Nghệ An: Xác xơ cảnh họp chợ mùa Covid 19
Trong đợt bùng phát dịch bệnh Covid-19 lần này, nhiều chợ truyền thống tại TP.Vinh phải đóng cửa để đảm bảo công tác phòng chống dịch; một số chợ khác cũng đang giãn thời gian hoạt động, hạn chế lượng người ra - vào chợ. Điều này khiến việc kinh doanh của tiểu thương ở các chợ truyền thống vốn đã khó khăn trong các đợt dịch trước, nay càng thêm lao đao.
Nhiều chợ truyền thống tại TP.Vinh phải đóng cửa để đảm bảo công tác phòng chống dịch
Mấy hôm nay, tại các chợ truyền thống như chợ Vinh, chợ Đầu mối, chợ Quang Trung, chợ Trụ (Hưng Hòa)… vắng hẳn khách mua sắm, dù hoạt động buôn bán đã trở lại bình thường. Theo phản ánh của một số hộ kinh doanh tại các chợ, lượng khách đến chợ thưa thớt, việc buôn bán rất ế ẩm, thậm chí không có người mua… khiến nhiều hộ kinh doanh đứng ngồi không yên.
Chợ đầu mối và chợ Vinh, được biết đến là hai khu chợ sầm uất nhất của TP Vinh nói riêng và tỉnh Nghệ An nói chung, song do đợt vừa rồi có phát hiện ca nhiễm bệnh Covid 19 liên quan đến nhiều ca nhiễm khác nên chợ đã tạm thời bị phong tỏa trong thời gian ngắn. Ngày 5/7 dù được phép hoạt động trở lại nhưng vẫn còn rất nhiều hàng ốt chưa mở cửa trở lại. Một số ốt quán chỉ mở ra quét dọn rồi đóng lại.
“ Cửa hàng của mình chỉ bán hàng khô và hàng tuần, lễ là chủ yếu, mấy ngày nay mở ốt cho đỡ ẩm mốc và đuổi chuột chứ chẳng bán được là bao so với trước đây. Nhiều ốt ở đây vẫn đóng cửa chưa đi bán trở lại. Dù hàng hóa không bán được là bao nhưng các khoản phí, tiền thuế, tiền thuê mặt bằng, … vẫn phải duy trì.
Đợt dịch vừa rồi có phát hiện ca nhiễm bệnh Covid 19 liên quan đến nhiều ca nhiễm khác nên chợ đã tạm thời bị phong tỏa
Ông Thái Văn Hải Phó trưởng ban quản lý chợ Vinh cho hay: “ hiện tại chợ Vinh đã hoạt động trở lại, chúng tôi vẫn duy thực hiện các biện pháp phòng dịch như đo rhaan nhiệt, sát khuẩn tại chỗ cho khách đến mua bán. Tuy vậy, còn rất nhiều ốt vẫn chưa hoạt động trở lại, mới có khoảng 30% các hàng ốt mở cửa trở lại, chủ yếu là đình phía tây vì bên đó bán hàng thiết yếu như: rau củ quả, thịt cá… phục vụ nhu cầu hàng ngày. Còn lại các ốt phía đông hoặc đình chính thì chủ họ chỉ mở để quét dọn rồi lại đóng cửa.”
“ Buôn bán mùa dịch này đắt hơn bình thường vì có những mặt hàng khan hiếm không có nên giá cũng bị đẩy lên cao. Nguồn hàng khan giá nhập vào thì cao, tiền thuê sạp ốt nên các hộ tiểu thương như chúng tôi cũng mong muốn nhà nước có chính sách hỗ trợ cho chúng tôi. Chị Hiền một tiểu thương ở chợ Vinh cho hay.
Trong đình chợ Vinh, các ốt bán quần áo, giày dép hầu như không có khách, bình thường đây cũng là một trong các điểm sầm uất, náo nhiệt nhất trong các khu chợ. Nhiều ốt đóng cửa im lìm, khách mua bán cũng chẳng có là bao.
Các chốt phong toả xung quanh thành phố Vinh
Bên cạnh đó, những ngày thành phố Vinh đang thực hiện chỉ thị 16 của thủ tướng chính phủ chúng ta bắt gặp tại các chốt là cảnh trao đổi hàng hóa ngay tại chốt phòng dịch. Những tiểu thương thồ từng xe hàng nào rau, củ, quả, đủ các loại để phục vụ cho người dân đang sống trong thành phố.
“Những người buôn bán nhỏ như chúng tôi nếu không chạy như này ( đến chốt nhận hàng rồi dùng xe máy chuyển đi - PV) thì không biết những ngày giãn cách xã hội gia đình tôi không biết trông chờ vào đâu? Một chị gái quê ở Nam Đàn cho biết.
Tại chợ Trụ xã Hưng Hòa trước đây vốn rất đông đúc, nhưng nay ở ngay giữa chợ chỉ còn tiếng trò chuyện của các tiểu thương và tiếng loa tuyên truyền phòng chống dịch. Những mặt hàng tươi sống cũng không nhiều, chỉ vừa đủ để bán trong buổi. Bà H một tiểu thương bán thịt lợn lâu năm tại chợ Trụ có thể nói đây là lần đầu tiên bà thấy chợ vắng vẻ và ế ẩm như thế này. Từ sau khi chợ bị phong tỏa và được hoạt động trở lại thì lượng khách đi chợ cũng giảm hẳn.
“Chỉ mong mong sao cho hết dịch, để chúng tôi có thể ổn định kinh doanh và người dân cũng có thể an tâm trở lại cuộc sống thường ngày Dịch bệnh nên phần nào người dân cũng tiết kiệm, những người buôn bán quán xá cũng tạm ngưng lấy nguyên liệu nên chỉ bán được cho một lượng ít khách hàng mua lẻ. Rất mong nhà nước sớm hỗ trợ giảm tiền thuế cho tiểu thương. Bà H nói thêm”
Ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến kinh tế suy giảm, người dân hạn chế mua sắm nên tiểu thương tại các chợ rơi vào tình cảnh khó khăn. Không chỉ riêng các tiểu thương ở các chợ mà tất cả các nghành nghề chung trên địa bàn tỉnh. Người kinh doanh buôn bán chỉ mong dịch có thể được khống chế, nhà nước có thể hỗ trợ họ về các khoản thuế, phí để họ có thể vượt qua được giai đoạn khó khăn này.
Hồ Trâm