Ngăn triều cường tại TP.HCM có thể tiêu tốn hết 52% GDP của Việt Nam
Theo ước tính của HSBC, kế hoạch ngăn nước biển dâng ở TP.HCM có thể làm tiêu tốn tới 52% GDP năm 2050 của Việt Nam. Đây sẽ là mức chi phí trên tổng GDP năm 2050 để bảo vệ ngăn nước biển dâng đắt đỏ nhất Đông Nam Á.
Theo báo cáo “Khắc phục khủng hoảng kế tiếp tại châu Á” của Khối Nghiên cứu Kinh tế của ngân hàng HSBC mới đây chỉ ra cho thấy, gần 45% diện tích của TP.HCM hiện nay chỉ còn cách mực nước biển chưa tới một mét.
Ngoài ra, theo hãng nghiên cứu McKinsey Global Institute, 154 trong số 322 phường xã tại TPHCM thường diễn ra hiện tượng ngập lụt thường xuyên.
Tình trạng biến đổi khí hậu đang ngày càng được khẳng định là cuộc khủng hoảng thế kỷ chứ không phải là Covid-19
Điều này được cho là sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế của Việt Nam, khi mà TP.HCM đang là nền kinh tế lớn nhất Việt Nam đóng góp vào GDP cả nước 26% năm 2019.
Theo ước tính của HSBC một kế hoạch xây dựng đê và tường chắn biển, để bảo vệ TP.HCM khỏi triều cường sẽ tiêu tốn của Việt Nam khoảng 52% GDP năm 2050 của Việt Nam.
Đây sẽ là mức chi phí trên tổng GDP năm 2050 để bảo vệ ngăn nước biển dâng đắt đỏ nhất trong khu vực nếu so với các thành phố lớn khác như Bangkok, Mumbai, Manila…
Theo báo cáo của HSBC tình trạng biến đổi khí hậu đang được coi là cuộc khủng hoảng thế kỉ của khu vực Châu Á chứ không phải là Covid-19. Các thành phố đang bị hiện tượng nước biển dâng đe doạ, trong khi vấn đề thời tiết thất thường đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình an ninh lương thực.
Một số nền kinh tế trong khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi tình trạng biến đổi khí hậu, trong đó các nước Ấn Độ, Indonesia và Philippines đã phải đối mặt với những thách thức to lớn trong việc giảm nghèo và cải thiện khả năng tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe, giáo dục, thực phẩm an toàn và nước uống. Việc bỏ qua tác động của con người lên tình hình biến đổi khí hậu sẽ trì hoãn khả năng giảm bớt sự bất bình đẳng và đạt được tăng trưởng bền vững trong dài hạn.
Mực nước biển dâng cao đang gây ảnh hưởng đến các thành phố châu Á, có khả năng làm giảm GDP của các nước Trung Quốc, Ấn Độ và Indonesia mỗi năm thêm khoảng 0.2-0.9% trong những thập kỷ tới. Theo NASA, mực nước biển đã tăng tổng cộng 6.5cm từ năm 1993 đến năm 2014 khi băng ở hai cực tan chảy và do nước ấm thêm. Theo dự báo, mực nước biển còn có thể tăng lên 65cm vào năm 2100. Châu Á có 15 trong số 20 thành phố dễ bị mực nước biển dâng trên toàn thế giới tác động nhất.
Thủ đô Jakarta đã thấp hơn mực nước biển bốn mét trong vòng 30 năm qua và trong thập kỷ qua Chính phủ Indonesia đang chi 33 tỷ USD để xây dựng một thành phố thủ đô mới cùng các biện pháp giảm thiểu khác. Ở Philippines, thủ đô Manila mỗi năm thấp hơn mực nước biển 10cm. Gần 45% diện tích Thành phố Hồ Chí Minh chỉ còn cách mực nước biển chưa đến một mét. Ngoài ra, 154 trong số 322 phường xã tại TPHCM thường diễn ra hiện tượng ngập lụt thường xuyên (nguồn: McKinsey Global Institute, tháng 4.2020). Điều này có ý nghĩa nghiêm trọng, với tầm quan trọng của thành phố đối với Việt Nam khi có đến 9 triệu người và đóng góp vào GDP cả nước đến 26% trong năm 2019. Một kế hoạch bảo vệ toàn diện trong đó bao gồm việc xây dựng đê và tường chắn biển có thể tiêu tốn tới 52% GDP của Việt Nam năm 2050.
