Nêu cao tinh thần trách nhiệm, góp phần vào thành công của Đại hội

22:06 | 25/01/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Đoàn đại biểu Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa nguyện đem hết tài năng, sức lực, đóng góp trí tuệ và phản ánh đầy đủ tiếng nói, ý chí, quyết tâm của Đảng bộ, quân và dân các dân tộc...
Ngày 25/1, Đại hội lần thứ XIII của Đảng - sự kiện chính trị trọng đại của Đảng, Nhà nước và Nhân dân Việt Nam sẽ bước vào ngày làm việc đầu tiên. Ngay trước thềm Đại hội, đồng chí Đỗ Trọng Hưng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, Trưởng Đoàn đại biểu của Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa đã có những chia sẻ với phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam về những kết quả nổi bật của tỉnh Thanh Hoá sau 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII và những kỳ vọng, gửi gắm của cán bộ, đảng viên và Nhân dân tỉnh Thanh Hóa với Đại hội XIII của Đảng.
 
Nêu cao tinh thần trách nhiệm, góp phần thành công Đại HộiĐồng chí Đỗ Trọng Hưng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thanh Hóa. (Ảnh: TH)

Phóng viên: Về dự Đại hội XIII, trước hết, xin đồng chí chia sẻ những thành tựu mà tỉnh Thanh Hóa đã đạt được sau 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới, đặc biệt là trong 05 năm triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII?
 
Đồng chí Đỗ Trọng Hưng: Nhiệm kỳ 2015 - 2020 vừa qua, mặc dù gặp rất nhiều khó khăn, thách thức nhưng với tinh thần “luôn đổi mới sáng tạo và quyết liệt trong hành động”, cùng sự chung sức, đồng lòng, quyết tâm cao, nỗ lực lớn, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc tỉnh Thanh Hóa đã giành rất nhiều thành công và thắng lợi. Nổi bật là:
 
Thứ nhất, kinh tế liên tục tăng trưởng ở mức cao, bình quân giai đoạn 2016 - 2020 đạt 11,2%. Đặc biệt, trong bối cảnh phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức được đánh giá là chưa từng có trong lịch sử, nhất là đại dịch COVID-19, nhưng năm 2020, Thanh Hóa đã thực hiện thắng lợi mục tiêu kép “vừa phòng, chống đại dịch COVID-19, vừa khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội”. Kinh tế duy trì đà tăng trưởng, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm đạt 6,08%. Quy mô kinh tế năm 2020 đạt 126.172 tỷ đồng, đứng thứ 8 cả nước; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa; thu ngân sách nhà nước năm 2020 đạt 30.744 tỷ đồng, vượt dự toán. Thu nhập bình quân đầu người đạt 2.510 USD.
 
Thứ hai, Chương trình xây dựng nông thôn mới đạt kết quả cao. Đến nay, toàn tỉnh đã có 08 đơn vị cấp huyện, sau sáp nhập hiện có 331 xã, 831 thôn, bản đạt chuẩn nông thôn mới, 22 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 01 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, bình quân đạt 17,5 tiêu chí/xã. Môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được cải thiện, huy động vốn cho đầu tư phát triển tăng cao. Cùng với khởi công xây dựng một số dự án đầu tư kết cấu hạ tầng, nhiều dự án lớn, quan trọng đã hoàn thành và đưa vào hoạt động, góp phần nâng cao năng lực sản xuất, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển và tạo ra diện mạo mới cho tỉnh.
 
Thứ ba, văn hóa - xã hội có nhiều chuyển biến tiến bộ. Xã hội hóa y tế được đẩy mạnh, đã ứng dụng, chuyển giao thành công nhiều kỹ thuật mới tại các bệnh viện tuyến tỉnh, tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh, đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân được nâng lên rõ rệt.
 
Thứ tư, là tỉnh nằm ở địa bàn trọng điểm, chiến lược trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh Tổ quốc, có đường biên giới trên bộ và trên biển, trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực có nhiều diễn biến phức tạp nhưng chính trị luôn ổn định, quốc phòng - an ninh, trật tự an toàn xã hội luôn được bảo đảm. Quan hệ đối ngoại, hội nhập kinh tế quốc tế, sự phối hợp với các cơ quan Trung ương, liên kết, hợp tác với các tỉnh, thành phố trong cả nước được đẩy mạnh.
 
Thứ năm, công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị tiếp tục được đổi mới và đạt nhiều kết quả quan trọng. Thanh Hóa đã triển khai thực hiện kịp thời, nghiêm túc, sáng tạo các Nghị quyết của Trung ương, đặc biệt là Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, gắn với thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, các nghị quyết về sắp xếp tổ chức bộ máy và các đơn vị hành chính cấp xã, thôn, tổ dân phố.
 
