Ngành tôm ổn định sản xuất chờ cơ hội phục hồi

Xuân Anh (TTXVN) 07:41 | 22/07/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Mặc dù gặp nhiều khó khăn do suy giảm nhu cầu tiêu dùng trên diện rộng nhưng Việt Nam đang giữ được vị trí là nhà cung cấp tôm lớn thứ 2 trên thế giới.

Với việc các thị trường nhập khẩu có tín hiệu khả quan hơn trong những tháng tới, ngành tôm vẫn đặt kỳ vọng sẽ tiệm cận mục tiêu xuất khẩu 4 tỷ USD cho năm 2023. Đây là thông tin được các chuyên gia chia sẻ tại Diễn đàn Kết nối sản xuất, chế biến và xuất khẩu tôm nước lợ Việt Nam do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức tại TP Hồ Chí Minh, chiều ngày 21/7. 

Tôm Việt Nam đã được xuất khẩu đến khoảng 100 quốc gia và vùng lãnh thổ. Ảnh tư liệu: Huỳnh Anh/TTXVN

Ông Ngô Thế Anh, Trưởng phòng Nuôi trồng thủy sản (Cục Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết: Ngành tôm đóng vai trò quan trọng trong xuất khẩu thủy sản Việt Nam trong suốt 2 thập kỷ qua. Hàng năm, ngành tôm đóng góp khoảng 40 - 45% tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu thủy sản Việt Nam, tương đương 3,5 - 4 tỷ USD.

Hiện tại, tôm Việt Nam đã được xuất khẩu đến khoảng 100 quốc gia và vùng lãnh thổ, với 5 thị trường lớn gồm châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc. Việt Nam đã trở thành nước cung cấp tôm đứng thứ 2 thế giới với giá trị xuất khẩu chiếm 13 - 14% tổng giá trị xuất khẩu tôm của toàn thế giới.

Về nguyên liệu chế biến, trong 5 năm trở lại đây, ngành tôm duy trì diện tích nuôi tương đối ổn định ở mức hơn 700.000 ha, phát triển tại một số vùng nước lợ. Mức độ thâm canh/ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ nuôi mới vào sản xuất đã được chú trọng nhưng chưa cao; chưa chủ động nguồn giống, còn phụ thuộc nguồn tự nhiên và nhập khẩu. Bên cạnh đó, liên kết trong chuỗi tôm còn lỏng lẻo, giá thành sản xuất cao, năng lực cạnh tranh thấp...

Trong 6 tháng đầu năm 2023, diện tích thả nuôi tôm nước lợ của cả nước đạt 656.000 ha, tăng 6,4% so với cùng kỳ năm ngoái; trong đó, diện tích tôm sú 605.000 ha, tôm thẻ chân trắng 51.000 ha. Sản lượng tôm nước lợ của cả nước đạt 467.000 tấn, tăng 4,1% so với cùng kỳ năm 2022, đảm bảo nguồn cung nguyên liệu cho chế biến, xuất khẩu.

Theo Cục Thuỷ sản, nửa cuối năm 2023, ngành tôm tập trung tiếp tục duy trì diện tích nuôi, thả bổ sung diện tích đã thu hoạch theo kế hoạch với mục tiêu đạt 563.000 tấn tôm nguyên liệu. Để đảm bảo nguồn cung cho chế biến, xuất khẩu những tháng cuối năm, ngành thuỷ sản tập trung duy trì sản xuất, ổn định tâm lý người nuôi kết hợp với việc hướng dẫn kỹ thuật thả nuôi, thu hoạch..Đồng thời phối hợp với các địa phương tìm cách giảm chi phí trung gian, thức ăn, vật tư đầu vào, giảm giá thành sản phẩm để duy trì sản xuất và đảm bảo kế hoạch của năm.

Ông Lê Thanh Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, hiện nay, cả nước đã có hơn 370 cơ sở chuyên chế biến và có kết hợp chế biến tôm đủ điều kiện xuất khẩu tôm với công suất trên 1,7 triệu tấn nguyên liệu/năm.

Các doanh nghiệp chế biến tôm tập trung chủ yếu tại các tỉnh Nam Trung Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long đều đáp ứng các quy định khắt khe của thị trường nhập khẩu về an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm. Mặt hàng tôm Việt Nam đã được chế biến đa dạng về mẫu mã và hình thức đáp ứng nhu cầu thị trường tiêu thụ, nhiều sản phẩm có giá trị gia tăng cao (tôm tẩm bột, tôm Nobashi, Sushi, Tempura…), qua đó, áp ứng được cả thị trường khó tính, nhất là Nhật Bản.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp đã tận dụng một số phụ phẩm tôm để sản xuất các sản phẩm giá trị gia tăng cao cấp như chitin, chitosan, glucosamine, astaxanthin... Do vậy, tôm vẫn tiếp tục được coi là sản phẩm có lợi thế cạnh tranh cao và là một trong những mặt hàng xuất khẩu chiến lược của nước ta.

