Ngành thép nhập siêu 800 triệu USD trong quý I
Xuất khẩu thép tăng mạnh nhưng chưa đuổi kịp nhập khẩu
Theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), trong tháng 3, xuất khẩu thép thành phẩm của Việt Nam đạt 956 nghìn tấn, tăng 75% so với tháng trước nhưng giảm 22,8% so với cùng kỳ năm 2021. Giá trị xuất khẩu thép tháng 3 cũng đạt 909 triệu USD, tăng 72% so với tháng 2 và không biến động nhiều so với cùng kỳ.
Tính chung quý I, Việt Nam đã xuất khẩu khoảng gần 2,3 triệu tấn thép, tương đương 2,3 tỷ USD, giảm 22% về lượng nhưng tăng 12,5% về giá trị so với cùng kỳ năm 2021.
Thị trường xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam bao gồm khu vực ASEAN (40,5%), Khu vực EU (19%), Hoa Kỳ (8%), Hàn Quốc (7%) và Hồng Kông (4%)…
Ở chiều ngược lại, nhập khẩu thép cũng tăng khá mạnh cả về lượng và giá trị. Cụ thể trong tháng 3, nhập khẩu thép thành phẩm vào Việt Nam đạt 1,1 triệu tấn với kim ngạch đạt 1,1 tỷ USD tăng 23% về lượng và tăng 22% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.
Tính chung quý I, nhập khẩu thép thành phẩm các loại về Việt Nam khoảng 3 triệu tấn với trị giá hơn 3,1 tỷ USD, giảm 18% về lượng nhưng tăng 19% về giá trị so với cùng kỳ năm 2021.
Các quốc gia cung cấp thép chính cho Việt Nam bao gồm Trung Quốc (32,5%), Nhật Bản (16%), Ấn Độ (13%), Hàn Quốc (11%) và Đài Loan (10%)…
Như vậy, trong quý I, ngành thép của Việt Nam nhập siêu 800 triệu USD.
(Nguồn: VSA)
Trong quý I, xuất khẩu thép tăng trưởng mạnh song vẫn nhập siêu 800 triệu USD. Song nhìn chung, xuất khẩu thép năm 2022 sẽ có nhiều cơ hội và triển vọng tươi sáng.
Trong báo cáo ngành thép, CTCK Mirae Asset dự báo sản lượng xuất khẩu thép dự kiến đạt mức 8,7 triệu tấn, tăng 15% so với năm 2021.
Sở dĩ, Mirae Asset đưa ra dự báo này bởi thị trường xuất khẩu sẽ tiếp tục rộng mở trong năm 2022 dưới tác động từ chiến tranh giữa Nga – Ukraine.
Hiện nay, Nga xếp thứ hai về xuất khẩu thép vào EU, với tỷ trọng 14% thép dẹt và 19% thép dài; Ukraine chiếm 8% thép dẹt và 7% thép dài, còn Belarus chiếm 14% thép dài.
Việc thiếu hụt nguồn cung trầm trọng sẽ giúp các công ty thép Việt Nam sẽ tiếp tục hưởng lợi từ xuất khẩu, đặc biệt từ thị trường châu Âu và Mỹ.
Mirae Asset nhận định những doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu tôn mạ được hưởng lợi bởi mảng tôn mạ hiện tại đang dư khoảng 30% tổng công suất nhưng nhu cầu nhập khẩu mặt hàng thép cán nguội (CRC) và tôn mạ màu rất lớn khi nguồn cung từ Trung Quốc và Nga giảm mạnh.
Trong đó, ba ông lớn ngành tôn mạ phải kể đến Tôn Nam Kim (Mã: NKG), Tôn Hoa Sen (Mã: HSG) và Tôn Đông Á (Mã: TDA).