Nâng tầm khu công nghiệp TP HCM - Bài cuối: Phát triển theo hướng xanh
Đây là dấu hiệu tích cực, khẳng định vị thế là điểm đến hấp dẫn với các nhà đầu tư; nhất là khi Thành phố định hướng phát triển các khu chế xuất, khu công nghiệp theo hướng dịch vụ - công nghiệp hiện đại, phát triển công nghệ cao, sáng tạo, kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.
Từng bước chuyển đổi mô hình
Năm 2018, Khu công nghiệp Hiệp Phước, TP HCM được Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Tổ chức Phát triển công nghiệp Liên hiệp quốc (UNIDO) chọn thí điểm xây dựng Khu công nghiệp sinh thái.
Các chuyên gia UNIDO đã đến tận nhà máy của các doanh nghiệp trong khu công nghiêp xem xét từng quy trình để tư vấn cho doanh nghiệp cải tiến quy trình, tiết kiệm nguyên liệu, giảm chi phí sản xuất…
Ông Giang Ngọc Phương, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Khu công nghiệp Hiệp Phước cho biết, quy trình này dựa trên cơ sở chất thải của doanh nghiệp này sẽ là đầu vào của doanh nghiệp khác.
Đây cũng là khái niệm “cộng sinh công nghiệp” được vận dụng ngày càng phát triển nhiều trong Khu công nghiệp Hiệp Phước.
Ông Giang dẫn chứng việc sử dụng khí hơi nóng từ quá trình chưng cất dầu thực vật Cái Lân để tham gia quá trình sấy của Nhà máy Meizan hay sử dụng thành phẩm của nhau ngay trong khu công nghiệp như bao bì, nhiên liệu, nguyên liệu thành phẩm của nhà máy này được sử dụng cho nhà máy sản xuất thực phẩm khác. Nhiều mô hình đang tiếp tục bổ sung, đăng ký triển khai như phụ phẩm của nhà máy thạch cao trở thành nguyên liệu của nhà máy sản xuất xi măng; sử dụng khí nóng của nhà máy thép cho nhà máy phân bón bên cạnh..
Tại Khu chế xuất Tân Thuận, những ngày đầu thành lập, gần như toàn bộ doanh nghiệp trong này thuộc các ngành thâm dụng lao động. Đến nay, trong số 240 doanh nghiệp đang hoạt động, số doanh nghiệp thuộc nhóm thâm dụng lao động hiện còn chiếm khoảng 50% và xu hướng tiếp tục giảm. Ông Nguyễn Văn Khánh, Phó Chủ tịch Hội Da giày TP HCM cũng xác nhận, hiện nhiều doanh nghiệp da giày đã và đang di dời về các vùng quê ở các tỉnh Trà Vinh, An Giang, Kiên Giang… Các doanh nghiệp da giày còn hoạt động trong các khu công nghiệp chủ yếu là doanh nghiệp nước ngoài.
“Việc dịch chuyển dần khỏi các khu công nghiệp của TP HCM đang là xu thế của các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp ở các ngành thâm dụng lao động, công nghệ không cao, dễ gây ô nhiễm môi trường...”, ông Khánh chia sẻ.
Tương tự, ông Han Thanh Hong, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Pepperl+Fuchs Việt Nam ở Khu chế xuất Tân Thuận cũng chia sẻ về việc hướng đến mô hình sản xuất "sạch, xanh", giảm thâm dụng lao động. Theo đó, mỗi năm công ty đầu tư từ 2 – 3 triệu USD mua sắm máy móc hiện đại phục vụ nhu cầu đổi mới công nghệ, tuyển thêm kỹ sư có trình độ cao để đáp ứng điều kiện sản xuất công nghệ cao.