Nửa đầu năm 2023, xuất khẩu tôm chỉ mới đạt 1,56 tỷ USD, giảm gần 32% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, các chuyên gia đều nhận định thị trường tôm đang có xu hướng ấm dần lên, dự báo trong các tháng cuối năm 2023, yếu tố lạm phát, lượng hàng tồn kho ở các thị trường có xu hướng giảm và nhu cầu tăng cho các lễ hội cuối năm tăng, sẽ giúp cho xuất khẩu mặt hàng tôm tăng trở lại.

Ông Trương Đình Hoè, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam phân tích: Tại thời điểm này, các quốc gia ở nam bán cầu đã qua vụ thu hoạch tôm, các nước bắc bán cầu như Việt Nam, Ấn Độ bắt đầu vào vụ thu hoạch, nguồn tôm trên thị trường không còn dồi dào, nên giá tôm có thể tăng lên. Thêm vào đó, trong nửa đầu năm, Ecuador đã bán rất nhiều tôm, nhất là sang Trung Quốc. Vì vậy, trong nửa cuối năm, khi mà Ecuador không còn thu hoạch tôm, lượng tôm tồn kho của nước này không còn nhiều sẽ thúc đẩy sự tăng giá tôm trên toàn cầu. 

Về tiêu thụ, thị trường Mỹ, nơi chủ yếu sử dụng các sản phẩm chế biến có giá trị gia tăng cao đang có tín hiệu khả quan cho việc đẩy mạnh xuất khẩu những tháng cuối năm. Bên cạnh đó, Việt Nam vẫn giữ vững vị trí nhà cung cấp tôm hàng đầu tại thị trường Nhật Bản. Đối với thị trường Trung Quốc, dù phải cạnh tranh với tôm giá rẻ từ Ecuado và Ấn Độ nhưng đây vẫn là thị trường tiềm năng, còn nhiều dư địa cần được khai thác hiệu quả. 

Bà Nguyễn Hoàng Thuý, Thương vụ Việt Nam tại Bắc Âu chia sẻ: Xu hướng tiêu dùng của người dân ở khu vực Bắc Âu là ưu tiên các sản phẩm phát triển bền vững và bảo vệ môi trường. Mới đây EU cũng công bố triển khai “Thoả thuận xanh châu Âu” với mục tiêu kiểm soát thực phẩm từ trang trại đến bàn ăn với các tiêu chuẩn vô cùng khắt khe.

Tuy nhiên, có một lợi thế cho ngành tôm đó là người dân khu vực này có xu hướng ưu tiên sử dụng tôm làm nguồn cung cấp protein thay cho các loại thịt. Do vậy, các sản phẩm tôm đạt chứng nhận chất lượng, nhất là tôm hữu cơ, sinh thái của Việt Nam sẽ có cơ hội lớn để tăng kim ngạch. Ngoài ra, thị trường sản phẩm tiện lợi và đồ ăn sẵn cũng đang được tiêu thụ rất tốt, doanh nghiệp thuỷ sản Việt Nam có thể nghiên cứu phát triển sản phẩm giá trị gia tăng cao để khai thác thị trường hiệu quả.

Trong khi đó, ông Trần Văn Công, Tham tán nông nghiệp Việt Nam tại EU và Bỉ thông tin thêm: Trong khi các nước Tây Bắc Âu có xu hướng tiêu thụ hàng giá trị gia tăng nhiều hơn, với nguồn cung chủ yếu đến từ châu Á (Việt Nam, Ấn Độ, Indonesia, Thái Lan), khu vực Nam Âu nhu cầu có nhu cầu đa dạng hơn và thiên về nhập khẩu tôm nguyên con. Nhờ có công nghệ chế biến cao, tôm Việt Nam đã thâm nhập vào phân khúc thị trường tôm cao cấp ở châu Âu.

Ngoài những lợi thế nói trên, tôm Việt Nam còn có ưu thế hơn các đối thủ là đã có hiệp định thương mại tự do Việt Nam với châu Âu. Do đó, trong thời gian tới, thị trường tôm ở châu Âu sẽ phục hồi khi tồn kho giảm, nhà nhập khẩu tăng mua cho các lễ hội cuối năm. Điều này sẽ giúp cho xuất khẩu tôm Việt Nam sang châu Âu phục hồi trở lại.