Nghị định 126 ảnh hưởng kế hoạch chia cổ tức của doanh nghiệp

17:55 | 12/12/2020 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Nghị định 126 được xem là ảnh hưởng tới kế hoạch chia cổ tức của doanh nghiệp, trong bối cảnh các công ty chứng khoán gặp nhiều vướng mắc và ngân hàng là đơn vị gặp khó trước tiên.
Nghị định 126 quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý thuế có hiệu lực đúng thời điểm gần kết thúc năm tài chính 2020 và các ngân hàng được Ngân hàng Nhà nước yêu cầu năm nay chỉ chia cổ tức bằng cổ phiếu.
 
Nghị định 126 quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý thuế có một quy định đáng chú ý là "công ty chứng khoán phải kê khai và khấu trừ tại nguồn phần thuế thu nhập cá nhân 5% đối với nhà đầu tư nhận cổ tức bằng cổ phiếu hoặc cổ phiếu thưởng". Nghị định ra đời đúng thời điểm dịch bệnh COVID-19 đang hoành hành, gây khó khăn cho hoạt động của hàng loạt doanh nghiệp, tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế khá thấp và Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các ngân hàng chỉ được chia cổ tức bằng cổ phiếu.
 

Nghị định 126 ảnh hưởng kế hoạch chia cổ tức của doanh nghiệp - ảnh 1
Ảnh minh họa
 
Theo đánh giá của giới phân tích, quy định tại Nghị định 126 có thể sẽ ảnh hưởng tới kế hoạch chia cổ tức của các doanh nghiệp, đặc biệt là các ngân hàng trong thời gian tới. Bởi chia cổ tức bằng cổ phiếu càng ngày càng được nhiều ngân hàng sử dụng. Nghiệp vụ này vừa giúp cổ đông vui nhưng cũng vừa giúp ngân hàng giữ lại được lợi nhuận để tăng vốn, đặc biệt trong bối cảnh  cơ quan quản lý ngày càng gay gắt về tỷ lệ an toàn vốn.
 
Có thời điểm việc, việc buộc các ngân hàng quốc doanh (BIDV, Vietcombank, Vietinbank) chia cổ tức bằng tiền mặt thay vì chia cổ tức bằng cổ phiếu là vấn đề nóng, gây xôn xao cả nghị trường cần Quốc hội, sau đó mới có nghị quyết từ Chính phủ về phương án cho nhóm này chia cổ tức bằng cổ phiếu để hỗ trợ các ngân hàng tăng vốn.
 
Các chuyên gia đều đánh giá, với quy định mới, nhà đầu tư sẽ nhìn nhận công ty phát hành cổ phiếu bớt hấp dẫn. Việc đánh thuế sẽ khiến các doanh nghiệp có lợi nhuận thực và cần vốn, đặc biệt các ngân hàng thương mại gặp khó trong phương án chọn trả cổ tức bằng cổ phiếu để tái đầu tư phát triển.
 
Các hiệp hội cho rằng, đánh thuế với hình thức trả cổ tức bằng cổ phiếu và cổ phiếu thưởng chính là cản trở cơ chế huy động vốn hàng năm và thường xuyên của các doanh nghiệp. Các ngân hàng trong nước cũng sẽ gặp khó khăn khi đang cần giữ lại nhiều lợi nhuận sau thuế để xử lý nợ xấu và tăng vốn cải thiện tỷ lệ an toàn vốn.
 
Tạp chí Nhà đầu tư trích dẫn cụ thể: Theo kế hoạch chia cổ tức mà 3 ngân hàng thương mại nhà nước thông qua tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2020 (gồm BIDV dự kiến chia cổ tức 7% tăng thêm vốn 5.329 tỷ đồng; Vietinbank chia cổ tức để tăng vốn 10.720 tỷ đồng và Vietcombank dự kiến chia cổ tức bằng cổ phiếu 18% tăng thêm 6.675 tỷ đồng), nếu đánh thuế trực tiếp trên số cổ phiếu được chia theo mệnh giá thì ước tính cổ đông của 3 ngân hàng này sẽ phải chi ra khoảng 1.136 tỷ đồng để nộp thuế.
 
Đánh giá về Nghị định 126, Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) cũng khẳng định đánh thuế trả cổ tức bằng cổ phiếu sẽ cản trở doanh nghiệp huy động vốn.
 
