ADB: Đầu tư công, tiêu dùng nội địa và xuất khẩu sẽ là ba động lực tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2024
Chia sẻ với TTXVN, ông Shantanu Chakraborty, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam cho hay kinh tế toàn cầu dự kiến sẽ tăng trưởng chậm hơn trong năm 2024 so với năm 2023.
Những tác động bất lợi của điều này vẫn sẽ tác động đến triển vọng tăng trưởng của Việt Nam. Mặc dù vậy, ADB vẫn giữ nguyên dự báo tăng trưởng của Việt Nam ở mức 6%, với kỳ vọng sẽ có sự phục hồi nhất định của môi trường bên ngoài, trong khi các động lực tăng trưởng trong nước sẽ lấy lại đà so với năm 2023.
Nền tảng quan trọng để duy trì đà tăng trưởng trong thời gian tới sẽ là sự ổn định kinh tế vĩ mô nhờ Việt Nam tiếp tục các chính sách tài khóa thận trọng và chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt được áp dụng từ năm 2023.
"Điều quan trọng là phải đảm bảo rằng các chính sách này được phối hợp thực thi một cách có hiệu quả để tạo ra xung lực mạnh hơn cho nền kinh tế. Nhưng chỉ điều này thôi thì chưa đủ. Đầu tư công, tiêu dùng nội địa và phục hồi xuất khẩu sẽ là ba động lực tăng trưởng chủ yếu của kinh tế Việt Nam trong năm 2024", ông nói.
Đại diện ADB cũng cho rằng Việt Nam vẫn còn dư địa tài khóa khi nợ công được kiểm soát tốt ở mức 38% GDP tính đến cuối năm 2022. Vì vậy, Việt Nam cần tiếp tục đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công vì đây là một trong những biện pháp kích thích tài khóa cần được ưu tiên.
Đẩy mạnh đầu tư công vào cơ sở hạ tầng sẽ giúp kích thích các hoạt động kinh tế, hỗ trợ các doanh nghiệp công nghiệp, xây dựng và khai khoáng, đồng thời mang lại nhiều cơ hội việc làm hơn.
Tiêu dùng trong nước có thể được thúc đẩy nhờ các biện pháp tài khóa khuyến khích nhu cầu. Đồng thời, tiêu dùng cũng được hỗ trợ bởi chính sách tiền tệ phù hợp giữ lãi suất ở mức tương đối thấp. Chính sách phối hợp có thể hỗ trợ phục hồi kinh tế một cách hiệu quả. Trong ngắn hạn, Việt Nam cần mở rộng chính sách tài khóa, trong khi chính sách tiền tệ mang tính hỗ trợ.
Thị trường toàn cầu được dự báo sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức trong giai đoạn 2023-2024. Điều này đồng nghĩa với những "cơn gió ngược" mạnh hơn đối với các nền kinh tế định hướng xuất khẩu và có độ mở lớn như Việt Nam. Trong bối cảnh đó, các chính sách của Việt Nam cần chủ động hơn nữa để hỗ trợ các doanh nghiệp mở rộng thị trường, đồng thời đẩy mạnh khai thác các hiệp định tự do thương mại với các đối tác mà Việt Nam đã tham gia ký kết.
Các biện pháp chính sách thúc đẩy các động lực tăng trưởng có thể được bổ sung bằng những cải cách mạnh mẽ hơn về môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao chất lượng dịch vụ công và giảm bớt chi phí kinh doanh để hỗ trợ hiệu quả hơn cho các doanh nghiệp.
Trong dài hạn, Việt Nam cần đẩy mạnh đầu tư công vào quá trình chuyển đổi năng lượng xanh, tăng cường cơ sở hạ tầng để cải thiện năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, đồng thời củng cố nền tảng để gia tăng sức chống chịu và phát triển bền vững hơn.
Trong báo cáo Triển vọng Phát triển Châu Á (ADO) tháng 12/2023, ADB đã điều chỉnh dự báo tăng trưởng năm 2023 và 2024 của một số nền kinh tế ASEAN.
Cụ thể, dự báo tăng trưởng của Việt Nam năm nay giảm xuống mức 5,2% so với dự báo hồi tháng 9 là 5,8%.
Nguyên nhân là nhu cầu bên ngoài yếu hơn dự kiến cản trở ngành công nghiệp, dịch vụ tăng trưởng cũng như việc làm, tiêu dùng phục hồi chậm. ADB dự báo kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng mạnh hơn vào năm sau, đạt 6%.
Lạm phát chung của Việt Nam tăng lên tới 3,2%, trong khi lạm phát cơ bản ở mức 4,3% trong 11 tháng đầu năm do phục hồi trong thương mại, tăng giá nhiên liệu nhập khẩu và giá điện. Nhưng mức này vẫn thấp hơn nhiều so với mục tiêu 4% – 4,5%.
Chính sách tiền tệ thận trọng và chủ động, được hỗ trợ bởi kiểm soát hiệu quả giá xăng, điện, thực phẩm, chăm sóc sức khỏe và giáo dục, sẽ giúp kiểm soát lạm phát. Dự báo lạm phát tại Việt Nam được duy trì ở mức 3,8% cho năm 2023 và 4% cho năm 2024.