Năm thắng lợi của ngành dược
Dược Hậu Giang (Mã: DHG) là doanh nghiệp tư nhân lớn nhất trong ngành dược phẩm đang niêm yết trên sàn chứng khoán. Năm 2023, Dược Hậu Giang ghi nhận doanh thu thuần tăng 7% lên 5.015 tỷ đồng. Còn lợi nhuận sau thuế lần đầu vượt mốc nghìn tỷ với 1.051 tỷ đồng, tăng 6% so với năm 2022, tương đương lãi gần 2,9 tỷ đồng mỗi ngày.
Với kết quả này, công ty đã hoàn thành 100% kế hoạch doanh thu thuần và vượt 3% mục tiêu lợi nhuận cả năm. Thành quả này có được, theo công ty là nhờ tập trung bán các sản phẩm chiến lược, thiết lập hệ thống phân phối chặt chẽ và kết nối được với khách hàng.
Dù vậy, biên lãi gộp trung bình cả năm đạt 46,7%, thu hẹp so với mức 48% của năm 2022 do giá vốn tăng mạnh hơn mức tăng của doanh thu.
Tương tự, Dược phẩm Imexpharm (Mã: IMP) cũng có một năm tươi sáng khi lợi nhuận sau thuế thiết lập mốc kỷ lục mới với 300 tỷ đồng, tăng 34% so với năm 2022. Đây cũng là mức tăng trưởng mạnh nhất trong nhóm dược được thống kê. Còn doanh thu thuần cả năm đạt 1.994 tỷ, tăng 21%.
Công ty cho biết bản thân đang duy trì vị trí số 1 tại thị trường đấu thầu ETC nhóm 2 (thuốc kê đơn) với 16,4% thị phần. Hiện, thuốc kháng sinh vẫn là thế mạnh cốt lõi của Imexpharm với đóng góp 74% vào tổng doanh thu. Các nhà máy tiêu chuẩn EU-GMP (IMP2, IMP3 và IMP4) với danh mục sản phẩm hướng tới kênh ETC cũng đóng góp cao hơn vào doanh thu và lợi nhuận của công ty nhờ việc tăng trưởng công suất hoạt động.
CTCP Dược - Trang thiết bị y tế Bình Định (Bidiphar - Mã: DBD) lãi cả năm 2023 với 269 tỷ đồng, tăng hơn 10% so với năm trước đó và là mức cao kỷ lục của công ty kể từ khi hoạt động.
Lợi nhuận sau thuế của CTCP Dược phẩm dược liệu (Pharmedic - Mã: PMC) đạt gần 84 tỷ đồng năm vừa rồi, tăng nhẹ so với năm 2022 nhưng cũng đủ để thiết lập mức đỉnh mới về lợi nhuận.
CTCP Dược phẩm Trung ương 3 (Mã: DP3) cũng đạt mốc lợi nhuận kỷ lục với 125 tỷ đồng, tăng 15% so với 2022. Ngoài ra, doanh nghiệp này cũng là quán quân về biên lãi gộp với 68,7% cả năm 2023, hụt nhẹ 0,6 điểm % so với năm 2022. Con số này cao hơn cả một số doanh nghiệp đầu ngành như Dược Hậu Giang, Imexpharm, Traphaco,...
Trái ngược với nhóm trên, một số công ty có kết quả giảm sút so với năm 2022 và thậm chí báo lỗ như trường hợp của CTCP Dược phẩm Trung ương 2 (Mã: DP2) với mức lỗ ròng 24 tỷ đồng và là năm thứ 6 liên tiếp thua lỗ. Tính tới hết năm 2023, công ty lỗ lũy kế 122 tỷ đồng. Nguyên nhân là giá vốn chiếm tỷ trọng tới 95% doanh thu, trong khi chi phí lãi vay và các chi hoạt động lớn đã ăn mòn phần lãi gộp vốn mỏng.
CTCP Dược - Thiết bị Y tế Đà Nẵng (Dapharco - Mã: DDN) là công ty ghi nhận mức giảm sút về lợi nhuận lớn nhất trong nhóm được thống kê. Lợi nhuận ròng của công ty này năm vừa rồi giảm tới 93% về hơn 1 tỷ đồng. Doanh thu thuần giảm 20% về 945 tỷ.
Dapharco giải trình, công ty phải trích lập dự phòng các khoản phải thu khó đòi và doanh thu giảm so với cùng kỳ do thị trường suy giảm và những vướng mắc về quy định pháp luật trong hoạt động mua sắm, đấu thầu dược phẩm, vật tư y tế tại các cơ sở công lập.
Các nhà máy đáp ứng tiêu chuẩn EU/GMP hoặc PIC/S-GMP sẽ hưởng lợi từ kênh ETC
Trong báo cáo phân tích cuối tháng 12/2023, Chứng khoán Mirae Asset cho biết, đứng trước sự thay đổi lớn về bệnh tật cũng như mức gia tăng nhanh chóng của tầng lớp trung lưu, ngành dược phẩm được dự phóng sẽ tiếp tục duy trì tăng trưởng kép CAGR 6% giai đoạn 2023 – 2028.
Giá trị ngành dược phẩm năm 2024 dự báo sẽ đạt 7,89 tỷ USD (tăng 9,1% so với cùng kỳ). Trong đó, kênh ETC tăng trưởng mạnh hơn OTC (thuốc bán tại quầy, không cần kê đơn) nhờ sự bao phủ bảo hiểm toàn dân đã đạt 93% . Dự phóng giá trị mảng ETC năm 2024 sẽ đạt 6 tỷ USD, tăng 9,4%.
Đồng thời, nếu hoàn tất cơ chế về tự chủ tài chính, bệnh viện công lập sẽ tăng cường chọn các dòng thuốc ưu tiên nội địa có chất lượng cao, thúc đẩy nhu cầu kênh thuốc ETC trong bệnh viện.
Hiện nay Việt Nam có hơn 250 nhà máy sản xuất thuốc, và 228 nhà máy đạt tiêu chuẩn WHO-GMP trở lên (tiêu chuẩn mang tính toàn cầu, đo lường và đánh giá khả năng sản xuất và chất lượng sản phẩm được phân phối trên thị trường).
Tuy nhiên, chỉ có 16 công ty đạt tiêu chuẩn EU/GMP hoặc PIC/S-GMP (là hệ tiêu chuẩn được xây dựng và ban hành để kiểm soát các vấn đề và hoạt động trong cơ sở sản xuất dược phẩm nhằm đảm bảo sản xuất ra thuốc đạt chất lượng cao và đảm bảo an toàn cho người sử dụng).
Hiện tại cũng có rất ít công ty dược phẩm ở Việt Nam nghiên cứu các dòng thuốc đặc trị, do đó hầu hết vẫn chỉ đấu thầu thuốc được tối đa ở nhóm 2.
Trong giai đoạn 2023 – 2026, dự kiến sẽ có thêm từ 5 – 6 doanh nghiệp hoàn thành nhà máy tiêu chuẩn EU-GMP, bao gồm hai nhà máy của các công ty dược đang niêm yết là Dược Bình Định (Mã: DBD) và Mediplantec (Mã: MED).
Vì vậy trước mắt, lợi thế để tận dụng xu hướng thị trường thuận lợi (kênh ETC tăng trưởng hơn kênh OTC) và chiếm lĩnh thị phần đang thuộc về những công ty đã hoàn thành đầu tư hay dự kiến sớm có dây chuyền sản xuất thuốc đạt tiêu chuẩn EU/GMP hoặc PIC/S-GMP như Imexpharm, Dược Hậu Giang,...