Theo Ngân hàng Thế giới, sẽ có khoảng 37 triệu người ở Đông Á và Đông Nam Á - chiếm 2% dân số - sẽ bị ảnh hưởng bởi mực nước biển dâng cao lên thêm một mét. Mức tăng năm mét sẽ tác động đến 162 triệu người và GDP sẽ giảm 9%.
Biến đổi khí hậu cũng đã làm tăng tần suất và mức độ khắc nghiệt của thời tiết như lũ lụt, bão, hạn hán và gió mùa. Điều đó gây nguy hiểm cho an ninh lương thực lâu dài ở Ấn Độ, Trung Quốc và Đông Nam Á và từ đây châm ngòi cho tình trạng lạm phát.
Thời tiết khắc nghiệt làm trầm trọng thêm tác động của thoái hóa đất và sa mạc hóa. Năng suất cây trồng có thể giảm 7-25% trong 30-50 năm tới, đồng thời biến đổi khí hậu cũng ảnh hưởng đến đánh bắt cá và chăn nuôi gia súc. Mỗi lần thế giới tăng thêm 1°C sẽ làm giảm 10% năng suất cây trồng của Trung Quốc đại lục do thời gian trồng trọt bị rút ngắn. Thay đổi mô hình gió mùa có thể làm giảm GDP bình quân đầu người của Ấn Độ giảm xuống còn 2.8% vào năm 2050.
Tuy nhiên, chính các quốc gia tại châu Á là một tác nhân gây ra vấn đề khí hậu. Riêng Trung Quốc đã chiếm 60% sự gia tăng khí nhà kính trên toàn cầu kể từ năm 1990.
Phá rừng là nguyên nhân góp phần tạo ra lượng khí thải lớn ở Đông Nam Á khi đô thị hóa gia tăng và đất đai được chuyển sang khai thác trồng trọt, đặc biệt là các sản phẩm phổ biến như dầu cọ.
Tuy nhiên, sản xuất năng lượng chiếm 3/4 lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính toàn cầu và than đá đang được sử dụng để tạo ra 61% điện năng của toàn châu Á. Theo như các kế hoạch trước đây, việc các quốc gia đang sử dụng than ngày càng nhiều thêm, bất chấp các lựa chọn tái tạo có chi phí thấp khác và 75% công suất phát điện mới ở các quốc gia ASEAN sẽ dựa trên than.
Tác động đến nhu cầu năng lượng từ dịch bệnh Covid-19 cùng với các giải pháp thay thế năng lượng tái tạo ngày càng hiệu quả về chi phí đang đem lại cho các nhà hoạch định chính sách một cơ hội xem xét lại các kế hoạch sản xuất năng lượng.
Giải quyết được hiện trạng sản xuất năng lượng nặng phát thải là rất quan trọng để thế giới tiến gần hơn đến mục tiêu của Thỏa thuận Paris là hạn chế sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu lên 1.5°C.
Tất cả các nền kinh tế châu Á đã cam kết một số hình thức giảm phát thải nhưng không phải tất cả đều đạt được mục tiêu của mình. Trong khi tốc độ tăng phát thải đã giảm xuống kể từ khi thỏa thuận khí hậu được ký kết vào năm 2015, vẫn còn có các ngoại lệ bao gồm ba trong số các nền kinh tế phát triển nhanh nhất châu Á - Việt Nam, Bangladesh và Ấn Độ.
Hải An (t/h)