Nghị quyết 68: Tháo gỡ các điểm nghẽn thể chế, xoá bỏ phân biệt đối xử

TS Nguyễn Bích Lâm trả lời phỏng vấn phóng viên báo Tin tức và Dân tộc chiều 11/5. Ảnh: Lê Sơn/Báo Tin tức và Dân tộc
Nghị quyết đặt ra yêu cầu rất cụ thể, phải chuyển mạnh từ tiền kiểm sang hậu kiểm; chấm dứt tình trạng các bộ, ngành tự ý đặt thêm điều kiện. Vấn đề là triển khai thực hiện như thế nào cho nhanh và hiệu quả. Phóng viên báo Tin tức và Dân tộc đã trao đổi với chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Bích Lâm - nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê xung quanh vấn đề này.
Thưa ông, lần đầu tiên trong một Nghị quyết của Bộ Chính trị, kinh tế tư nhân (KTTN) được nhìn nhận một cách bình đẳng và có chiều sâu. Niềm tin này là cơ sở quan trọng để tạo động lực phát triển kinh tế của đất nước. Ông đánh giá như thế nào về tinh thần của Nghị quyết?
Đảng đã đưa ra chủ trương lớn, trên cơ sở đó, Quốc hội, Chính phủ hiện thực hóa thành thể chế, cơ chế chính sách, giải pháp để thực sự tạo dựng và thúc đẩy KTTN là động lực phát triển quan trọng của nền kinh tế. Trước đây, dư luận vẫn thường nhận định, chính sách đang xem doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) là “con đẻ”, doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (FDI) là “con nuôi” còn doanh nghiệp tư nhân là “con ghẻ”.
Tuy nhiên, Nghị quyết lần này đã xóa bỏ hoàn toàn những nhận định trên. Nội dung Nghị quyết khẳng định: “KTTN bình đẳng với tất cả các thành phần kinh tế khác”. Hay nói cụ thể, doanh nghiệp tư nhân bình đẳng với DNNN và doanh nghiệp FDI, được thể hiện ở tất cả các quan điểm, các mục tiêu và các giải pháp đối với KTTN.
Chẳng hạn như quan điểm chỉ đạo “Xóa bỏ triệt để nhận thức, tư tưởng, quan niệm, thái độ định kiến về KTTN Việt Nam; đánh giá đúng vai trò quan trọng của KTTN đối với phát triển đất nước; nuôi dưỡng, khuyến khích tinh thần kinh doanh, đổi mới sáng tạo của người dân, doanh nghiệp, tôn trọng doanh nghiệp, doanh nhân, xác định doanh nhân là ‘người chiến sĩ trên mặt trận kinh tế’; bảo đảm đầy đủ quyền sở hữu, quyền tài sản, quyền tự do kinh doanh, quyền cạnh tranh bình đẳng, được tự do kinh doanh các ngành nghề pháp luật không cấm; tạo dựng, củng cố niềm tin giữa Nhà nước và khu vực KTTN; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp và doanh nhân; bảo đảm kinh tế tư nhân cạnh tranh bình đẳng với các thành phần kinh tế khác trong tiếp cận cơ hội kinh doanh và các nguồn lực của nền kinh tế, nhất là vốn, đất đai, công nghệ, nhân lực, dữ liệu và các nguồn lực hợp pháp khác”.
Có thể thấy, quan điểm này đã tạo cho KTTN quyền được tiếp cận nguồn vốn đất đai, các nguồn lực, giải pháp rất cụ thể và tạo dựng các nguồn vốn cho KTTN.
