Năm 2024, Bộ Công Thương dồn lực để phát triển thị trường nội địa

Uyên Hương/TTXVN 09:28 | 14/01/2024 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Nhằm phát triển mạnh thương mại nội địa, 1 trong 3 trụ cột tăng trưởng của nền kinh tế, trong năm 2024 Bộ Công Thương sẽ triển khai đồng bộ nhiều giải pháp; trong đó, đẩy mạnh phát triển hạ tầng thương mại tại các vùng khó khăn; phát triển thương mại điện tử để khai thác hiệu quả xu hướng số hóa nền kinh tế. Đặc biệt, Bộ Công Thương tiếp tục đẩy mạnh tuyến đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, gian lận xuất xứ, cạnh tranh không bình đẳng.

 

Thị trường bán lẻ trong nước vẫn là “mảnh đất” còn nhiều dư địa để khai thác trong năm 2024.

Nhận định về thị trường nội địa, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh: Là nền kinh tế có độ mở cao, Việt Nam không thể tránh khỏi những ảnh hưởng tiêu cực của những biến động từ bên ngoài trong bối cảnh rủi ro, thách thức còn rất lớn đối với triển vọng kinh tế thế giới trong năm 2024. 

Những thách thức này đòi hỏi toàn ngành không được lơ là, chủ quan, mà phải theo dõi chặt chẽ tình hình biến động sản xuất, cung cầu, giá cả hàng hóa trên thế giới và trong nước để kịp thời tham mưu, triển khai các giải pháp ứng phó kịp thời, hiệu quả nhằm đạt được các mục tiêu đặt ra trong năm 2024 cũng như giai đoạn 2021-2025.

Chính vì vậy, năm 2024, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành địa phương theo dõi sát diễn biến tình hình thị trường, bảo đảm đủ nguồn cung các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu người dân, nhất là dịp cao điểm lễ, Tết, không để xảy ra tình trang thiếu hàng, sốt giá.

Bên cạnh đó, Bộ sẽ phối hợp với các đơn vị truyền thông cung cấp thông tin đầy đủ đến người dân về tình hình giá cả thị trường, điểm bán hàng bình ổn, tình hình nguồn cung... để tạo tâm lý ổn định, xử lý kịp thời thông tin sai lệch gây tâm lý bất ổn cho người tiêu dùng.

Ngoài ra, Bộ cũng yêu cầu Sở Công Thương các địa phương, Hiệp hội, ngành hàng thực hiện nghiêm, hiệu quả các văn bản đã chỉ đạo nhằm đẩy mạnh tiêu thụ nông sản của các tỉnh trên địa cả nước. Bám sát, theo dõi hỗ trực tiếp và gián tiếp hoạt động lưu thông, tiêu thụ nông sản của các địa phương, đảm bảo nông sản được lưu thông, tiêu thụ thông suốt không bị ùn ứ. Đặc biệt, phối hợp, hỗ trợ địa phương tiếp tục triển khai thực hiện Đề án “Đổi mới phương thức kinh doanh tiêu thụ nông sản giai đoạn 2021 - 2025 định hướng đến năm 2030”.

Chia sẻ về việc quản lý an toàn thực phẩm trong kinh doanh, bà Lê Việt Nga- Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết: Tới đây, Bộ tiếp tục thực hiện theo quy định tại Nghị định số 17/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Công Thương.

Cùng đó, Bộ sẽ căn cứ các chỉ đạo của Chính phủ, Ban chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm để triển khai hoạt động được giao tại chương trình, dự án, đề án liên quan và nhiệm vụ được giao về thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm về an toàn thực phẩm thuộc phạm vi quản lý của Bộ Công Thương.

Riêng với quản lý giá sữa và thực phẩm chức năng dành cho trẻ em dưới 6 tuổi, Bộ Công Thương sẽ tiếp nhận rà soát các biểu thông báo, kê khai giá sữa và thực phẩm chức năng dành cho trẻ em dưới 6 tuổi của các doanh nghiệp thuộc đối tượng kê khai giá tại Bộ theo quy định. Trên cơ sở Luật Giá 16/2023/QH15 mới ban hành và Nghị định quy định hướng dẫn chi tiết Luật Giá, sẽ thực hiện sửa đổi nội dung Thông tư số 08/2017/TT-BCT phù hợp với quy định mới; quản lý và phát triển hạ tầng thương.

Mặt khác, Bộ sẽ tiếp tục hoàn thiện việc xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật phục vụ quản lý nhà nước trong lĩnh vực được phân công; chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành phổ biến, hướng dẫn việc thực hiện Nghị định của Chính phủ về phát triển và quản lý chợ khi được ban hành.

