Ngày chất vấn thứ hai: Giải pháp phát triển doanh nghiệp và thị trường lao động
Tại phiên chất vấn, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) nêu lên tình trạng, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu lao động thiếu trung thực, thiếu trách nhiệm với người lao động, cung cấp thông tin sai, “đem con bỏ chợ” khiến người lao động lâm vào hoàn cảnh bơ vơ, quay về nước thì mang công mắc nợ, đã nghèo lại nghèo thêm. Mặt khác ở một số thị trường lao động tốt lại có hiện tượng nhiều lao động xuất khẩu trốn việc ở công ty đã ký hợp đồng ra làm cho công ty khác hoặc ở lại nước bạn không hợp pháp làm ảnh hưởng không tốt đến mối quan hệ hợp tác lao động của nước ta với những nước này. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cho biết trách nhiệm trong việc này; giải pháp nâng cao chất lượng lao động xuất khẩu, khắc phục những bất cập.
Giải đáp câu hỏi này, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, việc đưa người lao động Việt Nam đi lao động và làm việc ở nước ngoài là chủ trương của Đảng và Nhà nước.
Tuy nhiên, cũng theo Bộ trưởng, tại các thị trường tiềm năng, thu nhập cao lại có hiện tượng lao động Việt Nam bỏ trốn, kết thúc hợp đồng nhưng không về nước, đặc biệt là thị trường Hàn Quốc với tỉ lệ bỏ trốn năm cao nhất lên tới 55%. Chính vì vậy, 4 năm liền, Hàn Quốc không ký lại biên bản ghi nhớ tuyển dụng lao động Việt Nam. Một nguyên nhân rất quan trọng theo Bộ trưởng, số lao động ở lại cao vì các chủ doanh nghiệp nước bạn cũng có nhu cầu trong khi lượng lao động hết thời hạn này có tay nghề cao, trốn được thuế, cơ hội quay trở lại khi về Việt Nam là khó... Sau một thời gian kiên trì từ hai phía, hiện tỉ lệ người Việt Nam trốn ở lại Hàn Quốc giảm xuống còn 33%.
Về thị trường lao động Saudi Arabia, theo Bộ trưởng, hiện nay có khoảng 9.000 lao động đang làm việc ở đây, chủ yếu giúp việc gia đình. Đặc thù của thị trường này rất nhạy cảm, sức ép lớn nhưng lại có thuận lợi là yêu cầu đối với lao động tương đối đơn giản, không cần nhiều ngoại ngữ, trước khi đi, các lao động còn được cấp 4.000 USD trong đó 2.000 USD dành cho doanh nghiệp và 2.000 USD dành cho người lao động. Các lao động đi xuất khẩu thị trường này phần lớn cũng khó khăn, không đi được chương trình EPS (Chương trình hợp tác với Hàn Quốc), IM Japan (Chương trình hợp tác với Nhật Bản). Tuy nhiên, về phía Bộ thì cho rằng đây là thị trường rủi ro, nảy sinh nhiều hệ lụy nên đã đưa ra một số cảnh báo với các doanh nghiệp, khuyến cáo nhân dân hạn chế đi khu vực này.
Đại biểu Dương Tuấn Quân (Bà Rịa-Vũng Tàu) nêu vấn đề, trong thời qua, nhiều văn phòng, công ty xuất khẩu lao động trái phép, công ty cò thành lập tràn lan, đăng tải thông tin tuyển dụng xuất khẩu lao động trên internet, lừa gạt lấy tiền người lao động rồi bỏ trốn. Việc này đã làm không ít người lao động lao đao, rơi vào cảnh nợ nần, đặc biệt tại vùng sâu xa, vùng núi, dân tộc thiểu số.
Còn theo đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy, Báo cáo năm 2016, 2017 của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cho thấy, qua kiểm tra 60 doanh nghiệp đưa người Việt Nam đi lao động, làm việc ở nước ngoài thì có tới 42 doanh nghiệp vi phạm.
Về việc này, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết bên cạnh việc tạo điều kiện tối đa cho người lao động được đi lao động và làm việc ở nước ngoài, Bộ cũng tạo điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp xuất khẩu lao động hoạt động trong khuôn khổ pháp luật để các doanh nghiệp tham gia sâu hơn vào các thị trường, đưa được nhiều người lao động đi làm việc tại nước ngoài.
