Người dân ưu tiên chuyển sang thanh toán không dùng tiền mặt
Thanh toán không dùng tiền mặt đang trở thành xu thế tất yếu và ưu tiên hàng đầu của người tiêu dùng, nhất là trong thời đại chuyển đổi số.
Tại Bến Tre, thói quen thanh toán không dùng tiền mặt của người dân đang dần có những thay đổi lớn, chuyển đổi thói quen sử dụng các phương tiện thanh toán truyền thống, giảm chi phí xã hội liên quan đến tiền mặt.
Đồng thời, nâng cao hiệu quả quản lý, giám sát của các cơ quan quản lý Nhà nước, minh bạch hóa các hoạt động thanh toán trong nền kinh tế và thu nhập cá nhân trong xã hội, góp phần phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và tội phạm kinh tế…
Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Bến Tre, thời gian gần đây, chỉ riêng thanh toán không dùng tiền mặt trong lĩnh vực công đã có 97,2% giao dịch nộp thuế, 99,6% số tiền điện, 12,5% cá nhân, hộ gia đình thanh toán tiền nước trên địa bàn thành phố được thực hiện qua ngân hàng.
Hiện nay, tất cả các trường cao đẳng trên địa bàn tỉnh Bến Tre chấp nhận thanh toán học phí và 57,2% số sinh viên tại trường cao đẳng nộp học phí qua ngân hàng. Ngoài ra, 293/330 cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn tỉnh Bến Tre đã chấp nhận thanh toán học phí không dùng tiền mặt và các bệnh viện tại thành phố Bến Tre chấp nhận thanh toán viện phí qua ngân hàng.
Qua việc thanh toán học phí thông qua dịch vụ ngân hàng điện tử cho con gái học lớp 6 năm học 2021 - 2022, ông Lê Tấn Lãm ngụ huyện Giồng Trôm cho hay, lợi ích trước hết là giao dịch thực hiện nhanh chóng, chính xác, tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại và không bị ảnh hưởng đến công việc, do việc thanh toán có thể thực hiện ở bất cứ thời điểm nào, bất cứ nơi đâu.
Tại chợ Bến Tre, thực hiện mô hình chợ 4.0, nhiều tiểu thương đã đăng ký trở thành điểm chấp nhận thanh toán để giao dịch không tiền mặt tại các sạp hàng và kiốt trong chợ. Chị Trần Thị Phương Thảo ở phường 7, thành phố Bến Tre cho hay, trước đây, đi chợ phải mang theo tiền mặt, kiểm đếm và cất giữ thật an toàn.
Tuy nhiên hiện nay, đi chợ chỉ cần mang theo điện thoại smartphone. Tất cả giao dịch tại "khu chợ số" với nền tảng là mobile money, cho phép người dân mua bán, chuyển tiền, thanh toán không tiền mặt dễ dàng, nhanh chóng.
Chị Thảo nói thêm, phía trước các quầy đều có bảng QR Code. Khi thanh toán, người dùng chỉ cần quét thẻ QR Code, do đó không cần tiết lộ thông tin cá nhân và tài khoản ngân hàng, đồng thời không phải tiếp xúc trực tiếp với tiểu thương như khi dùng thẻ thanh toán hay tiền mặt.
Việc này hạn chế một phần việc lộ thông tin hay hạn chế lây lan dịch bệnh. Đặc biệt tránh các nguy cơ rủi ro như: tiền giả, bị trộm cướp, thất thoát, giúp người sử dụng theo dõi được chi tiêu...
Tuy nhiên, có một thực tế, hiện nay thói quen, tâm lý e ngại của người dân vẫn còn là rào cản lớn nhất. Đặc biệt, ở nông thôn, việc thanh toán không dùng tiền mặt gần như còn rất mới mẻ với đại đa số người dân.
Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, hiện mới có 88,5 triệu tài khoản thanh toán nhưng chỉ tập trung ở một số nhóm dân cư nhất định; còn gần 65% dân số chưa có tài khoản ngân hàng. Trong khi đó mở tài khoản ngân hàng là tiền đề quan trọng để sử dụng các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt.
Bên cạnh đó là tâm lý e ngại cung cấp thông tin cá nhân để thanh toán, sợ bị ăn cắp thông tin, bị tin tặc hack tài khoản và mất tiền.... Nhất là nhóm tuổi từ trung niên trở lên đều cho rằng sử dụng thanh toán không dùng tiền mặt trên ứng dụng là thiếu an toàn, thao tác phức tạp nên sinh tâm lý kháng cự ngại thay đổi.
Hiện, Ngân hàng Nhà nước cũng như các tổ chức tín dụng có nhiều biện pháp bảo đảm an ninh, an toàn trong hệ thống thanh toán. Thực tế cho thấy, các vấn đề lỗi bảo mật của ngân hàng hầu như rất ít phát sinh, việc bị đánh cắp thông tin đa phần do người dùng chủ quan, cung cấp mã xác thực cho đối tượng lừa đảo hoặc truy cập vào các website giả mạo tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán.
Đồng thời, các ứng dụng thanh toán không dùng tiền mặt với giao diện rất dễ tiếp cận, bằng ngôn ngữ tiếng Việt, thao tác hoàn toàn không phức tạp.
Trước những lợi ích và theo xu thế chung, Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Trần Ngọc Tam đề nghị tăng cường truyền thông, vận động và hướng dẫn người dân tiếp cận, sử dụng các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt trong mua sắm hàng hóa, dịch vụ.
Từ đó, góp phần nâng cao nhận thức tăng cường sử dụng các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt trong sản xuất và đời sống, hướng đến xây dựng một xã hội hiện đại, văn minh.
Mặt khác, Chủ tịch UBND tỉnh cũng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh và các sở, ngành, đơn vị có liên quan tiếp tục tham mưu triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh.
Đối với các đơn vị viễn thông, các chi nhánh ngân hàng thương mại trên địa bàn tiếp tục đẩy mạnh giới thiệu các sản phẩm thanh toán không dùng tiền mặt phù họp với các đối tượng sử dụng, chủ động hướng dẫn, tạo điều kiện thuận lợi để người dân được tham gia trải nghiệm và sử dụng dịch vụ ngày càng nhiều.
Hiện tại, trên địa bàn tỉnh Bến Tre hiện có 100 chi nhánh, phòng giao dịch của ngân hàng; 8 quỹ tín dụng nhân dân; 958 điểm giới thiệu dịch vụ của 8 công ty tài chính tiêu dùng; 1 chi nhánh tổ chức tài chính vi mô; 6 chương trình, dự án tài chính vi mô, cung cấp đa dạng các sản phẩm, dịch vụ tài chính cho người dân, doanh nghiệp trên địa bàn.
Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã chính thức cấp phép cho 3 nhà mạng lớn gồm VNPT, Mobifone và Viettel triển khai thí điểm dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ (Mobile Money), tạo điều kiện thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt.
Riêng trong năm 2021 là thời gian dịch bệnh COVID-19 bùng phát và diễn biến phức tạp, việc không dùng tiền mặt trong các giao dịch qua các dịch vụ ngân hàng ở Bến Tre đạt hơn 44 triệu giao dịch, với tổng giá trị 525.666 tỷ đồng, tăng lần lượt 277% và 70% so với năm 2020.