Người được kỳ vọng kế thừa CEO Tân Hiệp Phát - dấu ấn của ‘khát vọng châu Á’
Lấy biến cố làm động lực “trui rèn”
Nữ doanh nhân xinh đẹp và giỏi giang Trần Uyên Phương từng từ bỏ nghiên cứu sinh, trở về với gia đình, để xử lý những biến cố dồn dập xảy đến vào thời điểm Tân Hiệp Phát đang khủng hoảng bởi “nghi án con ruồi”, cách đây 3 năm.
Mẹ của doanh nhân Uyên Phương, bà Nguyễn Thị Nụ, vốn được coi là “người đàn bà thép” bỗng nhiên bị mắc trọng bệnh, cơ hội sống quá mong manh.
Trước tình cảnh đó, trong bức thư gửi người cha Trần Quí Thanh vào ngày sinh nhật, doanh nhân Uyên Phương đã viết: “Những biến cố lớn lao trong cái năm sóng gió kinh khủng đó lại là sự trui rèn mà ba hay nói: Không thành công cũng thành nhân. Hoàn cảnh đưa ta vào thời khắc nóng bỏng và hoàn toàn có thể dẫn tới sụp đổ hay tan rã đó, con hiểu rằng, đi qua và trụ lại được nghĩa là trưởng thành hơn và nhận được nhiều hơn”.
Cốt cách của người cha khiến doanh nhân Uyên Phương thấm nhuần lời răn dạy: “Học không phải để có nhiều học vị. Mục tiêu cuối cùng và thước đo của mỗi con người là giá trị mà người đó tạo ra cho xã hội, chứ không phải có mấy cái bằng”.
Khát vọng châu Á khiến truyền thông quốc tế “xôn xao”
Sau thành công của cuốn sách đầu tay “Chuyện nhà Dr. Thanh”, doanh nhân Uyên Phương khẳng định mình hơn trong tác phẩm “Competing with Giants” (tạm dịch sang tiếng Việt: Vượt lên người khổng lồ).
Đây là tác phẩm cô viết cùng nhà báo Anh Jackie Horn và chuyên gia kinh tế Mỹ John Kador và là quyển sách đầu tiên do người Việt viết được ForbesBooks xuất bản. Đây không chỉ là câu chuyện thực tế về một công ty tại Việt Nam – Tân Hiệp Phát, mà còn là nghiên cứu về môi trường kinh doanh tại Việt Nam, từ khi chuyển đổi sang kinh tế thị trường.
Cô đã làm bật tinh thần “Không gì là không thể” – triết lý nền tảng giúp Việt Nam dần trở thành con hổ mới của châu Á.
Truyền thông quốc tế và Việt Nam đang xôn xao sau sự kiện Forbes ra mắt cuốn sách “Competing with Giants” tại Mỹ.
Các hãng thông tấn lớn của Mỹ đều dành vị trí trang trọng để đăng tải hình ảnh của doanh nhân Uyên Phương và cuốn sách – như một sự tôn trọng dành cho khát vọng vươn ra biển lớn của một công ty địa phương Việt Nam.
Bloomberg đã ngợi ca khát vọng châu Á - khát vọng “vượt lên người khổng lồ” của doanh nhân Uyên Phương: “Để trở thành công ty hàng đầu châu Á, trước hết chúng tôi phải là công ty số 1 ở Việt Nam. Vào thời điểm đó chúng tôi mới gia nhập ngành công nghiệp nước giải khát, đồ uống không cồn được 3 năm. Khi đó Pepsi, Coca-Cola là những “gã khổng lồ” đối với chúng tôi. Chúng tôi thậm chí không nghĩ tới việc tuyển dụng quản lý, giám đốc kinh doanh, vị trí cao cấp hay CEO như của Coca-Cola ở Việt Nam. Chúng tôi không biết có nên tuyển họ hay không. Vậy đấy, đó là chúng tôi khi đó!
Giờ đây, chúng tôi đã là tập đoàn nước giải khát số 1 ở Việt Nam. Chúng tôi tập trung vào các sản phẩm tốt cho sức khỏe. Và chúng tôi có mong muốn phục vụ tất cả khách hàng trên toàn cầu. Chúng tôi biết khách hàng đang rất cần nhà cung cấp những sản phẩm tốt cho sức khỏe”.