Phải nói rằng, quyền sở hữu, quyền tự quyết tài sản và quyền tự do kinh doanh trong Hiến pháp năm 2013 đã có quy định nhưng thực ra bấy lâu nay vẫn chưa thực hiện được thì trong Nghị quyết này đã quy định rất cụ thể. Điều này sẽ tạo xung lực và niềm tin rất lớn cho khu vực doanh nghiệp tư nhân, tạo tiền đề để kinh tế phát triển. Trước hết phải đảm bảo quyền sở hữu, quyền tự quyết tài sản để nếu có chuyện xảy ra, khối doanh nghiệp tư nhân vẫn được đảm bảo tài sản của mình, không bị tịch thu tài sản như đã xảy ra với một số doanh nhân, doanh nghiệp trước đây. Việc đảm bảo này là rất quan trọng, tạo niềm tin, khí thế cho doanh nghiệp cống hiến và từ đó sẽ thúc đẩy KTTN, doanh nhân dành hết tâm trí, trí tuệ và sức lực cũng như của cải để làm ăn kinh doanh.
Tinh thần cải cách thể chế lần này của Nghị quyết không còn là “đơn giản hóa” hay “sửa đổi” mà là “bãi bỏ triệt để” những quy định lỗi thời. Cùng với đó là đổi mới tư duy quản lý Nhà nước, chuyển từ kiểm soát sang hỗ trợ; từ tiền kiểm sang hậu kiểm, từ can thiệp sang khuyến khích.
Nghị quyết 68 đặt ra một số nhiệm vụ, giải pháp đáng chú ý, đó là năm 2025 hoàn thành việc rà soát, loại bỏ những điều kiện kinh doanh không cần thiết, quy định chồng chéo, không phù hợp, cản trở sự phát triển của doanh nghiệp tư nhân; thực hiện cắt giảm ít nhất 30% thời gian xử lý thủ tục hành chính, ít nhất 30% chi phí tuân thủ pháp luật, ít nhất 30% điều kiện kinh doanh và tiếp tục cắt giảm mạnh trong những năm tiếp theo.

Nghị quyết 68-NQ/TW được kỳ vọng sẽ tạo cú hích lớn cho doanh nghiệp bất động sản, khi nhiều điểm nghẽn về thể chế, đất đai và thủ tục hành chính được tháo gỡ. Ảnh: Công Thử/TTXVN
Sau khi có Nghị quyết này, theo ông, việc thực thi sẽ được thay đổi như thế nào để Nghị quyết thực sự đi vào cuộc sống. Nhiều ý kiến cho rằng, việc thể chế hóa Nghị quyết 68 không thể kéo dài thời gian, cần nhanh, khẩn trương và mạnh mẽ.
Trong Nghị quyết đã đề cập đến tinh thần trách nhiệm của đội ngũ thực thi công vụ. Đó là: “Tạo mọi thuận lợi trong giải quyết thủ tục hành chính; phân công, phân cấp, phân nhiệm rõ ràng giữa các cấp, ngành của từng cơ quan, đơn vị, xác định rõ trách nhiệm người đứng đầu trong giải quyết thủ tục hành chính; xử lý nghiêm các hành vi tham nhũng, trục lợi cá nhân, nhũng nhiễu của cán bộ, công chức; đồng thời có cơ chế miễn trừ trách nhiệm đối với trường hợp đã thực hiện đầy đủ các quy trình, quy định liên quan, không tư lợi trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, nhưng có thiệt hại do rủi ro khách quan”.
Đây là quan điểm rất quan trọng vì hiện nay có hiện tượng cán bộ công chức không làm vì không dám làm do làm mà sợ sai. Vì vậy, quan điểm, giải pháp mà Nghị quyết 68 nêu ra đã đảm bảo để đội ngũ thực thi thực hiện tốt nhất nhiệm vụ của mình.

Năm 2025, Công ty Cổ phần Quốc tế Sơn Hà (HoSE: SHI) đặt mục tiêu doanh thu 11.800 tỷ đồng, tăng 4,8% so với năm 2024; lợi nhuận sau thuế kỳ vọng đạt 116 tỷ đồng, tăng 7,4% so với năm trước.
