Người dân có thể khai thác dữ liệu của cơ quan nhà nước qua Cổng dữ liệu quốc gia
Vừa qua, Bộ Thông tin và Truyền thông đã chính thức tổ chức Lễ khởi động Cổng dữ liệu quốc gia.
Cổng dữ liệu quốc gia là điểm đầu mối truy cập thông tin, dữ liệu trên mạng Internet phục vụ việc công bố dữ liệu mở, cung cấp thông tin về chia sẻ dữ liệu của cơ quan nhà nước; cung cấp các tài liệu, dịch vụ, công cụ, ứng dụng xử lý, khai thác dữ liệu được công bố bởi các cơ quan nhà nước.
Cổng dữ liệu quốc gia được xây dựng với mục tiêu thúc đẩy quản trị dữ liệu trong cơ quan nhà nước đồng thời quản lý và hỗ trợ thực hiện các yêu cầu về khởi tạo các kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan nhà nước; giám sát việc chia sẻ dữ liệu, giải quyết vướng mắc trong chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan nhà nước.
Đến ngày 31/8, cổng dữ liệu quốc gia đã có khoảng 10.000 bộ dữ liệu mở thuộc 12 lĩnh vực: Y tế, Lao động, Công nghệ, Nông nghiệp, Kinh tế - Thương mại, Cơ sở hạ tầng, Tài chính, Năng lượng, Giáo dục đào tạo, Xã hội, Môi trường, Địa phương. Theo các chuyên gia, đây là nguồn dữ liệu lớn, giúp các doanh nghiệp công nghệ số có thể tiếp cận để phát triển sản phẩm.
Giao diện cổng dữ liệu mở, thuộc cổng dữ liệu quốc gia.
Trong giai đoạn đầu, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ xây dựng và ra mắt một số phân hệ cơ bản của hệ thống bao gồm đăng tải thông tin về hiện trạng dữ liệu trong cơ quan nhà nước, phân hệ dữ liệu mở của cơ quan nhà nước. Bên cạnh đó Cổng cũng kết nối tích hợp một số nền tảng như bản đồ số Vmap, mã địa chỉ bưu chính Vpostcode... nhằm tăng tiện ích, hỗ trợ người dùng ở mức tối ưu nhất.
Sau đó, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ tiếp tục nghiên cứu, mở rộng từng phân hệ và thành phần của Cổng để Cổng sẽ là công cụ, là nền tảng và đóng vai trò đắc lực thực hiện chủ trương dữ liệu là cốt lõi, là nền tảng trong phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ chỉ đạo điều hành dựa trên dữ liệu.
VnExpress cho biết, 2 phân hệ chính trên cổng dữ liệu quốc gia hiện nay gồm dữ liệu của các cơ quan nhà nước và cổng dữ liệu mở, được cung cấp trên website https://data.gov.vn hoặc https://open.data.gov.vn. Trong đó, dữ liệu mở được công khai, người dân có thể tự do tra cứu.
Chẳng hạn, khi cần biết danh sách các trường học tại tỉnh Bình Phước. Người dùng có thể truy cập vào cổng dữ liệu mở, chọn lĩnh vực Giáo dục, lọc với từ khóa "Bình Phước"; hoặc chọn mục "Địa phương", tìm tỉnh Bình Phước, sau đó lọc dữ liệu về lĩnh vực Giáo dục. Danh sách các trường tại Bình Phước theo dữ liệu được Bộ Giáo dục và Đào tạo cung cấp sẽ hiển thị đầy đủ.
Tuy nhiên, hệ thống dữ liệu trên cổng còn ở mức sơ khai. Thang đo "mức độ trưởng thành về dữ liệu" của tổ chức nghiên cứu thị trường Gartner gồm năm mức: Chưa nhận thức, Phân mảnh, Chuẩn hóa, Quản lý, Tối ưu.
Theo đó, Việt Nam đang ở giữa mức Phân mảnh và Chuẩn hóa, theo đánh giá của Cục tin học hóa, Bộ Thông tin và Truyền thông.
Trong báo cáo được công bố mới đây của Liên Hợp Quốc, Việt Nam đứng thứ 86 thế giới, 24/47 tại châu Á và thứ 6/11 tại Đông Nam Á về mức độ phát triển Chính phủ điện tử. Việt Nam đặt mục tiêu cải thiện thứ hạng lên 10 - 15 bậc trong báo cáo năm 2022.