Do vậy, tại dây chuyền sản xuất bo mạch điện tử, các thiết bị cảm ứng, các thiết bị truyền tín hiệu với sản lượng từ 3 – 4 triệu sản phẩm/năm cũng chỉ có vài kỹ sư để quan sát màn hình điện tử để theo dõi thông số của quy trình sản xuất thiết bị cảm biến. Ngoài ra, có hai, ba công nhân kiểm tra các con chip và bo mạch điện tử trước khi kết thúc công đoạn đầu tiên để chuyển qua công đoạn sản xuất tiếp theo…
Sau hơn 30 năm hình thành và phát triển, UBND TP HCM đã xây dựng và đang hoàn thiện Đề án “Định hướng phát triển các Khu chế xuất, Khu công nghiệp thành phố giai đoạn 2023 - 2030 và tầm nhìn đến năm 2045” và Đề án chuyển đổi thí điểm 5 khu chế xuất, khu công nghiệp.
Theo đó, UBND thành phố giao Ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp hoàn thành việc xây dựng chính sách để triển khai đề án trong việc chuyển đổi các khu chế xuất, khu công nghiệp trong năm 2023; trong đó, bao gồm tích hợp phương án phát triển hệ thống khu công nghiệp vào Quy hoạch thành phố thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; quy hoạch chung của thành phố đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060; tiêu chí công nghệ của doanh nghiệp trong khu chế xuất, khu công nghiệp; chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ hoặc di dời khỏi khu chế xuất, khu công nghiệp; chuẩn bị quỹ đất tiếp nhận doanh nghiệp di dời, chính sách đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho việc chuyển đổi công nghệ của doanh nghiệp...
Trong giai đoạn 2024 – 2030, Thành phố triển khai chuyển đổi các khu chế xuất, khu công nghiệp. Triển khai Khu công nghiệp Phạm Văn Hai I và II (huyện Bình Chánh) với tổng quy mô 668 ha sau khi Chính phủ chấp thuận bổ sung vào quy hoạch phát triển các khu công nghiệp của thành phố; đồng thời tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy triển khai các khu công nghiệp đã có quyết định thành lập nhưng chưa triển khai (bao gồm: Lê Minh Xuân 2, Lê Minh Xuân mở rộng, Phong Phú, Vĩnh Lộc mở rộng, Tây Bắc Củ Chi mở rộng) và các khu công nghiệp đã có trong quy hoạch phát triển khu công nghiệp thành phố nhưng chưa được thành lập (gồm Hiệp Phước 3, Vĩnh Lộc 3). Giai đoạn 2031 – 2045 tập trung kiểm tra, giám sát, hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi công nghệ hoặc di dời.
Đối với Đề án chuyển đổi thí điểm 5 khu chế xuất, khu công nghiệp gồm Tân Thuận, Tân Bình, Cát Lái, Hiệp Phước và Bình Chiểu, UBND Tp.Hồ Chí Minh đã giao Hepza chủ động làm việc với Viện Nghiên cứu phát triển thành phố để thống nhất xây dựng đề án chuyển đổi thí điểm.
Sẵn sàng cho đón làn sóng đầu tư lớn
Theo ông Hứa Quốc Hưng, Trưởng ban Quản lý các khu chế xuất, khu công nghiệp, đề án đề xuất định hướng phát triển cho từng khu công nghiệp mới trên cơ sở các mô hình: khu công nghiệp chuyên ngành, Khu công nghiệp công nghệ cao, khu công nghiệp hỗ trợ, khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ nhằm tạo các cụm liên kết ngành trong khu công nghiệp hoặc với các khu công nghiệp kề cận.
Như vậy, các chính sách phục vụ cho việc chuyển đổi các khu chế xuất, khu công nghiệp bao gồm: tích hợp phương án phát triển hệ thống khu công nghiệp vào Quy hoạch Thành phố thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; quy hoạch chung của Thành phố đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060. Tiêu chí công nghệ của doanh nghiệp trong khu chế xuất, khu công nghiệp; chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ hoặc di dời; chuẩn bị quỹ đất tiếp nhận doanh nghiệp di dời; chính sách đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho việc chuyển đổi công nghệ của doanh nghiệp…
Đối với các lô đất chưa triển khai dự án, các dự án dự kiến triển khai trên hoạch các ngành công nghiệp và tiêu chí của Thành phố, ưu tiên phát triển các lô đất hiện hữu (nhận chuyển nhượng lại), sẽ thực hiện thu hút đầu tư theo quy ngành công nghiệp có hàm lượng khoa học - công nghệ, giá trị gia tăng cao.