Để có thể đưa Nghị quyết 68 vào thực thi hiệu quả, tạo điều kiện để KTTN phát triển mạnh mẽ, tôi cho rằng, Đảng đã đưa ra chủ trương, Chính phủ và Quốc hội cần phải đưa ra những chế tài rất nghiêm khắc để buộc đội ngũ công chức và những người có trách nhiệm phải thực thi nghiêm, thực thi đúng. Chúng ta phải có cơ chế thưởng phạt rõ ràng, để nếu đội ngũ công chức không thực thi nhiệm vụ sẽ bị thi hành kỷ luật. Nếu đã thực thi mà có rủi ro do khách quan và trong quá trình thực thi, cán bộ công chức không tư lợi thì được đảm bảo không quy trách nhiệm.
Trong kế hoạch hành động, Chính phủ cần giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành, địa phương có liên quan, gắn với trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu trong việc thực hiện mục tiêu; có đánh giá kết quả thực hiện theo tháng, quý, sáu tháng và hàng năm.
Chủ trương chung là phải cắt giảm ít nhất 30% thời gian xử lý thủ tục hành chính, ít nhất 30% chi phí tuân thủ pháp luật, ít nhất 30% điều kiện kinh doanh và tiếp tục cắt giảm mạnh trong những năm tiếp theo. Để duy trì tính bền vững và minh bạch của cải cách, theo ông, cần phải có cơ quan cải cách thể chế độc lập ra sao để có thể có thẩm quyền kiểm định chất lượng và đề xuất sửa đổi luật?
Tôi cho rằng cần phải có một Tổ công tác đặc biệt, chuyên trách cho Thủ tướng Chính phủ trực tiếp phụ trách với thành phần chủ yếu là các chuyên gia độc lập, có kinh nghiệm, có trải nghiệm, tâm huyết và có kiến thức trong cải cách pháp luật, cải cách thể chế. Tổ này cũng cần có sự tham gia của đại diện doanh nghiệp, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Thủ tướng để rà soát tất cả những quy định bất cập, những gì ngáng trở cho sự phát triển, kinh doanh của doanh nghiệp. Có như vậy, năm 2025 mới có thể hoàn tất yêu cầu rà soát tất cả các quy định về điều kiện kinh doanh.
Một nội dung trong Nghị quyết khiến tôi khá ấn tượng là chủ trương phân định rõ ràng giữa trách nhiệm hình sự với trách nhiệm hành chính, dân sự, hay nói cách khác là không hình sự hóa các quan hệ kinh tế, dân sự. Nghị quyết lần này đề cập khá đầy đủ, cụ thể, với những yêu cầu và giải pháp rõ ràng về một vấn đề vốn rất nhạy cảm.
Doanh nghiệp lâu nay kinh doanh luôn mang nỗi lo rủi ro pháp lý - không chỉ bị xử phạt hành chính mà còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Trong hệ thống pháp luật hiện nay, doanh nghiệp không được tự do kinh doanh hoàn toàn mà phải “kinh doanh theo quy định”. Điều này làm triệt tiêu sự sáng tạo. Các quy định lại nằm rải rác ở nhiều luật khác nhau, vừa chồng chéo, vừa mâu thuẫn. Nhiều khi tuân thủ luật này lại vi phạm luật khác. Việc bị truy cứu hình sự không chỉ khiến doanh nghiệp mất tài sản mà còn mất cả sự nghiệp, ảnh hưởng không chỉ đến cá nhân mà còn đến gia đình, người thân, khiến người kinh doanh luôn sống trong tâm lý lo sợ.
Vấn đề này đã được Đảng nhận thấy từ trước và từng được đề cập trong Nghị quyết số 43 về đội ngũ doanh nhân. Tuy nhiên, lần này nó được thể hiện cụ thể và rõ ràng hơn bao giờ hết. Tinh thần ưu tiên khắc phục hậu quả về kinh tế thay vì xử lý hình sự là điều mà cộng đồng doanh nghiệp từ lâu đã mong chờ.
Xin trân trọng cảm ơn ông!