Ngân hàng không còn 'dễ kiếm tiền'
"Mức sinh lời tốt của các ngân hàng trong hai năm vừa qua không thể duy trì được mãi”, chuyên gia Quản Trọng Thành, Giám đốc Khối Nghiên cứu và Phân tích của Chứng khoán MayBank Kim Eng, nhận định trong talkshow mới đây.
Theo ông Thành, trong 4 năm vừa qua, lợi nhuận của các ngân hàng tại Việt Nam đã tăng trưởng quá tốt. Hai năm gần đây tăng trưởng trên 30%, đẩy nền lợi nhuận lên mức cao và khả năng sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROE) của các ngân hàng Việt Nam đã lên đến mức tốt nhất toàn cầu như VIB là 30%, nhiều ngân hàng có ROE ở mức 24-25%.
Chuyên gia cho rằng trong năm 2023, tốc độ tăng trưởng lợi nhuận của ngân hàng sẽ phải điều tiết trở lại.
Đồng quan điểm, TS. Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, cũng dự báo lợi nhuận các ngân hàng sẽ tăng khoảng 13-15%, thấp hơn nhiều so với mức bình quân khoảng 34% trong năm 2022 (của các ngân hàng niêm yết và kể cả Agribank).
NIM của ngành dự báo sẽ trở lại mặt bằng năm 2021 là khoảng 3,2% Các ngân hàng cũng đã khá thận trọng khi lên kế hoạch kinh doanh năm 2023. Theo khảo sát của chúng tôi, 18/27 ngân hàng đã đặt mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận thấp hơn năm trước.
Trong đó, ba ngân hàng quốc doanh là Vietcombank, VietinBank và BIDV đặt mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận trước thuế trong khoảng 10 – 15% so với cùng kỳ trong khi mức tăng trưởng của năm 2022 lần lượt là 36%, 20% và 70%.
Nhiều ngân hàng cổ phần khác cũng đặt mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận trước thuế từ 10-20% trong năm nay dù năm trước có thể đạt mức 30-40%.
Techcombank là một ngân hàng hiếm hoi đặt kế hoạch tăng trưởng lợi nhuận âm cho năm 2023 với mức giảm 14% so với cùng kỳ. Theo Chủ tịch Hồ Hùng Anh, kế hoạch kinh doanh năm 2023 của Techcombank tương đối thận trọng do có tính đến rủi ro của thị trường.
“Kế hoạch năm nay chúng tôi đã có nhiều phương án 28.000 tỷ đồng, 22.000 tỷ đồng và có thể thấp hơn. Chúng tôi đã lựa chọn phương án tương đối thận trọng nhất. Nếu thị trường phục hồi chúng tôi tin rằng kết quả sẽ tốt hơn. Trong giai đoạn khó khăn thì thận trọng vẫn tốt hơn”, ông Hồ Hùng Anh cho hay.
Ở chiều tích cực hơn, một số ngân hàng vẫn đặt kế hoạch tăng trưởng khá cao bất chấp những thách thức mà ngành phải đối mặt trong năm 2023. Có thể kể đến ABBank với mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận 68% hay Sacombank tăng trưởng 50% so với năm trước,…
Theo các chuyên gia, mức kế hoạch lợi nhuận mà các ngân hàng đặt ra trong năm nay là hợp lý và tương đối sát với tình hình thực tế. “Một ngân hàng chỉ cần duy trì ROE đâu đó từ 18-20% là đã khiến nhà đầu tư dài hạn yên tâm. Tôi cho rằng kế hoạch lợi nhuận mà các ngân hàng đặt ra trong năm nay là hợp lý”, ông Quản Trọng Thành nhận định.
CTCP Chứng khoán SSI dự báo lợi nhuận trước thuế của các ngân hàng thuộc phạm vi nghiên cứu dự kiến tăng 13,7% so với cùng kỳ trong năm 2023. Con số này bằng một nửa tốc độ tăng trưởng trong giai đoạn 2017-2021 (28% so với cùng kỳ) và cao hơn mức tăng trưởng giai đoạn 2014-2015 (11,3% so với cùng kỳ).
Tăng trưởng lợi nhuận tại các ngân hàng thương mại (NHTM) Nhà nước (18,4% so với cùng kỳ) có thể sẽ cao hơn mức tăng trưởng của các ngân hàng thương mại tư nhân (10,8% so với cùng kỳ) do triển vọng NIM tốt hơn, cũng như tỷ trọng dư nợ cho vay đối với thị trường trái phiếu doanh nghiệp và bất động sản của các NHTM Nhà nước ở mức thấp.
Ba rủi ro ngân hàng phải đối mặt trong năm 2023
Năm 2022, ngành ngân hàng phải đối với mặt với rủi ro thanh khoản, biến động về tỷ giá lãi suất và rủi ro danh tiếng từ thị trường trái phiếu doanh nghiệp hay việc phân phối bảo hiểm. Bước sang năm 2023, hệ thống ngân hàng lại đối mặt với cầu tín dụng thấp, chi phí tín dụng cao và rủi ro gia tăng nợ xấu.
