Ngân hàng giảm lãi, doanh nghiệp có thực sự bớt gánh nặng?
Mức giảm này góp phần giảm gánh nặng cho người dân, doanh nghiệp (DN) trong bối cảnh tất cả đều bị tác động mạnh vì dịch bệnh. Tuy nhiên, bên cạnh việc giảm lãi suất, chuyên gia cho rằng, cần có giải pháp đồng bộ hơn để giúp DN tồn tại qua đại dịch.
Sau khi Ngân hàng Nhà nước kêu gọi sự đồng lòng giảm lãi suất cho vay đối với các DN, cá nhân gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhiều ngân hàng đã công bố mức giảm lãi suất.
Nhóm 4 ngân hàng thương mại nhà nước chiếm khoảng 70% tổng dư nợ của toàn hệ thống đã tuyên bố giảm lãi suất đã giúp phần lớn người dân, DN giảm áp lực trong lúc khó khăn. Theo đó, Ngân hàng TMCP Ngoại thương (VCB) giảm lãi suất tiền vay 1% cho DN thuộc 9 ngành, lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh. Giảm lãi suất 1%/năm cho các khách hàng còn lại. Với khách hàng cá nhân, VCB giảm lãi suất 1%/năm cho khách hàng cá nhân vay vốn phục vụ sản xuất kinh doanh; giảm lãi suất tới 0,5%/năm cho khách hàng cá nhân vay vốn phục vụ đời sống. Tổng số tiền lãi hỗ trợ khách hàng trong 6 tháng cuối năm 2021 dự kiến lên tới 4.000 tỷ đồng.
Ngoài ra, nhiều ngân hàng thương mại cổ phần cũng công bố giảm lãi suất như TMCP Phát triển TPHCM, Ngân hàng TMCP Bản Việt, Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín, Ngân hàng TMCP Á Châu, Ngân hàng TMCP Quân đội, TPBank…. Mức giảm 0,8-1,2% tùy từng đối tượng khách hàng và tùy theo chính sách của từng ngân hàng.
Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) công bố giảm lãi suất cho vay đối với dư nợ hiện hữu bình quân 1%/năm, riêng nhóm khách hàng khó khăn giảm 2%/năm so với lãi suất hiện hành. BIDV giảm lãi suất cho vay trên số dư hiện hữu cho: khách hàng chịu ảnh hưởng trực tiếp của dịch COVID-19 (lĩnh vực lưu trú, dịch vụ nhà hàng, resort, khách sạn, vận tải….); khách hàng tại các chi nhánh thuộc vùng dịch, doanh nghiệp (DN) sản xuất thiết yếu cho nền kinh tế, DN có lực lượng lao động lớn; khách hàng suy giảm trong hoạt động kinh doanh.
Trong 6 tháng cuối năm 2021, BIDV dự kiến tiếp tục hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 với tổng nguồn lực hỗ trợ lên đến 3.600 tỷ đồng, trong đó hỗ trợ giảm lãi suất cho vay 2.000 tỷ đồng đối với dư nợ hiện hữu và 1.600 tỷ đồng đối với dư nợ cho vay mới.
Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) công bố giảm lãi suất cho vay với tất cả khách hàng vay vốn bằng VND. Ước tính, Agribank sẽ dành khoảng 5.500 tỷ đồng để hỗ trợ giảm lãi suất cho khách hàng từ nay đến hết 31/12/2021. Ngân hàng cũng có nhiều giải pháp hỗ trợ tích cực khác như: cơ cấu lại nợ gốc và lãi; miễn phí chuyển tiền trong nước.
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng cho biết, sau khi có chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước về giảm lãi suất cho vay, Hiệp hội Ngân hàng đã họp với 16 ngân hàng thương mại (chiếm 75% tổng dư nợ toàn hệ thống) và đồng thuận phương án lãi suất. Sau cuộc họp này, các ngân hàng đồng loạt thông báo giảm lãi suất từ ngày 15/7 đến 31/12/2021.
Cần giải pháp căn cơ
Không chỉ giảm lãi suất cho vay với khoản vay hiện hữu, nhiều ngân hàng dành khoản tín dụng vay ưu đãi cho khoản vay mới. Vietcombank có chương trình lãi suất thấp đối với khoản vay mới nhằm hỗ trợ khách hàng vượt qua giai đoạn khó khăn từ nay đến cuối năm. BIDV dành 1.600 tỷ đồng cho vay lãi suất ưu đãi với dư nợ cho vay mới. Sacombank triển khai nguồn vốn ưu đãi 10.000 tỷ đồng với lãi suất từ 4%/năm, thời gian vay tối đa 6 tháng dành cho DN xuất khẩu.
Theo Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam, lãi suất cho vay chưa bao giờ thấp như hiện nay nhưng vẫn cao so với sức chịu đựng của DN trong bối cảnh thanh khoản đứt đoạn, không có nguồn thu. Hiện nay, DN đang rất "khát" vốn. Nhiều DN rơi vào trạng thái không có doanh thu nhưng vẫn phải trả tiền lãi vay, tiền thuê mặt bằng, trả lương cho lao động. Đối với DN du lịch, kinh doanh khách sạn, mức giảm 1-2% chưa thật sự nhiều do bị mất dòng tiền trả nợ.
Chuyên gia tài chính ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, bối cảnh hiện nay cần cấp bách hỗ trợ tín dụng cho DN. Nếu không có tín dụng, DN đứng trước bờ vực phá sản, chính sách hỗ trợ khác chỉ là giải pháp cấp cứu tạm thời.
"Trong bối cảnh lãi suất cho vay khó có thể giảm thêm, giải pháp khả thi nhất là Ngân hàng Nhà nước phải đứng ra huy động ngân hàng thương mại cổ phần lập ra một "tổ hợp tín dụng" cung cấp gói cho vay 300.000 tỷ đồng với DN nhỏ và vừa. Ví dụ, mỗi ngân hàng phải trích 3% tổng dư nợ tín dụng tham gia gói hỗ trợ này (nguồn cho vay là từ tiền gửi không kỳ hạn). DN được vay tín chấp tuần hoàn 2 năm đầu và trả dần trong 3 năm tiếp theo với lãi suất thấp, chỉ 3 - 5%/năm", ông Hiếu kiến nghị.
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) đánh giá, việc ngân hàng đồng loạt giảm lãi suất cho DN rất tích cực. Sự đồng thuận này thể hiện quyết tâm của ngân hàng thực hiện mong muốn của Chính phủ trong việc ổn định và giảm lãi để giúp DN tiếp cận nguồn vốn tín dụng tốt nhất, từ đó thúc đẩy nền kinh tế phục hồi. Tuy nhiên, ông Thịnh cho rằng, lãi suất phải vận động theo quy luật thị trường, lãi suất cho vay phụ thuộc vào lãi suất huy động. Nếu lãi suất đầu vào giảm sâu khiến dòng tiền "chảy" ra khỏi hệ thống ngân hàng. Vì vậy, ngoài giảm lãi suất, cơ quan chức năng cần có giải pháp đồng bộ như miễn một số loại thuế, phí, tiền thuê đất.
"Giảm lãi suất chỉ giảm bớt phần nào gánh nặng cho DN. Cơ quan chức năng phải có giải pháp đồng bộ để DN tồn tại qua đại dịch như hỗ trợ tiêm vắc-xin cho người lao động, miễn tiền thuê đất, miễn một số loại phí, thuế. Chỉ khi nào, DN hoạt động ổn định trở lại, nền kinh tế mới thực sự phục hồi", ông Thịnh kiến nghị.
Tiền Phong