Ngày 24/2, gần 120.000 liều vaccine COVID-19 AstraZeneca đầu tiên về đến Việt Nam
Sáng 24/2, 117.600 liều vaccine COVID-19 AstraZeneca đầu tiên trong đơn hàng 30 triệu liều về đến sân bay Tân Sơn Nhất phục vụ nhu cầu phòng chống dịch trong nước.
Được biết, lô hàng này nằm trong hợp đồng đã ký kết từ tháng 11 năm ngoái giữa AstraZeneca và Công ty Cổ phần Vacxin Việt Nam (VNVC). VNVC cho biết, sau khi thông quan, lô vaccine này có thể được chuyển thẳng đến kho đông lạnh của đơn vị này trên đường Hoàng Văn Thụ, quận Phú Nhuận. Đại diện VNVC từ chối cung cấp thông tin sâu hơn vì điều kiện bảo mật đã ký với đối tác.
Hiện chưa rõ kế hoạch của Bộ Y tế đưa lô vaccine này vào tiêm chủng như thế nào. Trước đó ngày 27/2, Bộ Y tế công bố 11 nhóm người được ưu tiên tiêm vaccine COVID-19 trước bao gồm: nhân viên y tế và nhân viên tham gia phòng chống dịch (Ban chỉ đạo các cấp, nhân viên của các khu cách ly, phóng viên...) được ưu tiên hàng đầu.
Vaccine Astra Zeneca. Ảnh: AFP.
Theo Bộ Y tế, vaccine được Covax Facility hỗ trợ cho Việt Nam, điều kiện bảo quản 2-8°C. Bộ Y tế tạo điều kiện mở, hỗ trợ miễn phí nhập khẩu, nhập khẩu qua cửa khẩu hàng không quốc tế Nội Bài hoặc Tân Sơn Nhất, được thông quan ngay lập tức sau khi vaccine về đến cửa khẩu hàng không và chuyển về Kho quốc gia hoặc kho khu vực trước khi chuyển xuống các tuyến dưới.
VNVC là công ty đầu tiên có vaccine COVID-19 đồng thời cũng là đơn vị duy nhất được AstraZeneca lựa chọn phân phối vaccine AstraZeneca với số lượng lớn tại Việt Nam.
Hồi tháng 1, VNVC được Bộ Y tế cấp phép xuất khẩu - nhập khẩu, kinh doanh dịch vụ bảo quản vaccine, sinh phẩm ở điều kiện lạnh 2-8 độ C, vaccine, sinh phẩm bảo quản ở điều kiện âm sâu (âm 40 đến âm 86 độ C).
Công ty này hiện có ba kho lạnh âm 86 độ C ở TP HCM, Đà Nẵng, Hà Nội có thể bảo quản 3 triệu liều vaccine cùng lúc.
Kho lạnh âm sâu bảo quản vaccine Covid-19 tại một trung tâm VNVC TP HCM. Ảnh: VNVC.
Bà Vũ Thị Thu Hà, Giám đốc Cung ứng Hệ thống VNVC, chia sẻ đơn vị này đã chuẩn bị đầy đủ các điều kiện tốt nhất để có thể tiếp nhận số lượng lớn vaccine và tiến hành tiêm chủng phục vụ hàng triệu người dân.
Hệ thống bao gồm gần 50 trung tâm tiêm chủng, hơn 50 kho bảo quản vaccine đạt chuẩn GSP trên toàn quốc, hệ thống phân phối, đội ngũ nhân sự gần 5.000 bác sĩ, điều dưỡng, nhân viên chuyên nghiệp, quy trình tiêm chủng an toàn.
VNVC sẽ sớm công bố các thông tin chi tiết về kế hoạt triển khai tiêm chủng vaccine này cũng như mức giá dịch vụ để người dân được biết.
Đây là lô vaccine Astra Zeneca đầu tiên được nhập khẩu về Việt Nam, nằm trong số 30 triệu liều mà Việt Nam đặt mua của hãng này. Ngoài ra, Liên minh vaccine toàn cầu Covax sẽ viện trợ cho Việt Nam khoảng 4,9 triệu liều vaccine AstraZeneca trong quý 1 và 2 năm 2021. Trong quý 3 sẽ có thêm 33 triệu liều.
Vaccine COVID-19 do công ty dược AstraZeneca phối hợp với Đại học Oxford (Anh) nghiên cứu và sản xuất. Đây là loại vaccine COVID-19 đầu tiên được Bộ Y tế Việt Nam cấp phép cho trường hợp khẩn cấp phòng, chống dịch.
Vaccine này đã được cấp phép lưu hành một năm hoặc nhập khẩu có điều kiện tại Philippines, Thái Lan, Anh, Việt Nam và một số quốc gia khác.
Sản phẩm của AstraZeneca tên là ChAdOx, được điều chế dựa trên công nghệ vector virus, sử dụng virus cảm cúm vô hại từ tinh tinh. Hiệu quả bảo vệ của vaccine dao động 62-90%, tùy thuộc vào liều tiêm.
Có hai liệu trình vaccine khác nhau trong thử nghiệm. Ở phác đồ một, tình nguyện viên nhận một nửa liều, sau đó ít nhất một tháng được tiêm liều đầy đủ, đạt hiệu quả 90%. Phác đồ thứ hai tiêm hai liều đầy đủ cách nhau một tháng, đạt hiệu quả 62%. Hiệu quả trung bình của hai phác đồ là 70%.
ChAdOx là một trong các ứng viên vaccine COVID-19 trên thế giới cho kết quả khả quan trong thử nghiệm giai đoạn 3 quy mô lớn. Dù hiệu quả không cao bằng các sản phẩm của đối thủ Moderna và Pfizer nhưng đổi lại, vaccine này có giá thấp, dễ vận chuyển và bảo quản hơn.
Hà Ly