Năm 2021, ADB đã cam kết 22,8 tỷ USD hỗ trợ Châu Á và Thái Bình Dương
Các kết quả hoạt động và tài chính đã được công bố hôm nay (25/4) trong Báo cáo thường niên 2021 của ADB. Báo cáo tóm tắt cách thức ADB hỗ trợ các quốc gia thành viên đang phát triển của mình thông qua kết hợp tài chính, tri thức và quan hệ đối tác.
Chủ tịch ADB Masatsugu Asakawa chia sẻ: “ADB tin tưởng chắc chắn rằng việc giải quyết các tác động của đại dịch và hỗ trợ phát triển trong dài hạn không loại trừ lẫn nhau. Ứng phó bền vững với COVID-19 của chúng tôi đã đặt nền tảng cho quá trình phục hồi xanh, thích ứng và bao trùm, bảo đảm tiến độ hướng tới các mục tiêu Chiến lược 2030 của ngân hàng”.
Số tiền 22,8 tỷ USD cam kết trong năm 2021 bao gồm các khoản vay và bảo lãnh, viện trợ không hoàn lại, đầu tư cổ phần và hỗ trợ kỹ thuật được cung cấp cho các chính phủ và khu vực tư nhân. Ngoài ra, ADB đã huy động được 12,9 tỷ USD đồng tài trợ.
Trong số các cam kết năm 2021 của ADB, 13,5 tỷ USD, tương đương 59%, là để ứng phó đại dịch, mặc dù nhiều cam kết trong số này - chẳng hạn như tăng cường lĩnh vực y tế - cũng sẽ giúp ích cho khu vực trong dài hạn sau khi đại dịch kết thúc.
Hỗ trợ ứng phó đại dịch của ngân hàng bao gồm 4,9 tỷ USD tài trợ giải ngân nhanh cho các chính phủ để hỗ trợ cải cách cơ cấu và khắc phục vấn đề tính bền vững của nợ. Khoản tài trợ này bao gồm 4,6 tỷ USD cho vay chính sách và 250 triệu USD thông qua Giải pháp Ứng phó đại dịch COVID-19.
Là một phần của hoạt động ứng phó đại dịch, ADB đã cam kết 4,1 tỷ USD để cho phép việc mua sắm và cung cấp vắc-xin an toàn và hiệu quả cho các quốc gia thành viên đang phát triển của mình. Ngân hàng cũng cung cấp 3,3 tỷ USD cho khu vực tư nhân để giữ cho các doanh nghiệp mở cửa, thương mại lưu thông và cung cấp các sản phẩm và dịch vụ y tế. Một loạt các hoạt động hỗ trợ chia sẻ tri thức đã hướng dẫn những kế hoạch phục hồi và ứng phó COVID-19.
Giải quyết các thách thức phát triển dài hạn hơn, chẳng hạn như biến đổi khí hậu, vẫn là một trọng tâm quan trọng trong các hoạt động năm 2021 của ADB.
“Cuộc chiến chống biến đổi khí hậu sẽ thắng hay bại ở châu Á – Thái Bình Dương. Để thành công, khu vực của chúng ta cần đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang một tương lai các-bon thấp,” ông Asakawa nói.
Để giúp đáp ứng mục tiêu tăng cường mới là tài trợ lũy kế 100 tỷ USD cho khí hậu vào năm 2030, ngân hàng đã công bố một loạt các sáng kiến tài trợ nhằm thúc đẩy quá trình phát triển các-bon thấp của khu vực. Ví dụ, ADB đã ra mắt Cơ chế Chuyển đổi Năng lượng – sẽ giúp gia tăng đầu tư của nhà nước và tư nhân để tài trợ cho việc sớm chấm dứt hoạt động của các nhà máy điện than, mở rộng quy mô của các giải pháp năng lượng sạch và năng lượng tái tạo, đồng thời bảo đảm quá trình chuyển đổi năng lượng diễn ra công bằng với chi phí phù hợp.
Tất cả các cam kết năm 2021 của ADB đều bao gồm những yếu tố mang lại lợi ích cụ thể cho phụ nữ và trẻ em gái. Ngân hàng cũng đẩy mạnh nỗ lực hỗ trợ các chính phủ huy động nguồn lực tài chính trong nước cần thiết cho tăng trưởng bền vững, bao gồm việc ra mắt Trung tâm thuế Châu Á - Thái Bình Dương, một phương tiện hỗ trợ cải cách thuế và các vấn đề liên quan trong toàn khu vực.
Các cam kết năm 2021 của ADB được tài trợ bởi chương trình vay nợ lớn thứ hai của ngân hàng cho đến nay, qua đó đã huy động được 35,8 tỷ USD thông qua các thị trường vốn. Năm ngoái, ADB đã bán khối lượng kỉ lục các trái phiếu chuyên đề và lần đầu tiên phát hành trái phiếu giáo dục và trái phiếu xanh vì sự lành mạnh của đại dương.