Nhà đầu tư chốt lời khi nhiều nhóm cổ phiếu tăng 20-30%
Nền tảng vĩ mô vẫn hỗ trợ thị trường
Chuyên gia tới từ Công ty cổ phần Chứng khoán VNDirect (VNDirect) cho rằng, việc chỉ số chứng khoán giảm mạnh trong phiên chiều thứ Sáu tuần qua đã gây bất ngờ cho khá nhiều nhà đầu tư, khi trước đó thị trường đón nhận nhiều thông tin tích cực về số liệu lạm phát thấp hơn dự báo tại Mỹ, lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ duy trì đà giảm và chứng khoán Mỹ lập đỉnh cao mới.
VNDirect cho rằng, đà giảm lần này có thể đến từ động thái chốt lời của nhà đầu tư, khi nhiều cổ phiếu đã khi nhận mức tăng mạnh 20 - 30% chỉ trong thời gian ngắn như nhóm cổ phiếu cảng, vận tải biến, công nghệ…
Bên cạnh đó, thị trường cũng chịu ảnh hưởng bởi động thái bán ròng liên tiếp của khối ngoại và lo ngại về việc mối quan tâm của nhà đầu tư đối với thị trường chứng khoán suy giảm khi vòng chung kết Euro 2024 diễn ra.
Tuy vậy, nhìn một cách tổng thể, phiên giảm điểm mạnh cuối tuần qua chưa làm thay đổi xu hướng tăng trong trung hạn, đặc biệt trong bối cảnh nền tảng vĩ mô trong nước vẫn ổn định và đang cải thiện trên một số mặt như tăng trưởng, xuất nhập khẩu, ổn định tỷ giá và thị trường vàng...
Do đó, VNDirect cho rằng nhịp điều chỉnh lần này của thị trường có mức độ không lớn và sẽ không kéo dài.
Về diễn biến cụ thể của thị trường, VN-Index diễn biến tuần 10-14/6 đầy bất ngờ khi quay đầu điều chỉnh trong phiên chiều thứ 6 sau khi thành công vượt mốc 1.300 điểm vào giữa tuần.
Thị trường mở cửa phiên đầu tuần (10/6) tương đối tích cực, tăng hơn 3 điểm. Đáng chú ý, cổ phiếu ngành vận tải HAH tăng tới 7%, khi giá cước vận tải hàng hóa Đông Nam Á tăng lên 2.951 USD/40ft, được kỳ vọng giúp tăng biên lợi nhuận của HAH trong quý III/2024.
Lực cầu yếu khiến VN-Index giảm hơn 6 điểm vào phiên 11/6 do khối ngoại “mạnh tay” bán ròng hơn 1.800 tỷ đồng, tập trung vào một số cổ phiếu vốn hóa lớn như FPT và VHM.
Phiên 12/6, VN-Index tăng mạnh hơn 15 điểm và chính thức vượt mốc 1.300 điểm với thanh khoản hơn 23.000 tỷ đồng. Nhóm ngân hàng tăng hơn 1,6% trong phiên, dẫn dắt bởi cổ phiếu VPB tăng 6%, khi nhà đầu tư kỳ vọng vào sự phục hồi kết quả kinh doanh của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, FPT tăng 4,3% ngay sau ngày chốt quyền chia cổ tức và phát hành thêm cổ phiếu.
Thị trường diễn biến “lình xình” trong phiên ngày thứ 5, song áp lực chốt lời không quá mạnh và nhóm ngân hàng tiếp tục tăng điểm. Cụ thể, BID tăng 0,9%; MBB tăng 1,9%; CTG tăng 1,2% và TPB tăng 3%. Cổ phiếu ngân hàng đi lên đã hỗ trợ VN-Index đóng cửa tăng nhẹ hơn 1 điểm cuối phiên 13/6.
Diễn biến bất ngờ đến trong phiên giao dịch cuối tuần, VN-Index quay đầu giảm mạnh hơn 20 điểm với áp lực chốt lời gia tăng mạnh trong buổi chiều, kéo thanh khoản cả phiên đạt mức cao là 29.000 tỷ đồng; trong đó, nhóm cổ phiếu trụ chứng kiến đà giảm mạnh với VCB giảm 1%, BID giảm 1,8%, HPG giảm 1,4%, GAS giảm 1,5%.
Kết thúc tuần giao dịch, VN-Index giảm 0,6% xuống mốc 1,279.9 điểm, HNX-Index giảm 0,4% xuống 243.9 điểm và UPCOM giảm 0,9% xuống 98.1 điểm.
Tuần qua, FPT tăng tới 6,8%; HVN tăng 5,5%; VPB 3,9% là các cổ phiếu hỗ trợ chính cho thị trường. Ngược lại, SAB giảm 6,6%; GVR giảm 5,7% và VIC gảm 3,5% là các mã cổ phiếu gây áp lực lớn nhất lên chỉ số chung.
Thanh khoản tuần qua tăng 7,7% lên 24.516 tỷ đồng/phiên. Khối ngoại tiếp đà bán ròng lên tới 5.723 tỷ đồng trên cả 3 sàn; trong đó, khối ngoại bán ròng 5.524 tỷ đồng trên HOSE, mua ròng 48,9 tỷ đồng trên HNX và bán ròng 247,2 tỷ đồng trên UPCOM.