Những kết quả đó, cùng với việc lần đầu tiên, Thanh Hóa được Bộ Chính trị ban hành một Nghị quyết riêng - Nghị quyết số 58-NQ/TW, ngày 05/8/2020 về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, đã tạo điều kiện mới để tỉnh phát triển nhanh hơn và bền vững hơn trong giai đoạn tới.
 
Phóng viên: Thưa đồng chí, Báo cáo chính trị là văn kiện trung tâm của Đại hội, là căn cứ cơ bản để xây dựng các văn kiện khác. Là một trong những đại biểu tham dự Đại hội, đồng chí có nhận xét gì về những điểm mới trong các văn kiện trình Đại hội XIII? Cán bộ, đảng viên và Nhân dân trong tỉnh Thanh Hóa kỳ vọng và gửi gắm gì vào Đại hội Đảng lần này?
 
Đồng chí Đỗ Trọng Hưng: Trong mỗi kỳ Đại hội Đảng, đặc biệt là Đại hội toàn quốc, cán bộ, đảng viên và Nhân dân đặt rất nhiều kỳ vọng vào những quyết sách đúng đắn, mạnh mẽ của Đảng để đất nước phát triển nhanh hơn, bền vững hơn. Đáp ứng kỳ vọng đó, có thể khẳng định, dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng lần này, nhất là Báo cáo chính trị đã được Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII chuẩn bị rất công phu, nghiêm túc, khoa học với nội dung toàn diện và sâu sắc.
 
So với các đại hội trước, dự thảo lần này có nhiều điểm mới từ việc xác định chủ đề Đại hội, đến việc đánh giá những thành tựu đạt được sau 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới đất nước, 30 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, đặc biệt là sau 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XII, 10 năm thực hiện Cương lĩnh (bổ sung, phát triển năm 2011), gắn với thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020.
 
Bên cạnh đó, còn có nhiều điểm mới trong dự báo tình hình thế giới, khu vực và trong nước, xác định nhiệm vụ trọng tâm, các đột phá chiến lược để đưa ra những định hướng lớn cho mục tiêu phát triển đất nước với những dấu mốc quan trọng, đầu tiên là cho 05 năm tới của nhiệm kỳ khóa XIII, gắn với tầm nhìn năm 2030 (đánh dấu kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng), tiếp theo là năm 2045 (đánh dấu kỷ niệm 100 năm thành lập nước)…
 
Như nhiều nhà nghiên cứu đã nhận định, chưa có đại hội nào mà văn kiện có tầm đánh giá bao quát rộng như dự thảo văn kiện Đại hội lần này. Có thể khẳng định rằng, lý luận về đường lối đổi mới, về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta đã ngày càng được xác định rõ hơn và từng bước được hiện thực hóa.
 
Trước thềm Đại hội XIII của Đảng - một sự kiện trọng đại trong đời sống chính trị của Đảng, của đất nước ta diễn ra ngay đầu năm 2021; cán bộ, đảng viên và Nhân dân các dân tộc tỉnh Thanh Hóa đang hướng về Đại hội với tất cả niềm tin và hy vọng về một kỳ Đại hội thành công tốt đẹp. Chúng tôi tin tưởng rằng với những quyết sách quan trọng của Đại hội lần này, sẽ đưa đất nước ta bước vào giai đoạn phát triển mới, mở ra tương lai tươi sáng của đất nước ta, dân tộc ta.
 
Phóng viên: Đoàn đại biểu tỉnh Thanh Hóa đã chuẩn bị như thế nào để đóng góp vào sự thành công của đại hội? Đoàn sẽ đóng góp ý kiến đối với những vấn đề lớn nào, đồng thời có kiến nghị gì với Đại hội, thưa đồng chí?
 
Đồng chí Đỗ Trọng Hưng: Đoàn đại biểu Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa tham dự Đại hội lần này có 35 đại biểu.
 
Vinh dự càng cao, trách nhiệm càng lớn. Đoàn đại biểu Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa và mỗi đại biểu tham dự Đại hội lần này luôn ý thức đầy đủ bổn phận và trách nhiệm của mình trước Đảng, trước Nhân dân, trước sự phát triển đi lên của quê hương, đất nước.
 
Với hành trang là truyền thống lịch sử, văn hóa hào hùng của quê hương, của truyền thống hơn 90 năm xây dựng và trưởng thành của Đảng bộ tỉnh, với tâm thế tự tin, tự hào về những thành tích, kết quả mà tỉnh Thanh Hóa đã đạt được sau 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới, đặc biệt là trong 05 năm triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, Đoàn đại biểu Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa nguyện phát huy tinh thần đoàn kết, nêu cao trách nhiệm, thực hiện nghiêm túc và đầy đủ chương trình, nội quy, quy chế và các quy định của Đại hội, đem hết tài năng, sức lực, đóng góp trí tuệ và phản ánh đầy đủ tiếng nói, ý chí, quyết tâm của Đảng bộ, quân và dân các dân tộc trong tỉnh tham gia xây dựng và quyết định những vấn đề hệ trọng của Đảng, của đất nước, hoàn thành xuất sắc trọng trách được giao, đóng góp cao nhất vào thành công của Đại hội.
 