Gần đây, việc phát triển các doanh nghiệp loại này tương đối nhanh. Tuy nhiên, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng, đây là lĩnh vực kinh doanh có điều kiện, cần hết sức thận trọng. Thời gian qua, Bộ “gỡ” được nhiều rắc rối cho doanh nghiệp nhưng cũng chấn chỉnh nhiều hoạt động của các doanh nghiệp này.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định: “Thực trạng hai đại biểu nêu là có thật. Tình trạng cò mồi, môi giới, lạm thu phí, trốn tránh trách nhiệm khi xảy ra là có. Bộ đã có bước chấn chỉnh những việc này."
Theo đó, trước hết, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có hai văn bản chỉ đạo vấn đề này. Đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ vừa ra chỉ thị giao trách nhiệm cho từng bộ, ngành trong đó có việc giải quyết những bất cập đang tồn tại của người lao động Việt Nam ở nước ngoài.
Để xử lý cũng như ngăn chặn việc này, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã tổ chức cuộc gặp mặt đối thoại với 282 doanh nghiệp xuất khẩu lao động về những khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ; đồng thời yêu cầu các doanh nghiệp khi tổ chức tìm lao động tại các địa phương phải thông báo công khai với các địa phương về nhu cầu, mức thu, lệ phí thu, địa bàn cũng như công việc của người lao động khi tiếp cận thị trường.
Bộ cũng công khai mức phí của từng địa bàn trong đó bao gồm phí môi giới, lệ phí phía nước ngoài thu, đóng góp của người lao động. Riêng đối với hai chương trình EPS (Chương trình hợp tác với Hàn Quốc), IM Japan (Chương trình hợp tác với Nhật Bản) là phi lợi nhuận.
Thời gian tới, theo Bộ trưởng, những sai phạm sẽ tiếp tục được chấn chỉnh theo hướng phối hợp chặt chẽ với các địa phương, giám sát kỹ các doanh nghiệp, thu phí công khai minh bạch, có sự phối hợp với thị trường sử dụng lao động; tạm dừng, thu hồi giấy phép đối với doanh nghiệp xuất khẩu lao động vi phạm pháp luật nhất là không đảm bảo chăm lo cho người lao động ở nước ngoài.
Đột phá giáo dục nghề nghiệp thông qua kết nối doanh nghiệp
Về vấn đề này, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định trong quá trình phát triển kinh tế-xã hội, nguồn nhân lực đóng vai trò cực kỳ quan trọng. Chất lượng nguồn nhân lực hiện còn thấp, đây cũng là một trong những nguyên nhân để năng suất lao động thấp.
"Chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam thấp thể hiện qua việc chưa theo kịp với chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Hiện nay, cơ cấu nông nghiệp đóng góp vào GDP là 15,34%; công nghiệp trên 33,34%. Trong khi đó, chuyển dịch lao động của chúng ta còn chậm, đến năm 2017 có 40,7% là lao động nông nghiệp. Đến hết tháng 4/2018, con số này là 38,6%. Lực lượng lao động nhiều như vậy nhưng đóng góp vào GDP chỉ là 15,34%," Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói.
Bộ trưởng cho rằng cơ cấu đào tạo hiện nay còn bất hợp lý. Quan trọng hơn, chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng với kỹ năng và các điều kiện đảm bảo cho người lao động một môi trường làm việc có thu nhập, an toàn, mạng lưới an sinh. Thời gian tới, việc ưu tiên giáo dục nghề nghiệp là đặc biệt quan trọng. Giáo dục nghề nghiệp, chuyển dịch cơ cấu lao động và nâng cao chất lượng lao động là quan trọng, đặc biệt với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 trong giai đoạn hiện nay.
Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, năm 2018, giáo dục nghề nghiệp được chọn là khâu đột phá. Đây là một chủ trương đặc biệt quan trọng, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Theo đó, những vấn đề cần quan tâm là: Quy hoạch lại mạng lưới giáo dục nghề nghiệp; chuyển mạnh sang tự chủ, làm động lực phát triển giáo dục nghề nghiệp đúng với Nghị quyết Trung ương 6, Nghị quyết Trung ương 7 phù hợp với yêu cầu trong Đề án đổi mới và tái cơ cấu kinh tế mà Chính phủ đã phê chuẩn. Trong đó, chuyển hẳn sang hướng mới là kết nối doanh nghiệp; doanh nghiệp và nhà trường đồng hành.
