Người dân TP.HCM bỏ phiếu để thành lập Thành phố Thủ Đức

14:18 | 03/10/2020 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Sáng nay 3/10 người dân quận 2, quận 9, quận Thủ Đức sẽ hoàn tất việc lấy ý kiến người dân về đề án thành lập TP Thủ Đức và tên gọi của đơn vị hành chính mới.
Trước ngày khảo sát, Các Phiếu lấy ý kiến đã được các tổ công tác gửi đến từng hộ gia đình trên địa bàn, đa phần người dân đồng tình với chủ trương sắp xếp lại đơn vị hành chính nhưng vẫn còn nhiều băn khoăn về việc chuyển đổi giấy tờ, tên gọi đơn vị hành chính mới khi sáp nhập.
 
Để chuẩn bị lấy ý kiến về việc sáp nhập ba quận 2, 9 và Thủ Đức thành Thành phố Thủ Đức, hiện 12 phường thuộc quận Thủ Đức đã niêm yết danh sách cử tri và đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã tại TPHCM giai đoạn 2019 - 2021 tại trụ sở để người dân theo dõi. 
 
Bí thư quận Thủ Đức Nguyễn Mạnh Cường cho biết trên Tuổi Trẻ: Đây là lần đầu tiên quận thực hiện việc lấy ý kiến cử tri về một đề án quan trọng của TPHCM là thành lập Thành phố Thủ Đức. Vì vậy, công tác tổ chức, triển khai thực hiện đồng bộ từng cấp, từ quận đến phường và cả khu phố, đáp ứng thuận lợi nhất cho người dân tham gia. Đồng thời, các phường đã cung cấp đầy đủ thông tin về đề án đến các hộ dân để người dân nắm rõ. Nhờ đó, các khâu chuẩn bị đã hoàn tất, sẵn sàng lấy ý kiến người dân ngày 3.10. Trong ngày 3.10, các phường phải thực hiện xong việc lấy ý kiến người dân và báo cáo UBND quận Thủ Đức. Nội dung của phiếu lấy ý kiến sẽ có 2 phần gồm nội dung : Sắp xếp quận 2, quận 9 và quận Thủ Đức thành đơn vị hành chính mới và đơn vị hành chính mới lấy tên Thành phố Thủ Đức. Người nhận phiếu được lựa chọn đồng ý hoặc không đồng ý với mỗi nội dung trên. Sau khi có kết quả, UBND quận Thủ Đức sẽ tổng hợp và báo cáo lại UBND TPHCM cùng Sở Nội vụ trong ngày 7.10.
 
Người dân TP.HCM bỏ phiếu để thành lập Thành phố Thủ Đức - ảnh 1
 
Đa số người dân ủng hộ chủ trương của Thành Phố( Ảnh: theo Tuổi Trẻ)
 
Tương tự, 19 phường thuộc các quận 2, 3, 4, 5, 9, 10 cũng đã sẵn sàng cho việc lấy ý kiến người dân về việc sáp nhập phường. Gần 21.000 cử tri của phường 2 và phường 3 (quận 10) sẽ được lấy ý kiến về việc sáp nhập 2 phường để thành lập phường mới (đề xuất lấy tên là phường 2). Ông Hoàng Quốc Tâm, Chủ tịch UBND phường 3 (quận 10) cho biết, nhiều hội nghị, cuộc họp đã được tổ chức tại khu phố, tổ dân phố để thông tin, tuyên truyền đến cử tri về sự cần thiết sáp nhập 2 phường, phương án sáp nhập, quyền và nghĩa vụ của người dân. Phường cũng thành lập 3 tổ lấy ý kiến người dân, phát phiếu lấy ý kiến đến từng hộ gia đình cũng như kịp thời ghi nhận tâm tư, nguyện vọng của người dân.
 

Đa số người dân tán thành những vẫn thắc mắc lo ngại.

 
Từ 7h sáng tại trụ sở khu phố 3, phường Hiệp Bình Chánh đã phát loa thông báo để người dân đến bỏ phiếu. Thùng phiếu kín có dán niêm phong đặt giữa trụ sở, phía ngoài có lực lượng công an, tổ dân phố hỗ trợ người dân đến bỏ phiếu.
 
