Ngành dệt may và da giày trong nước cần làm gì trước tác động của thuế quan Mỹ?

Cơn chấn động thuế quan tác động tới mọi lĩnh vực của ngành dệt may, da giày - Hình minh họa Pexels.
Thuế quan cao đe dọa ngành chủ lực của Việt Nam
Ngành dệt may, da giày đóng vai trò quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế Việt Nam và liên tục xếp hạng cao về kim ngạch xuất khẩu cũng như nhu cầu sử dụng lao động. Năm ngoái, tổng kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm dệt may, da giày của Việt Nam vượt 71 tỉ đô la Mỹ, tăng 10-11% so với năm 2023. Trong tổng số đó, hơn 1/3 là hàng xuất đi Mỹ, tiếp theo là các thị trường lớn khác như Nhật Bản, Liên minh châu Âu (EU), Hàn Quốc, Trung Quốc và ASEAN.
Cô Corinna Joyce, Chủ nhiệm ngành Cử nhân Quản trị doanh nghiệp thời trang tại Đại học RMIT Việt Nam, nhận xét: “Giá cả cạnh tranh, độ tin cậy, chính sách thuận lợi của Chính phủ, tính linh hoạt và khả năng giao hàng đúng hạn đã đóng góp đáng kể vào sự tăng trưởng nhanh chóng của ngành dệt may, da giày Việt Nam. Hơn nữa, các yếu tố như tình hình chính trị bất ổn ở các quốc gia cạnh tranh như Bangladesh và Myanmar cũng như nhu cầu cao trong nước, đã giúp ngành này hưởng lợi”.
Năm nay, ngành dệt may Việt Nam đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 48 tỉ đô la Mỹ, còn ngành da giày đặt mục tiêu đạt 29 tỉ đô la Mỹ. Tuy nhiên, những điều chỉnh thuế quan gần đây của Mỹ đã dấy lên nhiều lo ngại.
Bắt đầu từ ngày 5/4/2025, tất cả các sản phẩm dệt may, da giày của Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ đều bị áp thêm 10% thuế. Điều này đang tạo ra sự mất cân bằng trong động lực thương mại của Việt Nam khi mức thuế trung bình đã tăng ba lần từ 5% lên 15%.
Sau 90 ngày, nếu mức thuế "đối ứng" tăng lên 46%, mức thuế mới sẽ vượt quá 51% (tùy thuộc vào loại sản phẩm), tức là tăng gấp 10 lần so với mức thuế hiện tại. Hơn nữa, điều này sẽ ảnh hưởng đến tất cả các sản phẩm trong ngành dệt may, da giày – từ quần áo may mặc, giày dép, đồ thể thao, đến các mặt hàng dùng trong nội thất nhà cửa và ô tô, v.v.
Ngành dệt may, da giày Việt Nam hiện phụ thuộc rất nhiều vào nhà cung cấp nước ngoài từ Trung Quốc, Hồng Kông và Hàn Quốc về nguyên liệu thô như vải và vật liệu trang trí. Ví dụ, năm 2023, tổng giá trị vải nhập khẩu vào Việt Nam là 13,2 tỉ đô la Mỹ, tương đương hơn 33% tổng giá trị các mặt hàng dệt may xuất khẩu. Hơn nữa, việc Việt Nam phụ thuộc quá nhiều vào một số ít thị trường xuất khẩu (trong đó Mỹ là thị trường số một) khiến ngành dễ bị ảnh hưởng bởi những thay đổi về thuế quan và biến động địa chính trị.
Phó giáo sư Rajkishore Nayak, giảng viên ngành Quản trị doanh nghiệp thời trang tại RMIT, nhấn mạnh rằng mặc dù Việt Nam tham gia vào 17 hiệp định thương mại tự do (FTA), nhưng chưa có FTA mà mới chỉ có hiệp định thương mại song phương với Mỹ. Do đó, việc tăng thuế sẽ làm giảm khả năng cạnh tranh về giá của hàng hóa Việt Nam khi vào thị trường Mỹ, khiến hàng Việt kém hấp dẫn hơn so với các sản phẩm từ Ấn Độ và Bangladesh – những quốc gia được hưởng mức thuế quan thấp hơn. Tuy nhiên, Việt Nam sẽ có lợi thế cạnh tranh so với nước láng giềng Campuchia và Lào (có thể chịu mức thuế đối ứng lần lượt là 49% và 48%).
“Việc tăng thuế có thể khiến giá sản phẩm tăng và kim ngạch xuất khẩu giảm, có khả năng góp phần gây ra lạm phát. Thuế cao sẽ làm gián đoạn chuỗi cung ứng của các nhà sản xuất dệt may, da giày tại Việt Nam, khiến các thương hiệu Mỹ hiện đang nhập khẩu từ Việt Nam có thể tìm kiếm nhà cung cấp thay thế từ các quốc gia khác”, Phó giáo sư Nayak cho biết.
“Ngoài ra, tác động có thể lan tỏa đến nhiều doanh nghiệp hiện đang phụ thuộc vào nguyên liệu từ Việt Nam để sản xuất giá trị gia tăng, bao gồm cả doanh nghiệp sản xuất ở Mỹ”.
Những việc cần làm ngay
Để ứng phó với mối đe dọa ngày càng tăng từ việc Mỹ tăng thuế, ngành dệt may, da giày Việt Nam đứng trước thời điểm quan trọng buộc doanh nghiệp phải hành động ngay lập tức, đồng thời cần thay đổi trong trung hạn đến dài hạn để xây dựng khả năng phục hồi mạnh mẽ hơn trước các mối đe dọa bên ngoài.
Mức thuế quan điều chỉnh cho thấy ngành dệt may, da giày Việt Nam nên thay đổi theo hướng tự chủ về nguyên liệu thô, phát triển các quy trình sản xuất có đạo đức, đầu tư vào tự động hóa và trí tuệ nhân tạo (AI), đa dạng hóa các loại sản phẩm và tìm kiếm các thị trường thay thế ở châu Á, châu Đại Dương và EU.
Phó giáo sư Nayak nhấn mạnh: “Để bớt phụ thuộc vào thị trường Mỹ, ngành dệt may, da giày Việt Nam nên ưu tiên các mục tiêu chiến lược dài hạn bao gồm đa dạng hóa thị trường xuất khẩu và sản phẩm, đầu tư vào công nghệ, sản xuất xanh và tập trung vào các sản phẩm bền vững”.

Phó giáo sư Rajkishore Nayak (trái) và cô Corinna Joyce (phải) đến từ ngành Quản trị doanh nghiệp thời trang, Đại học RMIT Việt Nam.
Các hiệp hội doanh nghiệp của cả Mỹ và Việt Nam đang triển khai các biện pháp ngắn hạn, đồng thời vạch ra chính sách dài hạn. Một số hiệp hội đã bày tỏ cam kết tăng cường hợp tác và hỗ trợ doanh nghiệp nhằm minh bạch hóa chuỗi cung ứng và tuân thủ các chính sách của Mỹ.
Theo một hiệp hội đại diện cho ngành bông của Mỹ tại Việt Nam, các nỗ lực của họ hiện đang tập trung vào việc hỗ trợ ngành dệt may hiểu được những lợi thế của bông Mỹ thông qua các sự kiện kết nối kinh doanh, dịch vụ kỹ thuật, cũng như các chương trình tập trung vào tính bền vững và truy xuất nguồn gốc.
“Trước những bất ổn hiện tại về thuế đối ứng, chúng tôi vẫn cam kết cung cấp thông tin cập nhật đáng tin cậy cho các đối tác và người sử dụng bông Mỹ tại Việt Nam. Chúng tôi đang hỗ trợ các nhà máy và nhà sản xuất tham gia chương trình US Cotton Trust Protocol để đảm bảo tính minh bạch của chuỗi cung ứng và tuân thủ các quy định đang thay đổi của Mỹ. Những sáng kiến này nhằm mục đích tăng cường khả năng phục hồi và tính bền vững của ngành”, một đại diện của hiệp hội này cho biết.
Trong khi đó, Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) đã ghi nhận sự xáo trộn trong chuỗi cung ứng khi thuế quan mới được công bố. Việc trì hoãn triển khai trong 90 ngày đã cho ngành thêm thời gian để điều chỉnh.