Nêu cao tinh thần trách nhiệm, góp phần thành công Đại Hội
Đoàn đại biểu Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa đi dự Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng (Ảnh: Báo Thanh Hóa)

Phóng viên: Xin đồng chí cho biết những định hướng phát triển của tỉnh Thanh Hóa trong 5 năm tới? Để đưa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng vào cuộc sống và thực hiện thắng lợi những mục tiêu đã được Đại hội Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa đề ra, Đảng bộ tỉnh sẽ tập trung thực hiện những nhiệm vụ chủ yếu nào?
 
Đồng chí Đỗ Trọng Hưng: Nhận thức sâu sắc về những thời cơ, thuận lợi và những khó khăn, thách thức đặt ra trong nhiệm kỳ mới, đồng thời, quán triệt quan điểm của Đảng "Phát triển kinh tế là trung tâm; xây dựng Đảng là then chốt; phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội; bảo đảm quốc phòng - an ninh là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên", Đại hội Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ XIX đã đề ra mục tiêu tổng quát cho sự phát triển của tỉnh trong giai đoạn tới, đó là: “phấn đấu đến năm 2025 trong nhóm các tỉnh dẫn đầu cả nước - một cực tăng trưởng mới, cùng với Hà Nội, Hải Phòng và Quảng Ninh tạo thành tứ giác phát triển ở phía Bắc của Tổ quốc; đến năm 2030 trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, người dân có mức sống cao hơn bình quân cả nước”.
 
Để thực hiện thắng lợi được mục tiêu quan trọng đó, thời gian tới, Đảng bộ tỉnh sẽ tập trung vào những nhiệm vụ chủ yếu đó là:
 
Một là, tập trung cao cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng và hoàn thiện thể chế để đưa nhanh Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết 58-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX vào cuộc sống. Nghiên cứu kỹ lưỡng, chuẩn bị công phu, bài bản, có chất lượng để nhanh chóng ban hành và triển khai thực hiện 06 chương trình trọng tâm, 03 khâu đột phá và cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ trong giai đoạn 2021 - 2025, các quy hoạch, đặc biệt là Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045, các quy hoạch phân khu chức năng chính trong khu kinh tế Nghi Sơn, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết các đô thị.., các chương trình, kế hoạch, đề án, các cơ chế, chính sách, đặc biệt là cơ chế, chính sách thực hiện Nghị quyết 58-NQ/TW, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025, với tinh thần cách mạng tiến công và quyết tâm cao, tạo sự bứt phá trên tất cả các ngành, lĩnh vực ngay từ năm 2021, từ đó tạo nền tảng vững chắc để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ giai đoạn 2021 - 2025.
 
Hai là, phát huy cao nhất mọi tiềm năng, lợi thế để phát triển Thanh Hóa trở thành một cực tăng trưởng mới ở khu vực phía Bắc với nông nghiệp quy mô lớn, giá trị gia tăng cao và công nghiệp nặng là nền tảng; công nghiệp năng lượng, công nghiệp chế biến, chế tạo và dịch vụ logistics là đột phá, du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn. Tập trung phát triển toàn diện nhưng có trọng tâm, trọng điểm 3 vùng kinh tế - xã hội theo hướng: Phát triển ổn định vùng miền núi, phát triển nhanh vùng đồng bằng và trung du, phát triển đột phá vùng ven biển và hải đảo. Quan tâm phát triển nhanh kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội. Tiếp tục đầu tư đồng bộ, hoàn chỉnh các công trình hạ tầng thiết yếu để sớm đưa khu kinh tế Nghi Sơn trở thành một trong những trung tâm đô thị công nghiệp và dịch vụ ven biển trọng điểm của cả nước.
 
Ba là, gắn phát triển kinh tế với phát triển văn hóa - xã hội và thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội. Chủ động tham gia tích cực và có hiệu quả cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ hiện đại; xây dựng và phát triển văn hóa, con người xứ Thanh, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững phù hợp với tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế.
 
Bốn là, tăng cường liên kết, hợp tác với các tỉnh trong vùng Bắc Trung bộ, thành phố Hà Nội, các tỉnh vùng đồng bằng Bắc Bộ và các tỉnh, thành phố trong cả nước. Tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả nhiệm vụ bảo đảm quốc phòng - an ninh, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; tạo điều kiện và môi trường thuận lợi cho các thành phần kinh tế và mọi người dân yên tâm sản xuất và phát triển kinh tế - xã hội.
 
Năm là, tiếp tục xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức Đảng, tiếp tục thực hiện tốt các nghị quyết của Trung ương, đặc biệt là Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI và khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, gắn với đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp có đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm với yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn mới.
 
Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!
 
Theo Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam
 

ĐỌC NHIỀU