Việt Nam là một trong những quốc gia có tỷ lệ GDP/ tín dụng ở mức rất cao, thu nhập từ lãi của hoạt động cho vay là một thu nhập trong yếu. Khi các ngân hàng suy giảm chất lượng nợ, thoái lãi dự thu, gặp rủi ro về an ninh giao dịch… thì phải trích lập nhiều hơn, gây ảnh hưởng tới lợi nhuận ngân hàng.
Tại phiên họp Chính phủ họp phiên thường kỳ ngày 5/5, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết đến 25/4, tín dụng toàn nền kinh tế tăng 2,75% so với cuối năm ngoái (trong khi cùng kỳ năm trước hơn 5%), trong đó tín dụng bất động sản tăng 3,51%
Lý giải nguyên nhân về tín dụng tăng chậm, Thống đốc NHNN cho biết tình trạng diễn ra trong bối cảnh các ngân hàng không chịu hạn chế bởi hạn mức tăng trưởng tín dụng và trong điều kiện thanh khoản hệ thống được cải thiện. Điều đó cho thấy sức hấp thụ vốn thấp.
Theo đó, các doanh nghiệp không có đầu ra, đơn hàng giảm nên nhu cầu và vốn giảm, có những doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn nhưng do suy yếu trong thời gian chịu tác động bởi COVID-19 nên không đủ điều hiện vay vốn. Còn tín dụng bất động sản gặp khó khăn chủ yếu do yếu tố pháp lý nên tăng không cao như thời gian trước đây.
Chia sẻ tại diễn đàn toàn cảnh ngành ngân hàng năm 2023, ông Lê Thanh Tùng, Thành viên HĐQT VietinBank, cho biết khó khăn của doanh nghiệp và người dân tác động trực tiếp đến hệ thống ngân hàng.
"Với các ngân hàng thương mại nhà nước như VietinBank phải giảm lãi suất để hỗ trợ khách hàng. Rất may Thông tư 02 giúp các ngân hàng giãn thời gian trích lập dự phòng, giúp gia tăng thời gian phục hồi. Cá nhân chúng tôi cũng có sự báo và định hướng phù hợp nên kết quả quý I vẫn bảo đảm sự tăng trưởng, chất lượng nợ vẫn trong tầm kiểm soát," ông Tùng cho hay.
Ông Nguyễn Đức Thái Hân, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB), nhận định khó khăn của ngành ngân hàng là phải điều chỉnh tăng trưởng gắn với kiểm soát nợ xấu. Với Thông tư 02, một phần rủi ro đang chuyển từ doanh nghiệp sang ngân hàng, trong khi bản thân ngân hàng cũng hoạt động như một doanh nghiệp trong một lĩnh vực kinh doanh đặc biệt.
“Nếu không cẩn thận, khó khăn của nền kinh tế sẽ dồn hết vào ngân hàng”
Năm 2022 và những tháng đầu năm 2023 là khoảng thời gian nền kinh tế có nhiều biến động nhanh với nhiều sự kiện chưa có tiền lệ trong nhiều thập kỷ.
Theo Phó Thống đốc NHNN Phạm Thanh Hà, việc điều hành chính sách tiền tệ, đặc biệt là các công cụ điều hành lãi suất, tỷ giá, tín dụng gặp rất thách thức để xử lý hài hòa nhiều mục tiêu mâu thuẫn nhau.
Những vấn đề mâu thuẫn được kể đến như làm sao để vừa hỗ trợ kinh tế phục hồi mà vẫn đảm bảo kiểm soát lạm phát; vừa giảm áp lực mất giá mạnh của VND trong khi đồng USD tăng giá mạnh mà vẫn phải giữ ổn định mặt bằng lãi suất; vừa đảm bảo an toàn hệ thống trong khi vẫn phải đảm bảo nhu cầu tín dụng cho nền kinh tế.
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng (VNBA) cho biết NHNN "đang đi trên dây", vừa điều hành vĩ mô, kiểm soát lạm phát, vừa hỗ trợ giảm lãi suất, tăng trưởng kinh tế, hỗ trợ doanh nghiệp.
Tuy nhiên, ông Hùng cũng cảnh báo, nếu không cẩn thận khó khăn của doanh nghiệp dồn hết vào hệ thống ngân hàng thì thời gian tới ngân hàng sẽ là đối tượng khó khăn và ảnh hưởng ngược lại đến doanh nghiệp.
"Chúng tôi cũng kêu gọi giảm chi phí, giảm lãi để hỗ trợ doanh nghiệp nhưng sao có thể hỗ trợ mãi. Doanh nghiệp khó khăn không có đơn hàng thì làm sao tăng trưởng tín dụng", ông Hùng đặt vấn đề.
Theo Tổng thư ký VNBA, trong thời gian vừa qua, NHNN đã chủ động điều hành chính sách tiền tệ và đã có những giải pháp điều hành kinh tế vĩ mô.
Đánh giá về các giải pháp đối với thị trường vốn trong giai đoạn này, TS. Võ Trí Thành nhấn mạnh, bối cảnh này đòi hỏi phải phát triển lành mạnh, bền vững thị trường vốn, trong đó có thị trường trái phiếu và chứng khoán.
Về chính sách tiền tệ, nếu NHNN không được tự chủ mà phải "theo đuôi" chính sách tài khoá thì hiệu quả khó đảm bảo và cũng không thực hiện được các mục tiêu điều hành của mình.
(Trích Đặc san Doanh nhân Việt Nam số tháng 6/2023)