Ông Hưng cho biết thêm, trong quá trình thực hiện, Hepza sẽ phối hợp với các đơn vị khảo sát; lấy ý kiến, tham vấn các doanh nghiệp khu chế xuất, khu công nghiệp; hiệp hội các doanh nghiệp, ngành nghề; các công ty phát triên hạ tầng Khu chế xuất, Khu công nghiệp và các chuyên gia... Đặc biệt, việc chuyển đổi sẽ thông tin rộng rãi, thực hiện từng bước, thận trọng, tạo sự đồng thuận, đảm bảo quyền lợi của nhà đầu tư theo quy định pháp luật.
Để đảm bảo chuyển đổi, hướng đến phát triển toàn diện, bền vững, Hepza cũng khuyến nghị doanh nghiệp quan tâm phối hợp chặt chẽ trong quá trình triển khai đề án; cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác phục vụ cho điều tra, khảo sát, lấy ý kiến. Trên cơ sở định hướng, lộ trình chuyển đổi Khu chế xuất, Khu công nghiệp, doanh nghiệp cần chủ động xây dựng kế hoạch chuyển đổi, nâng cao trình độ công nghệ, máy móc thiết bị, đào tạo nguồn nhân lực.
Cùng với việc chuyển đổi, Hepza với các doanh nghiệp trong khu cũng kiến nghị đẩy mạnh áp dụng cơ chế “một cửa, tại chỗ”; giải quyết những vướng mắc, trì trệ trong thủ tục, quy trình đầu tư. Bởi đây là một trong những yếu tố quan trọng góp phần quyết định cho sự phát triển các khu chế xuất, khu công nghiệp; là cơ hội để thu hút các nhà đầu tư lớn nước ngoài muốn chuyển dịch sang thị trường Việt Nam.
Theo ông Nguyễn Hoàng Năng, nguyên Trưởng Ban Quản lý Hepza, cơ chế một cửa tại chỗ trong khu công nghiệp sẽ giúp doanh nghiệp tiết kiệm được thời gian, chi phí vì không phải đi nhiều cửa. Tuy nhiên, ngoài thủ tục về môi trường (vừa được UBND TP HCM ủy quyền cho Hepza) còn rất nhiều thủ tục khác như: điều chỉnh quy hoạch cục bộ, cấp phép xây dựng, cấp phép lao động… vẫn chưa được thực hiện một cửa tại chỗ.
“Hiện có nhiều chồng chéo trong các quy định pháp luật về quản lý nhà nước đối với Khu chế xuất, Khu công nghiệp; văn bản pháp luật chuyên ngành không thống nhất với quy định chức năng, nhiệm vụ của Ban Quản lý quy định tại Nghị định quy định về Khu công nghiệp, khu kinh tế. Khi xem xét áp dụng thì căn cứ cuối cùng của các quy định này là văn bản pháp luật chuyên ngành. Về lâu dài, nghiên cứu ban hành Luật về khu công nghiệp, khu chế xuất và khu kinh tế.”, ông Năng chia sẻ.
Các khu chế xuất, khu công nghiệp thành phố đang từng bước chuyển đổi các mô hình hoạt động phù hợp với thực tiễn phát triển của thành phố hiện này và trong tương lai, tuy nhiên để đạt được những mục tiêu này, cần rất nhiều giải pháp.
Trong đó, việc tăng cường phân cấp, ủy quyền quản lý nhà nước; phát huy hơn nữa cơ chế “một cửa, tại chỗ” để đơn giản các thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho việc triển khai các dự án đầu tư; giải quyết nhanh những vấn đề phát sinh, nâng cao hiệu quả quản lý của Hepza tạo ra sức hút mạnh cho nguồn vốn đầu tư vào các khu chế xuất, khu công nghiệp hiện tại và trong tương lai...