hoạch kiểm tra kiểm soát nội bộ và tổ chức thực hiện chương trình kiểm tra theo kế hoạch được phê duyệt; đào tạo, tập huấn cho đội ngũ cán bộ làm công tác kiểm tra kiểm soát nội bộ. Tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm củng cố và nâng cao chất lượng tín dụng trong toàn hệ thống. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng, triển khai các phần mềm hỗ trợ công tác quản lý, điều hành và tác nghiệp của cán bộ chuyên môn nghiệp vụ, đảm bảo an toàn, bảo mật hệ thống
 

Phương châm “Nhà nước, doanh nghiệp và nhân dân cùng làm”

 
Tại "Hội nghị tổng kết chiến lược phát triển NHCSXH giai đoạn 2011-2020 và đón nhận danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới" vừa qua, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước kiêm Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Chính sách xã hội Nguyễn Thị Hồng nhấn mạnh: Định hướng xây dựng chiến lược phát triển NHCSXH giai đoạn 2021-2030 là phát triển NHCSXH thành tổ chức có khả năng tự chủ và phát triển ổn định lâu dài.
 
 
Năm 2020: Hàng trăm doanh nghiệp được NHCSXH giải ngân trả lương cho lao động ngừng việc - ảnh 2
Quy mô tổng nguồn vốn hoạt động của NHCSXH tăng gấp 2,6 lần sau 10 năm thực hiện Chiến lược phát triển
 
Đồng thời, duy trì được vai trò là định chế tài chính công thực hiện các chính sách xã hội của Chính phủ; tập trung vào những lĩnh vực mà các tổ chức tài chính hoạt động theo nguyên tắc thị trường không thể đáp ứng hoặc chỉ đáp ứng được một phần.
 
Tổng giám đốc Ngân hàng Chính sách Xã hội Dương Quyết Thắng cho biết, mục tiêu tổng quát của chiến lược phát triển NHCSXH giai đoạn 2021-2030 là tăng cường nguồn lực cho Ngân hàng Chính sách Xã hội để thực hiện các chương trình tín dụng chính sách phù hợp với nội dung chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
 
Cùng với đó, nâng cao năng lực hoạt động của NHCSXH để phát triển theo hướng tự chủ, ổn định, bền vững, đủ năng lực để thực hiện tốt tín dụng chính sách xã hội của Nhà nước cho các đối tượng chính sách theo quy định.
 
Trên cơ sở mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, các chương trình mục tiêu quốc gia được phê duyệt, NHCSXH xây dựng mục tiêu cụ thể cho giai đoạn 2020-2030 với dự kiến tăng trưởng vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước bình quân hàng năm khoảng 10%.
 
Đồng thời, cơ cấu nguồn vốn theo hướng ổn định, tự chủ; trong đó, nguồn ngân sách Nhà nước cấp theo lộ trình đến năm 2025 đạt 40%/tổng nguồn vốn, tiến tới đến năm 2030 đạt 50%/tổng nguồn vốn.
 
Nguồn lực cấp cho NNHCSXH được tổng hợp vào vốn đầu tư công trung hạn theo Luật ngân sách Nhà nước và Luật Đầu tư công; đẩy mạnh nguồn vốn ủy thác từ ngân sách địa phương, phấn đấu đến năm 2030 nguồn vốn ủy thác từ ngân sách địa phương chiếm 15%/tổng nguồn vốn.
 
Cùng đó, tăng nguồn vốn huy động; trong đó, nguồn vốn từ phát hành trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh đến năm 2025 chiếm 25%/tổng nguồn vốn, tiến tới đến năm 2030 chiếm từ 30%/tổng nguồn vốn.
 
Thực hiện tốt các chương trình tín dụng chính sách xã hội được Chính phủ giao và các chương trình tín dụng do các địa phương, các tổ chức, đơn vị ủy thác vốn. Đảm bảo 100% đối tượng chính sách xã hội đủ điều kiện được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi, phát huy hiệu quả theo mục tiêu các chương trình tín dụng.
 
Bà Nguyễn Thị Hồng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước kiêm Chủ tịch Hội đồng Quản trị NHCSXH khẳng định, sau 10 năm thực hiện Chiến lược phát triển NHCSXH, nhận được sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo, tạo điều kiện của Đảng, Quốc hội và Chính phủ, các Bộ, Ban, ngành, các cấp ủy, chính quyền địa phương, NHCSXH đã phối hợp chặt chẽ với các tổ chức chính trị - xã hội, tập trung nguồn lực, đẩy mạnh thực hiện các chương trình tín dụng chính sách xã hội, thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, đảm bảo an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới, góp phần phát triển kinh tế - xã hội.
 
Tín dụng chính sách xã hội đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác đến nay đã thực sự đi vào cuộc sống, được nhân dân đồng tình ủng hộ. Từ những kết quả đạt được, có thể khẳng định tín dụng chính sách xã hội đã đạt hiệu quả tích cực, phù hợp với chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về giảm nghèo bền vững, đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân, của người nghèo và các đối tượng chính sách khác trong phạm vi cả nước.
 
Hiệu quả của tín dụng chính sách xã hội đã khẳng định phương thức quản lý và mô hình tổ chức quản trị, điều hành, tác nghiệp của NHCSXH là hoàn toàn phù hợp với điều kiện thực tiễn của nước ta; đã huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và của cả xã hội tham gia vào công cuộc giảm nghèo và đảm bảo an sinh xã hội.
 
Kết quả từ việc thực hiện theo đúng phương châm “Nhà nước, doanh nghiệp và nhân dân cùng làm”, “Trung ương và địa phương cùng làm” đã làm tăng quy mô tổng nguồn vốn hoạt động của NHCSXH gấp 2,6 lần, từ 90.400 tỷ đồng năm 2010 lên 233.661 tỷ đồng sau 10 năm thực hiện Chiến lược phát triển, tốc độ tăng trưởng tổng nguồn vốn hoạt động tín dụng chính sách đạt bình quân 10%/năm.
 
Minh Hoa