Nhiều người dân cho biết đồng tình với việc sắp xếp phường, quận. Dù vậy, người dân cũng bày tỏ mong muốn được hỗ trợ khi phải điều chỉnh lại giấy tờ sau khi sáp nhập. Điều người dân còn lo nghĩ chính là sau sáp nhập thì người dân được hỗ trợ làm lại các loại giấy tờ liên quan ra sao, Các cơ quan hành chính, cơ quan công an nên tổ chức các đợt đến nhà giải quyết việc điều chỉnh hồ sơ, giấy tờ cho người dân bị ảnh hưởng hoặc giải quyết ngoài giờ hành chính tại trụ sở phường. Đồng thời Nhà nước không thu phí khi người dân chỉnh sửa các loại giấy tờ do việc thay đổi tên phường.
 
Người dân TP.HCM bỏ phiếu để thành lập Thành phố Thủ Đức - ảnh 2
 
Một số người dân vẫn băn khoăn về giấy tờ hành chính
 
Bên cạnh việc thay đổi giấy tờ, không ít người dân băn khoăn về tên phường được đề xuất sau khi sáp nhập. Như Căn cứ lấy tên cần dựa vào thực tế số dân đông (phường 15 đông hơn phường 12) cũng như thống kê địa bàn nào có nhiều doanh nghiệp, hộ kinh doanh hơn để quyết định lấy tên mới, hạn chế nhiều doanh nghiệp phải đổi tên sẽ phiền hà cho người dân.
 
Hay về việc sáp nhập 3 quận (2, 9 và Thủ Đức) thành một thành phố trực thuộc TPHCM với tên gọi là “Thành phố Thủ Đức”, một số người dân sống ở đây mong muốn một cái tên hoàn toàn mới vì Thủ Đức là tên gọi của huyện Thủ Đức xưa. Cũng theo Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong, tên Thành phố Thủ Đức chỉ là tạm thời, có thể thay đổi trong tương lai. Ông Phong cho rằng tên gọi Thành phố Thủ Đức phù hợp với bối cảnh khi quận 2, 9, Thủ Đức được tách ra từ huyện Thủ Đức cũ. Để có tên chính thức cho đơn vị hành chính này, thành phố cần lấy ý kiến người dân rồi mới quyết định.
 

TPHCM sẽ hỗ trợ, tạo điều kiện cho người dân khi làm lại giấy tờ

 
UBND TPHCM đánh giá, việc sắp xếp, bố trí địa bàn dân cư bước đầu có ảnh hưởng đến nếp sống, điều kiện sinh hoạt của người dân khi nhập với đơn vị hành chính mới. Ngoài ra, ít nhiều gây xáo trộn đến đời sống người dân ở địa phương được sáp nhập trong việc thay đổi giấy tờ tùy thân.
 
Người dân TP.HCM bỏ phiếu để thành lập Thành phố Thủ Đức - ảnh 3
 
UBND TPHCM đã yêu cầu các quận, phường mới hình thành sau khi sắp xếp chủ động triển khai, hướng dẫn cho cá nhân, tổ chức thực hiện các thủ tục chuyển đổi các loại giấy tờ. Thành phố sẽ không thu các loại phí, lệ phí khi thực hiện chuyển đổi và tạo thuận lợi trong việc chuyển đổi giấy tờ thủ tục cho người dân và doanh nghiệp. Trường hợp cá nhân, tổ chức chưa chuyển đổi các loại giấy tờ được cơ quan có thẩm quyền cấp trước đây theo đơn vị hành chính cũ, nếu chưa hết thời hạn theo quy định vẫn tiếp tục được sử dụng tại đơn vị hành chính mới.
 
Trong ngày hôm nay 3/10, tổ lấy ý kiến cử tri tại từng khu phố gửi biên bản kiểm kê việc sử dụng phiếu và biên bản kết quả kiểm phiếu về UBND các phường để tổng hợp báo cáo cho HĐND phường và UBND quận (trước ngày 5-10). Sau đó, UBND quận sẽ báo cáo HĐND quận và UBND thành phố Hồ Chí Minh trước ngày 7-10. Theo kế hoạch, trước ngày 9-10, UBND thành phố Hồ Chí Minh sẽ báo cáo kết quả này đến HĐND thành phố Hồ Chí Minh và Chính phủ. Sau khi lấy ý kiến cử tri, nếu có trên 50% tổng số cử tri trên địa bàn tán thành, từ ngày 9-10 đến 12-10, HĐND các cấp có liên quan thảo luận, biểu quyết chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính.
 
 
Nguyễn Dung

ĐỌC NHIỀU