Khắc phục tình trạng chất lượng lao động thấp
Đại biểu Trần Văn Mão (Nghệ An) nêu thực trạng chất lượng lao động Việt Nam hiện nay còn rất thấp, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, cơ cấu ngành nghề đào tạo còn nhiều bất cập, thiếu lao động trình độ cao, hệ thống giáo dục hướng nghiệp, đào tạo nghề chưa đáp ứng nhu cầu thị trường lao động... Đây chính là nguyên nhân làm năng suất lao động Việt Nam thấp, thua xa so với nhiều nước trên thế giới và trong khu vực.
Đặc biệt, trước thực tế lao động phổ thông tại các doanh nghiệp đang bị máy móc dần thay thế và yêu cầu kỹ năng lao động ngày càng cao, trước cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, đại biểu Trần Văn Mão đề nghị Bộ trưởng đưa ra các giải pháp căn cơ để khắc phục những hạn chế, thách thức nêu trên trong thời gian tới.
Trả lời nội dung này, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết ngày 2/6 vừa qua, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã báo cáo Chính phủ và được Thủ tướng Chính phủ đồng ý giao cho Bộ chủ trì xây dựng Đề án để nâng cao chất lượng và điều chỉnh cơ cấu lao động phù hợp với cách mạng công nghiệp 4.0. Trong đó, một số nội dung cần quan tâm là: tập trung xử lý và tìm cách để giải quyết được 215.000 sinh viên và người lao động có trình độ đại học trở lên đang thất nghiệp; chăm lo, giải quyết và phân luồng "mạnh" lực lượng lao động vào tuổi; đào tạo và đào tạo lại người lao động đang làm việc nhưng có nguy cơ mất việc, sa thải, đặc biệt ở ba lĩnh vực: giày da, dệt may, công nghệ.
Đại biểu Huỳnh Thanh Cảnh (Bình Thuận) dẫn chứng nội dung nhiều cử tri phản ánh, kiến nghị đó là: số sinh viên tốt nghiệp ra trường vẫn thất nghiệp và xu hướng ngày càng tăng lên và ở mức cao. Năm 2015 ở mức 7,03%, năm 2016 là 7,34%, năm 2017 là 7,51%. Thực trạng trên cho thấy sự lãng phí lớn về nguồn lực xã hội và cũng là nỗi lo, nỗi bức xúc của nhiều gia đình và xã hội.
"Với trách nhiệm đứng đầu của ngành Lao động-Thương binh và Xã hội, Bộ trưởng có những giải pháp căn cơ nhằm tạo sự chuyển biến thực chất và có hiệu quả về tình trạng trên trong thời gian tới?", đại biểu Cảnh đặt câu hỏi
Giải đáp nội dung này, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết đây là hệ lụy kéo dài. Cần thực hiện đồng bộ các giải pháp: Thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương 5 về phát triển doanh nghiệp và thị trường, tạo ra việc làm mới cho thanh niên, sinh viên. Tiếp đó, cần nâng cao chất lượng phân tích, dự báo thị trường lao động làm cơ sở cung cấp nguồn nhân lực, bởi nếu không làm tốt công tác dự báo cung-cầu sẽ chỉ đào tạo được nội dung các trường cần chứ không phải thị trường lao động cần. Cần làm tốt công tác dự báo cung-cầu lao động trong khối giáo dục nghề nghiệp, thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp; xây dựng Đề án hỗ trợ thanh niên, sinh viên khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh đồng thời, cần tuyên truyền, giáo dục, vận động thanh niên tự tìm kiếm việc làm và không coi việc vào đại học là con đường duy nhất trong lập thân, lập nghiệp.
"Khuyến khích xã hội học tập, học cao, học rộng nhưng cũng cần vận động thanh niên tự lựa chọn việc làm phù hợp với năng lực, sở trường, khả năng của chính mình", Bộ trưởng nhấn mạnh.