 
Nghị định 126 ảnh hưởng kế hoạch chia cổ tức của doanh nghiệp - ảnh 2

Thuế thu nhập 5% đánh trên cổ tức bằng cổ phiếu đang gây nhiều tranh luận trái chiều

 

Theo tờ Tuổi trẻ, VAFI vừa có dự thảo văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Tài chính đề xuất chưa nên áp dụng sắc thuế trên, với lập luận: Việc trả cổ tức bằng cổ phiếu/cổ phiếu thưởng là để giúp doanh nghiệp hạn chế trả bằng tiền mặt, giữ lại nhiều khoản lợi nhuận để đầu tư mở rộng sản xuất. Khi doanh nghiệp phát triển, doanh thu lợi nhuận tăng lên thì các loại thuế nộp cho Nhà nước ngày càng gia tăng.

 
"Nhưng nếu có thuế đánh vào cổ tức cổ phiếu và cổ phiếu thưởng thì đông đảo nhà đầu tư giảm bớt nhiệt tình với hình thức này vì sợ thiệt đơn thiệt kép: thua lỗ do giá cổ phiếu giảm và bị đánh thuế lớn", đại diện VAFI cho hay.
 
Bên cạnh đó, các nhà đầu tư sẽ đòi hỏi doanh nghiệp phải chia cổ tức tiền mặt nhiều hơn, hạn chế hình thức trả cổ tức bằng cổ phiếu và cổ phiếu thưởng, khiến thị trường chứng khoán (TTCK) sẽ có hàng tỉ đô la được chia cho cổ đông thay vì được tái đầu tư, phát triển sản xuất. Các doanh nghiệp phải vay nợ nhiều hơn, đầu tư mở rộng sản xuất sẽ bị hạn chế.
 
Hiệp hội này cho rằng, từ lâu Việt Nam đã có chính sách miễn giảm thuế cho doanh nghiệp tái đầu tư mở rộng sản xuất nhằm khuyến khích phát triển sản xuất. Cho nên không áp dụng sắc thuế trên sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp được huy động vốn thường xuyên từ TTCK .
 
VAFI khuyến nghị việc hoạch định chính sách thuế phải tính tới các đối tượng chuyên sống bằng đầu tư chứng khoán, hay người về hưu.
 
Tại Việt Nam đang có rất nhiều người coi đầu tư chứng khoán là nghề nghiệp chính, song đối tượng này không được giảm trừ gia cảnh cho các người phụ thuộc, không được khấu trừ thu nhập như người lao động trong doanh nghiệp. Với thông lệ quốc tế thì người hành nghề chứng khoán sẽ được khấu trừ gia cảnh.
 
Anh, Mỹ, các nước EU có chính sách miễn thuế cổ tức cho người về hưu, nhằm khuyến khích dòng vốn nhàn rỗi vào TTCK, góp dòng vốn nhỏ thành "bão" lớn, làm cho hệ thống doanh nghiệp dễ dàng huy động được vốn và từ đó lãi suất cho vay sẽ rất rẻ .
 
Singapore là trung tâm tài chính của Châu Á và thế giới, nhưng không đánh thuế đánh vào hình thức trả cổ tức bằng cổ phiếu và cổ phiếu thưởng, không đánh thuế vào các giao dịch chuyển nhượng chứng khoán.
 
"Các loại thuế chứng khoán của họ thấp và hấp dẫn hơn Việt Nam", VAFI nhận xét về chính sách thuế của Singapore.
 
Hiện nhiều công ty chứng khoán đang gặp vướng mắc khi triển khai việc Nghị định 126, Tạp chí Thời báo Kinh tế Việt Nam phản ánh.
 
Trên thực tế, hiện nay hầu hết các công ty chứng khoán đều không phân biệt cổ phiếu thưởng, cổ tức bằng cổ phiếu với cổ phiếu thường. Cho nên, với vai trò trung gian có trách nhiệm nộp thuế cổ tức bằng cổ phiếu thay cho nhà đầu tư, các công ty chứng khoán phải gấp rút chuẩn bị nhân sự, thiết lập lại hệ thống, hạch toán cổ tức bằng cổ phiếu, cổ phiếu thưởng vào một tiểu khoản riêng, việc quản lý lịch sử giao dịch rất phức tạp để đảm bảo thu đúng và đủ khoản thuế nộp cho nhà nước.
 
Cũng theo Tạp chí Thời báo Kinh tế Việt Nam, đại diện Công ty Chứng khoán SSI nói rằng, Nghị định 126 quá gấp gáp, các công ty chứng khoán cần ít nhất 6 tháng đến 1 năm để chuẩn bị hệ thống cũng như những điều kiện cần để triển khai đồng bộ việc thu thuế trên.
 
Hiện nay Nghị định 126 vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể về việc giá tính thuế theo giá thị trường đối với cổ phiếu niêm yết, với cổ phiếu chưa niêm yết thì tính thế nào? Đồng thời, việc xác định nguồn gốc chứng khoán phải thu thuế cũng chưa có hướng dẫn, với chứng khoán trước ngày 5/12 được tính thế nào...
 
Minh Hoa