Nâng giờ làm thêm lên tối đa 60 giờ mỗi tháng
Chiều nay (ngày 23/3), Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nhất trí thông qua nghị quyết về số giờ làm thêm trong một tháng. Nghị quyết mới có hiệu lực từ ngày 1/4 đến hết ngày 31/12/2022.
Theo Zing News, số giờ làm thêm trong một tháng là vấn đề còn nhiều ý kiến trái chiều. Theo Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh, có hai luồng quan điểm tương ứng với hai phương án thiết kế nới trần giờ làm thêm mỗi tháng.
Phương án thứ nhất cho rằng việc nâng trần thời gian làm thêm lên mức không quá 72 giờ là quá cao mà cơ quan soạn thảo chưa đưa ra căn cứ thuyết phục nên đề nghị chỉ nên nâng trần thời gian làm thêm không quá 40 giờ mỗi tháng lên không quá không quá 60 giờ.
Phương án thứ hai là đồng tình nâng trần thời gian làm thêm trong một tháng từ không quá 40 giờ lên không quá 72 giờ theo đề xuất của Chính phủ.
Kết quả xin ý kiến các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho thấy 13/18 người ủng hộ phương án thứ nhất và chỉ có 5 người đồng thuận với phương án thứ hai.
Do đó, nghị quyết vừa được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua nêu rõ nếu người sử dụng lao động có nhu cầu và được sự đồng ý của người lao động thì số giờ làm thêm trên 40 giờ nhưng không quá 60 giờ một tháng.
Ngoài ra, trần giờ làm thêm trong năm cũng được nâng lên mức trên 200 giờ nhưng không quá 300 giờ mỗi năm. Quy định này có hiệu lực từ ngày 1/1 đến hết ngày 31/12/2022.
Nghị quyết cũng quy định 5 trường hợp không được áp dụng tăng giờ làm thêm, gồm: Người lao động từ đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi; người khuyết tật nhẹ suy giảm khả năng lao động từ 51% trở lên, khuyết tật nặng hoặc khuyết tật đặc biệt nặng; người lao động làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; lao động nữ mang thai từ tháng thứ 7 hoặc từ tháng thứ 6 nếu làm việc ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo; lao động nữ đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi.