Ngành nông nghiệp khó lạc quan trong năm 2020

15:48 | 07/02/2020 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
(DNVN) - Đây là nhận định của TS. Đặng Kim Sơn, nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn về những ảnh hưởng của dịch cúm corona đối với ngành nông nghiệp Việt tại Tọa đàm Trực tuyến “Virus Corona tác động thế nào tới kinh tế Việt Nam?” mới đây.

Giới chuyên gia cảnh báo dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp gây ra bởi chủng virus Corona mới sẽ tàn phá nền kinh tế toàn cầu. Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh này. Đặc biệt là ngành nông nghiệp khi hiện nay có tới 70% kim ngạch nông sản thô xuất khẩu của Việt Nam là thị trường Trung Quốc. Trong những ngày qua, hàng nghìn tấn thanh long, dưa hấu không thể xuất khẩu và bị tắc ở biên giới.  Trong thời gian tới, ngành nông nghiệp của Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng do thiếu đầu ra.

Ngành nông nghiệp khó lạc quan trong năm 2020 - ảnh 1
 Ngành nông nghiệp khó lạc quan trong năm 2020.
Nói về những tác động do dịch virus Corona, TS. Đặng Kim Sơn cho rằng vấn đề lo lắng nhất của nông sản Việt Nam và người nông dân vẫn là vấn đề thị trường. Dịch Corona tác động tới nông nghiệp theo 2 hướng. Thứ nhất là cầu. Hiện tại thị trường gần nhất và lớn nhất của chúng ta là Trung Quốc bị tác động trực diện từ Corona. Điều này khiến cầu của thị trường sẽ trở về với những sản phẩm cơ bản như lương thực thực phẩm, và bỏ qua những sản phẩm khác như hoa quả...
Bên cạnh đó, nhu cầu giảm thêm một lần nữa từ những ảnh hưởng do việc buôn bán cũng hạn chế như chuỗi siêu thị, hệ thống bán lẻ ngưng trệ khiến cho cầu giảm. Trong khi đó, giao thương bị gián đoạn do dịch bệnh, “ngăn sông cấm chợ” khiến chi phí giao dịch cao, mặt hàng tươi sống của Việt Nam sẽ không bảo quản được.
Thứ hai kết cấu sản xuất tiêu dùng trong nước trong ngắn hạn không thể thay đổi ngay được để đáp ứng nhu cầu từ thị trường này.
Mặt khác, theo TS. Sơn, chưa tính đến dịch bệnh này, từ đầu năm 2020, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã dự báo năm 2020 sẽ là năm khó khăn của ngành nông nghiệp. Ví dụ như dịch tả lợn châu Phi khiến cho người chăn nuôi lao đao trong năm 2019 thì đến năm 2020 vẫn còn rất nhiều tác động khác như khó khăn kỹ thuật, tái đàn, vốn… Hay như tình trạng hạn hán trên sông Mekong năm nay sẽ gay gắt, lâu lắm không diễn ra tình trạng này. Dịch virus Corona nổi lên đã che mất những tác động này nhưng về cơ bản vẫn là những khó khăn chúng ta phải vượt qua. Như vậy, khó khăn chồng khó khăn và khó có thể nói chúng ta lạc quan về nông nghiệp trong năm nay nay được.
Tuy nhiên, theo TS. Đặng Kim Sơn, chúng ta không thể trông đợi nhiều vào sự hỗ trợ của Nhà nước, có thể là những hỗ trợ tạm thời như khoanh vốn, giảm thuế, mở kênh phân phối… Về dài hạn chúng ta phải làm căn cơ hơn như đa dạng hóa thị trường, xây dựng chuỗi giá trị từ nơi sản xuất đến tiêu thụ cuối cùng, chuyển sản xuất manh mún sang quy mô lớn… tất cả đều là những vấn đề đã được nhắc đến rất nhiều mà chưa làm được.
Ngành nông nghiệp khó lạc quan trong năm 2020 - ảnh 2
 TS. Đặng Kim Sơn, nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn.
Chia sẻ thêm về vấn đề hỗ trợ của Nhà nước khi dịch virus Corona tác động nặng nề đến nền kinh tế, TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và chính sách (VEPR) cho rằng, khi nền kinh tế xảy ra những rủi ro vĩ mô và bất khả kháng, đối tượng trực tiếp chịu rủi ro là doanh nghiệp. Họ sẽ phải chấp nhận chuyển đổi thị trường, thậm chí chấp nhận thất bại và phục hồi. Tiếp theo đó mới đến các chính sách hỗ trợ của Nhà nước.
Do đó, TS. Thành nhấn mạnh, Nhà nước cần thận trọng khi sử dụng các chính sách hỗ trợ thông qua công cụ vĩ mô như tiền tệ, tài khóa, tín dụng. Hỗ trợ cần trúng và đúng ngành thiệt hại để tránh hiện tượng chảy sang các ngành khác hoặc hỗ trợ kém hiệu quả. Thay vì vội vàng trong việc sử dụng các công cụ tài chính, vĩ mô; các cơ quan chức năng nên đánh vào các biện pháp hỗ trợ vi mô trong nội bộ ngành, thị trường nhất định để hỗ trợ, khơi thông trong tổ chức ngành, giúp doanh nghiệp có thêm những giải pháp mới mang tính kỹ thuật và đặc thù của ngành. Các giải pháp vĩ mô mới mang tính hiệu quả hơn cả trong bối cảnh ngành bị tổn thương vì rủi ro nhất định.
Về phía ngân hàng, theo TS. Thành, các biện pháp điều chỉnh tỷ giá và lãi suất đều cần thận trọng trong lúc này do có thể tác động đến nhiều ngành khác thay vì ngành bị tổn thương nặng nề hơn như du lịch hay nông sản. Việc sử dụng công cụ tỷ giá có thể không có giá trị cụ thể trong bối cảnh hiện tại và gây ra tác động đến toàn nền kinh tế.
Vì vậy, sử dụng công cụ tín dụng cần có sự chọn lọc nhất định, vốn cần được bơm vào các doanh nghiệp bị ảnh hưởng cụ thể vì dịch virus Corona (doanh nghiệp du lịch, xuất khẩu nông sản...0). Nhưng vẫn có nguy cơ vốn rò rỉ sang lĩnh vực khác hoặc ngành khác. Do đó, cơ quan nhà nước nên đặc biệt thận trọng trong việc sử dụng các công cụ vĩ mô như vậy. Trong bối cảnh hiện tại, TS. Thành cho rằng các giải pháp vi mô là hiệu quả và cần thiết hơn.