Từ trang sách đến thực tiễn
Đó là thông điệp được nữ doanh nhân Uyên Phương đưa ra, không chỉ trên những trang sách mà trên từng hành động của Tập đoàn Tân Hiệp Phát.
“Mục tiêu của công ty trong ba năm tới là tăng doanh thu hằng năm lên 50%. Không bao giờ là dễ dàng để cạnh tranh với những người khổng lồ, nhưng hãy tự tin đối mặt với họ”, doanh nhân Uyên Phương chia sẻ với truyền thông quốc tế.
Theo nữ doanh nhân, mẹo marketing tốt nhất cho một công ty địa phương đơn giản là làm nhiều hơn với ít chi phí hơn. Để làm được điều này, các công ty địa phương cần khai thác mọi lợi thế tự nhiên, sử dụng 4P trong marketing cổ điển: địa điểm, giá cả, sản xuất và khuyến mãi.
Trong 4P marketing, địa điểm thường được liệt kê cuối cùng, nhưng thật ra không có công ty ngoại nào có lợi thế hơn so với những công ty địa phương, vốn là người bản địa đối với thị trường của họ, theo nữ doanh nhân.
Quan điểm này đã và đang giúp Tân Hiệp Phát ngày càng khẳng định được vị thế của mình - một công ty địa phương thúc đẩy sự thân thiện của mình với khách hàng, tạo ra một sản phẩm thành công dựa trên sự hiểu biết về điểm đến. Đánh trúng tâm lý người tiêu dùng chú ý kĩ tới nguồn gốc công ty hoặc sản phẩm, bởi vì họ muốn hỗ trợ cộng đồng địa phương.
“Các công ty địa phương có thể đưa sản phẩm ra thị trường nhanh hơn nhiều so với các công ty đa quốc gia bởi vì họ thấu hiểu thị trường trong nước. Ngay cả khi mở rộng các dòng sản phẩm mới, các công ty địa phương có thể hành động nhanh chóng”, doanh nhân Uyên Phương chia sẻ bí quyết thành công của Tân Hiệp Phát.
“Khi Uyên Phương nói đến gia đình Tân Hiệp Phát, cô ấy không chỉ nói về gia đình của người lãnh đạo mà là toàn thể đội ngũ nhân viên công ty. Điều đó xa lạ với các nền kinh tế tư bản phương Tây; còn ở phương Đông, không phải tổ chức nào cũng làm được”, Tiến sĩ, bác sĩ Amit K. Trehan, cố vấn cấp cao tại Trung tâm Y tế bang Texas nhận định.
Một số chuyên gia quốc tế cũng cho rằng động lực phát triển của Tân Hiệp Phát đến từ sự gắn bó và cùng chung chí hướng của những người trong gia đình. Tất cả thành viên đều tin không gì là không thể và đóng góp hết mình vào công cuộc chinh phục những mục tiêu lớn và điều này đã tạo nên thành công.
Financial Times, CNBC, Channel News Asia, Asia Times… đã nhắc đến Tân Hiệp Phát như một hiện tượng kinh tế kỳ lạ ở Việt Nam - một doanh nghiệp gia đình sở hữu cơ ngơi hàng tỷ USD và nằm trong số những công ty của người Việt có khát vọng vươn ra toàn cầu.
Cộng đồng doanh nghiệp trong nước cũng như giới chuyên gia, truyền thông quốc tế đang không chỉ dừng lại ở một nữ doanh nhân là tác giả của “Competing with Giants” mà sẽ ngày càng cảm nhận rõ hơn về một CEO Tân Hiệp Phát trong tương lai, với “khát vọng châu Á” và với tâm niệm chân thành: “Tôi hoàn toàn hiểu kế thừa là một trách nhiệm, một công việc chứ không phải là một quyền lợi. Nếu như mình được chọn, điều đầu tiên là mình có đủ năng lực và cam kết cho tổ chức phát triển. Khi được chọn, tôi sẽ ràng buộc mình ở một vai trò nhất định nào đó mà không thể buông bỏ được và sự phát triển của tổ chức cần được đưa lên hàng đầu hơn là mục tiêu của cá nhân”.
Và “Tôi chưa có thời gian để chăm sóc dàn siêu xe. Thời gian đó tôi dành để chăm sóc, phát triển nhân viên của mình, để nhìn thấy quy trình và sự phát triển của Tân Hiệp Phát”.