Theo Vụ Thị trường trong nước, đối với mặt hàng xăng dầu, năm 2024 Bộ tiếp tục thực hiện theo các quy định tại Nghị định số 80/2023/NĐ-CP ngày 17 tháng 11 năm 2023 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 95/2021/NĐ-CP ngày 01 tháng 11 năm 2021 và Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 03 tháng 9 năm 2014 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu; xây dựng Nghị định thay thế Nghị định số 80/2023/NĐ-CP ngày 17 tháng 11 năm 2023, Nghị định số 95/2021/NĐ-CP ngày 01 tháng 11 năm 2021 và Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 3 tháng 9 năm 2014 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu.

Ngoài ra, Bộ tăng cường triển khai hậu kiểm, kiểm tra, rà soát, hướng dẫn các doanh nghiệp trong việc thực hiện các điều kiện kinh doanh xăng dầu theo quy định; thực hiện giải quyết thủ tục hành chính theo quy định.

Đáng lưu ý, Bộ Công Thương tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng Nghị định thay thế Nghị định số 67/2013/NĐ-CP ngày 27 tháng 6 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá về kinh doanh thuốc lá; tiếp tục phối hợp xây dựng Nghị định quản lý mặt hàng thuốc lá thế hệ mới; triển khai quản lý mặt hàng rượu theo chức năng nhiệm vụ.

Đối với mặt hàng khí hóa lỏng LPG, Bộ Công Thương sẽ hoàn thiện nhiệm vụ xây dựng Nghị định thay thế Nghị định số 87/2018/NĐ-CP ngày 15 tháng 6 năm 2018 của Chính phủ về kinh doanh khí; thực hiện công tác giải quyết thủ tục hành chính theo quy định.

Mặt khác, Bộ tập trung triển khai hiệu quả các chương trình, Đề án về phát triển thị trường trong nước như: Đề án phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; Chương trình phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo giai đoạn 2021-2025; Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới năm 2023; hỗ trợ xây dựng điểm bán và giới thiệu sản phẩm OCOP (Chương trình Mỗi xã một sản phẩm) tại một số địa phương theo Chương trình OCOP…

Đặc biệt, để chuẩn bị nguồn cung hàng hóa trong những tháng cuối năm và dịp Tết Nguyên đán khi nhu cầu tiêu dùng của người dân tăng cao, Bộ Công Thương đã ban hành Chỉ thị số 13/CT-BCT ngày 30 tháng 10 năm 2023 về việc thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường cuối năm 2023 và dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.

Thực hiện Chỉ đạo trên của Bộ Công Thương, đến nay một số địa phương như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Ninh Thuận... đã ban hành kế hoạch thực hiện chương trình bình ổn thị trường trong những tháng cuối năm và dịp Tết Nguyên đán 2024.

Theo đó, Bộ Công Thương giao nhiệm vụ cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh phân phối hàng hóa chủ động chuẩn bị nguồn hàng để phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân trên địa bàn tỉnh, tổ chức điểm bán hàng cố định, lưu động kết hợp với chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, chương trình bình ổn thị trường để đưa hàng hóa đến tay mọi người dân với giá cả ổn định.

Bộ Công Thương dự kiến sức mua năm nay có thể tăng trên 10% so với cùng kỳ năm trước. Nguồn cung các mặt hàng thiết yếu cũng được các doanh nghiệp chủ động chuẩn bị từ rất sớm với lượng hàng dự trữ tăng từ 10-25% so với cùng kỳ.

Hơn nữa, để kích cầu tiêu dùng trong nước, nhiều doanh nghiệp đã có kế hoạch triển khai chương trình khuyến mãi, giảm giá sản phẩm tiêu dùng thiết yếu, nhất là trong tháng cận Tết.

Sở Công Thương các địa phương như thành phố Hà Nội, Hồ Chí Minh cũng  nỗ lực làm việc với nhiều đơn vị, dựa trên mục tiêu chính: bình ổn thị trường, tổ chức chương trình khuyến mãi, kết nối cung cầu, đặc biệt chú ý liên kết vùng phối hợp tỉnh thành khác để tạo nguồn hàng hóa ổn định số lượng, đảm bảo chất lượng tốt nhất phục vụ cho nhu cầu lớn của thành phố.

Thống kê của Bộ Công Thương cho thấy, năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành ước đạt 6.231,8 nghìn tỷ đồng, tăng 9,6% so với năm 2022. Một số địa phương có doanh thu bán lẻ hàng hóa tăng cao như: Quảng Ninh tăng 12,2%; Bình Dương tăng 11,4%; Hải Phòng tăng 10,4%; Đồng Nai tăng 9,1%; Cần Thơ tăng 8,4%; Thành phố Hồ Chí Minh tăng 7,8%; Hà Nội tăng 7,1%; Đà Nẵng tăng 5,9%...

Theo chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú , thị trường trong nước tăng trưởng cao là trụ đỡ cho tăng trưởng của nền kinh tế trong bối cảnh sản xuất công nghiệp và thị trường xuất khẩu gặp nhiều khó khăn; đáp ứng cơ bản hàng hóa thiết yếu cho người dân./.