Nâng công dụng thực phẩm chức năng phòng COVID-19, thừa cơ trục lợi?

07:36 | 28/07/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Giữa dịch bệnh, việc nhiều sản phẩm dược liệu được Bộ Y tế chọn công bố có tác dụng “phòng, hỗ trợ điều trị COVID-19” đã khiến dư luận đặt câu hỏi về việc có hay không lợi ích nhóm, trục lợi..

Trong danh sách hướng dẫn sử dụng của Bộ Y tế (ở công văn đã thu hồi), viên nang Kovir (Cty Sao Thái Dương), và hoạt huyết Nhất Nhất (Công ty TNHH Dược phẩm Nhất Nhất) gây nhiều ý kiến trái chiều trước nghi vấn tăng giá. Theo bản báo giá ngày 19/7/2021 của Cty Sao Thái Dương, viên nang cứng Kovir hộp 2 vỉ x 15 viên giá bán từ ngày 19/7 là 1 triệu đồng/ hộp.

Đây là sản phẩm mới được Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) tiếp nhận đăng ký (công bố ngày 25/6/2021).Tuy nhiên, trước đó 1 ngày (24/6), Cục Quản lý Y dược cổ truyền (Bộ Y tế) đã ban hành công văn chỉ đạo Sở Y tế một số địa phương sử dụng sản phẩm y học cổ truyền và hướng dẫn sử dụng một số thuốc, sản phẩm y học cổ truyền trong phòng, nâng cao sức khỏe và hỗ trợ điều trị COVID-19. Công văn này đề cập Kovir (viên nang mềm, viên nang cứng) là thuốc uống, dùng phòng bệnh.

Nâng công dụng thực phẩm chức năng phòng COVID-19, thừa cơ trục lợi? - ảnh 1

Đồng thời, trang thông tin của Sao Thái Dương đã gỡ bỏ sản phẩm Kovir và các bài viết liên quan, dù hôm 26/7 vẫn đăng bán, và có giải thích về nghi vấn tăng giá. Trước thời điểm bị gỡ, công ty đã bán hơn 20.000 sản phẩm viên nang cứng Kovir (qua website công ty).Hiện nay 2 loại Kovir có giá lần lượt 250.000 đồng, 1 triệu đồng/ hộp. Trong đó, 1 hộp viên nang cứng mới được công bố có giá đắt gấp 4 lần loại cũ. Chiều 27/7, PV Tiền Phong trong vai khách hàng liên hệ, nhân viên tư vấn của Sao Thái Dương cho biết, 2 loại khác nhau ở công thức, cách sử dụng, tuy nhiên đều đã hết hàng. Người này nói thêm, những nơi còn bán Kovir, công ty không chắc chắn đó là sản phẩm chuẩn, giá đúng niêm yết.

Ngày 27/7, Tổng cục Quản lý thị trường yêu cầu Cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố tăng cường quản lý địa bàn, nắm diễn biến tình hình thị trường giá cả, hàng hóa đối với hàng loạt sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe được ghi công dụng “kháng virus, kháng COVID-19, kháng viêm, điều trị đau họng cảm cúm và nhiễm trùng đường hô hấp, phòng chống COVID-19”... chưa đăng ký bản công bố và tăng giá bán đột biến, như: Xuyên Tâm Liên CV19 với logo Toàn Lộc, Xuyên Tâm Liêm CV 19 với logo Nhất Lộc, Kovir. Nếu phát hiện hành vi vi phạm, tiến hành kiểm tra, xử lý.

Còn hoạt huyết Nhất Nhất, theo tìm hiểu của PV, đã có 2 lần tăng giá trong tháng 7. Lần đầu, ngày 1/7, Dược phẩm Nhất Nhất thông báo tới các nhà thuốc về việc điều chỉnh giá sản phẩm là 99.000 đồng/ hộp (trước đó 94.000 đồng/ hộp). Đến ngày 27/7, cập nhật mới nhất từ công ty là 103.000 đồng/ hộp.

Ngày 27/7, một lãnh đạo Cục An toàn thực phẩm Bộ y tế cho biết, việc đưa sản phẩm bảo vệ sức khỏe vào danh mục hỗ trợ điều trị bệnh là không đúng quy định. Đặc biệt, đối với sản phẩm bảo vệ sức khỏe Kovir, vào tháng 9/2020, cục này từng phát cảnh báo sau khi sản phẩm này được quảng cáo có công dụng hiệu quả cao đối với các bệnh virus từ sau lần uống đầu tiên, hỗ trợ điều trị COVID-19.

Ưu ái nhà tài trợ?

Trả lời báo chí về việc Hoạt huyết Nhất Nhất (phòng và điều trị thiểu năng tuần hoàn não, mất thăng bằng, đau mỏi vai gáy, tê bì chân tay) được đưa vào danh mục thuốc hỗ trợ điều trị COVID-19, ông Nguyễn Thế Thịnh, Cục trưởng Cục Quản lý y, dược cổ truyền (Bộ Y tế) nói: “Hoạt huyết không phải thuốc điều trị COVID-19, mà là sản phẩm trong danh sách đơn vị tài trợ, nên chúng tôi hướng dẫn sử dụng”.

Từ những lùm xùm liên quan 12 sản phẩm (vừa công bố đã rút), một số dược sĩ cho rằng, chỉ nên khuyến cáo thành phần, hàm lượng, dạng bào chế, liều dùng chứ không khuyến nghị đích danh tên sản phẩm.

Theo chuyên gia kinh tế PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính), vật tư y tế, thuốc chữa bệnh là một trong những mặt hàng Nhà nước quản lý giá, cần được cơ quan quản lý thị trường, Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) giám sát chặt chẽ, kê khai báo giá thường xuyên. Việc này cần được thực hiện linh hoạt, không đợi đến lúc có phản ánh của người dân.

Trao đổi với PV Tiền Phong ngày 27/7, lãnh đạo Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) khẳng định, đến nay chưa có bất kì loại thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe nào chữa được COVID-19 hay kháng COVID-19. Ngoài ra, các sản phẩm thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe cũng không được phép ghi công dụng “điều trị bệnh”.

Việc quảng cáo thực phẩm chức năng nếu không đúng với công dụng sản phẩm, khiến người dùng lầm tưởng chữa được bệnh là hành vi dạng lừa đảo, cần được xếp vào khung xử phạt bậc cao, đúng với bản chất của nó. Còn việc thu gom, tích trữ, tăng giá là hành vi đầu cơ. Trong bối cảnh dịch bệnh, cần nâng cao mức độ xử phạt, không để lũng loạn thị trường, ông Thịnh nói.

Tại hướng dẫn sử dụng thuốc cổ truyền và sản phẩm từ dược gần đây, Bộ Y tế công bố 12 loại thuốc cổ truyền phòng và hỗ trợ điều trị COVID-19 (sau đó Bộ Y tế ký công văn rút), gồm: Ngọc bình phong gia Xuyên tâm liên; Viên nang Kovir; Bạch địa căn; Siro Viêm họng; Siro Dưỡng âm bổ phế; Siro Ngân kiều; Hạnh tô; Vệ khí khang; Hoạt huyết Nhất Nhất; Viên nang Imboot; Viên nén Xuyên tâm liên; Viên nang Nasagast - KG.

Theo Tiền Phong

ĐỌC NHIỀU