Chuyên gia phân tích từ Công ty cổ phần Chứng khoán Kiến Thiết Việt Nam (CSI) nhìn nhận, bất ngờ đã xảy ra trong phiên giao dịch cuối tuần qua, đặc biệt trong phiên ATC (mua hoặc bán chứng khoán tại mức giá đóng cửa) khiến VN-Index có một phiên giảm điểm rất sâu.
Tất cả các nhóm ngành đều nhuốm sắc đỏ, chỉ trừ nhóm công nghệ viễn thông tăng tới 6,1%. Đáng chú ý, thanh khoản tăng cao, vượt mức trung bình 20 phiên (tăng 19,34%) đang cho thấy áp lực bán là rất lớn.
Phiên giảm cuối tuần qua khiến VN-Index đóng cửa tuần đánh mất tín hiệu tích cực đã tạo ra trong tuần trước đó. Ở thời điểm hiện tại, áp lực bán đang chiếm ưu thế mạnh sau phiên giảm sâu. Tuy vậy tín hiệu đảo chiều theo quan điểm của CSI vẫn chưa được xác nhận rõ và không loại trừ khả năng VN-Index chỉ giảm ngắn hạn để kiểm tra ngưỡng hỗ trợ 1.264 -1.270 điểm ở các phiên tuần sau và bật tăng trở lại.
Công ty cổ phần Chứng khoán Mirae Asset (Việt Nam) nhận định, tuần qua, VN-Index trở lại mốc 1.300 sau nhiều năm cùng với sự bứt phá không dứt khoát (cao nhất VN-Index chạm mốc 1.306) là 2 yếu tố tạo làm nhà đầu tư lo ngại và thực hiện chốt lãi lại vùng này.
Phiên giảm mạnh cuối tuần chưa đủ tạo ra sự đảo chiều sang trạng thái giảm điểm của VN-Index trong ngắn hạn, nhà đầu tư cần lưu ý vùng hỗ trợ 1.270 -1.275 điểm để đánh giá về khả năng giảm điểm của VN-Index.
Nếu chỉ số tìm lại được vùng 1.285 điểm, xu hướng tăng điểm có thể sẽ trở lại.
Thực tế, các yếu tố vĩ mô trong nước và quốc tế vẫn đang khá tích cực. Trong bối cảnh thị trường chứng khoán thế giới tăng mạnh, nhận định của nhiều công ty chứng khoán cũng cho thấy, nhịp giảm của thị trường chứng khoán Việt Nam tuần qua mang yếu tố chốt lãi.
Các chỉ số chứng khoán Mỹ liên tiếp lập kỷ lục trong tuần qua
Các chỉ số chứng khoán Mỹ liên tiếp lập kỷ lục trong tuần qua. Chỉ số tổng hợp S&P 500 kết thúc bốn phiên lập kỷ lục liên tiếp, nhưng vẫn tăng hơn 1% trong cả tuần.
Chỉ số công nghệ Nasdaq Composite tăng 3,2% trong tuần qua, mức tăng tính theo phần trăm mạnh nhất kể từ cuối tháng 4/2024. Trong khi đó, chỉ số công nghiệp Dow Jones khép lại tuần giảm 0,5%.
Phiên cuối tuần 14/6, các chỉ số chứng khoán Mỹ diễn biến trái chiều khi số liệu kinh tế hạ nhiệt và Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) giữ nguyên lãi suất tại cuộc họp mới đây.
Chốt phiên, chỉ số S&P 500 và Dow Jones giảm nhẹ, trong khi chỉ số Nasdaq Composite tăng lên mức cao kỷ lục năm phiên liên tiếp.
Chỉ số Dow Jones giảm 0,15% xuống 38.589,16 điểm; chỉ số S&P 500 giảm 2 0,04% xuống 5.431,6 điểm và chỉ số Nasdaq Composite tăng 0,12% lên 17.688,88 điểm.
Trước đó, trong phiên 13/6, cả chỉ số S&P 500 và Nasdaq Composite đều đóng cửa ở mức cao kỷ lục mới trong 4 phiên liên tiếp, tương ứng là 5.433,74 điểm và 17.667,56 điểm, khi giới giao dịch phản ứng với nguy cơ bất ổn chính trị ở châu Âu và kế hoạch cắt giảm lãi suất của Fed.
Chỉ số S&P 500 và Nasdaq Composite trong phiên 12/6 lập kỷ lục mới sau khi Cục Fed quyết định giữ nguyên lãi suất. Chốt phiên này, chỉ số S&P 500 tăng 0,9% lên 5.421,03 điểm, chỉ số Nasdaq Composite tăng 1,5% lên 17.608,44 điểm. Trong khi đó, chỉ số Dow Jones giảm 0,1% xuống 38.712,21 điểm.
Còn trong các phiên đầu tuần này, những chỉ số chứng khoán Mỹ diễn biến trái chiều khi giới đầu tư ngóng chờ thông tin từ cuộc họp chính sách tiền tệ của Fed.
Kết thúc cuộc họp mới đây, Fed đã quyết định giữ nguyên lãi suất ở mức hiện tại 5,25%-5,5%. Fed cũng hạ dự báo cắt giảm lãi suất xuống một lần duy nhất trong năm nay, thay vì 3 lần như dự báo trước đó đưa ra vào tháng 3/2024. Động thái này có thể sẽ làm thất vọng các thị trường, vốn cho rằng Fed sẽ thực hiện ít nhất 2 đợt cắt giảm lãi suất sau khi một báo cáo đáng khích lệ công bố ngay trước đó cho thấy lạm phát tại Mỹ đã chậm lại hơn dự kiến./.