“Hiện tại, các thương hiệu và nhà sản xuất đang tích cực đẩy nhanh các lô hàng để tối đa hóa các cơ hội trong khoảng thời gian quan trọng này. Giai đoạn này cũng cho phép các bên liên quan trên toàn bộ chuỗi cung ứng tăng cường phối hợp, tối ưu hóa hoạt động và củng cố cam kết giao hàng đúng hạn. Cả ngành vẫn chủ động, kiên cường và tập trung vào việc duy trì mối quan hệ chặt chẽ với các đối tác quốc tế, đồng thời thích ứng với môi trường thương mại đầy biến động này”, bà Nguyễn Thị Tuyết Mai, Phó Tổng thư ký VITAS cho biết.
Trao đổi với các nghiên cứu viên của RMIT, đại diện một doanh nghiệp xuất khẩu hàng dệt may sang Mỹ tại TP. Hồ Chí Minh cho biết, họ đang tích cực phối hợp với người mua và đối tác để hiểu rõ và tuân thủ các chính sách thuế quan. Ưu tiên trước mắt của họ là đẩy nhanh các lô hàng theo hợp đồng hiện có trước khi thời hạn 90 ngày kết thúc.
“Đồng thời, chúng tôi đang đẩy nhanh đầu tư vào khả năng truy xuất nguồn gốc và đa dạng hóa danh mục thị trường để giảm phụ thuộc vào bất kỳ khu vực nào, cũng như củng cố vị thế toàn cầu của mình”, đại diện này cho biết.

Xuất xứ của nguyên liệu thô như các loại sợi trong sản xuất dệt may đang ngày càng được chú trọng - Hình minh họa Unsplash.
Để bù đắp tác động của thuế quan, các doanh nghiệp cũng có thể tập trung vào việc thúc đẩy thị trường địa phương và đa dạng hóa các dòng sản phẩm để khai thác nhu cầu tiêu dùng ngày càng tăng trên khắp khu vực ASEAN.
“Đối với các nhà sản xuất, việc nhắm mục tiêu vào các thương hiệu khu vực tại thị trường châu Á và đưa sản xuất đến gần hơn với người tiêu dùng tại khu vực này là một hướng đi khả thi để mở rộng và đa dạng hóa thị trường”, cô Corinna Joyce từ Đại học RMIT nói.
Liên quan tới các chiến lược trung hạn đến dài hạn, Phó giáo sư Nayak cho rằng việc đầu tư vào phát triển kỹ năng và các tiến bộ công nghệ là điều bắt buộc để nâng cao năng lực toàn ngành và thúc đẩy tăng trưởng bền vững.
Ông giải thích: "Nhiều công nghệ đa dạng như nhận dạng tần số vô tuyến (RFID), tự động hóa, robot, AI, blockchain và xét nghiệm đồng vị có thể trở nên hữu ích. Tuy nhiên, việc triển khai các công nghệ này đòi hỏi đầu tư ban đầu, cơ sở hạ tầng và nhân sự có tay nghề cao để vận hành và bảo trì”.
Việc áp dụng các phương pháp sản xuất xanh hơn và đạt được các chứng nhận, chẳng hạn như các chứng nhận theo yêu cầu của Chỉ thị chung về an toàn sản phẩm (GPSD) và Quy định REACH của EU – cũng có thể tạo sự khác biệt cho các sản phẩm của Việt Nam. Bằng cách đáp ứng các tiêu chuẩn nghiêm ngặt về an toàn, sử dụng hóa chất, chất lượng và dán nhãn do EU và các nước khác đặt ra, Việt Nam có thể tăng kim ngạch xuất khẩu sang các thị trường này.
Cuối cùng, các cuộc đàm phán sẽ đóng vai trò tối quan trọng trong giai đoạn 90 ngày.
“Song song với việc lãnh đạo Chính phủ Việt Nam đàm phán với người đồng cấp Mỹ, các doanh nghiệp dệt may, da giày nên đàm phán với người mua của họ để tìm ra giải pháp tốt nhất nhằm duy trì đơn hàng, giảm thiểu doanh thu và mất việc làm”, Phó giáo sư Nayak nhấn mạnh.